Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nỗ lực đưa phim hoạt hình Việt Nam ra thế giới

Thứ Hai 20/06/2022 | 10:18 GMT+7

VHO- Phim hoạt hình Việt chiếu ở rạp lâu nay vẫn là khát vọng cháy bỏng của người làm nghề, nhưng để hiện thực hóa ước mơ ấy không phải dễ dàng. Những hy vọng về một tác phẩm hoạt hình “made in Vietnam” ra rạp cứ thế kéo dài từ năm này qua năm khác mà vẫn chưa thành hiện thực vì không có người mở đường. Thế nhưng, mới đây sự ra đời của Sun Wolf Animation Studio (Sun Wolf) với hoài bão đưa phim hoạt hình Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc riêng ra thế giới đã mở ra nhiều hy vọng cho dòng phim  “khó nhằn” này.

Định hướng của Sun Wolf là sáng tạo hoạt hình hiện đại lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Việt

Hướng đến màn ảnh rộng

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một bộ phim hoạt hình thương mại “made in Vietnam” nào thật sự hoàn chỉnh và dài hơi được đưa lên màn ảnh rộng. Hầu hết các tác phẩm đã ra mắt chỉ là các tập phim ngắn 10, 20, 30 phút và chủ yếu được chiếu trên nền tảng mạng xã hội. Chỉ có trường hợp cá biệt là Người con của Rồng do NSND Phạm Minh Trí thực hiện với thời lượng 90 phút thuộc thể loại 3D, nhưng cũng chỉ công chiếu vỏn vẹn 1 tuần tại rạp Kim Đồng (Hà Nội). Tưởng chừng phim hoạt là dòng phim kén người xem, nhưng không, trong mắt các nhà làm phim quốc tế, Việt Nam vẫn là một thị trường béo bở của dòng phim này. Thực tế, từ năm 2010 đến nay, phim hoạt hình luôn nằm trong top 10 phim có doanh thu cao nhất tại Việt Nam với những con số kỷ lục.

Trước sự “lép vế” với phim hoạt hình “nhập khẩu”, nhiều người trẻ đã bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện một cách nghiêm túc những dự án hoạt hình dài hơi. Với hoài bão lớn đưa phim hoạt hình Việt Nam ra thế giới với bản sắc riêng được lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân gian, xưởng phim hoạt hình Sun Wolf do Leo Đinh sáng lập đã ra đời. Tại buổi công bố, Sun Wolf đã giới thiệu 2 dự án hoạt hình là Hành trình nhân quả Tản Viên Phong Châu với tầm nhìn đến tận năm 2035. Lý giải về việc đặt ra lịch trình dài hạn, Leo Đinh cho biết: “Phim hoạt hình có nhiều thử thách cả về con người, kỹ thuật và nội dung. Những năm qua, mình loay hoay định hướng con người và kỹ thuật. Hiện giờ thì mình tự tin hơn về hai thứ đó và tập trung vào nội dung. Để sản phẩm thật sự chất lượng, đội ngũ sản xuất của mình lựa chọn phong cách làm hoạt hình truyền thống, đó là vẽ tay. Tính cả các bản phác thảo không thể sử dụng, mỗi giây lên màn ảnh tốn cả trăm bản vẽ, nên sẽ khá tốn thời gian cho một bộ phim dài 90 phút”.

Món bún cá được đưa vào phần phim tý tưởng đầy hấp dẫn

Đặc biệt, trong các tác phẩm của mình, Leo Đinh hướng đến khai thác văn hóa dân gian Việt Nam. Nhiều hình ảnh quen thuộc trong đời sống và tín ngưỡng người Việt từ các thế kỷ qua được đưa vào phim như chim hạc, trống đồng, cây đa, bến nước, sân đình, thềm nắng, phố phường, xe máy… Với Hành trình nhân quả các hình tượng, tích truyện được dùng làm nền tảng để sáng tạo câu chuyện mới. Còn với Tản Viên Phong Châu, kịch bản dựa theo truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh nhưng nối dài câu chuyện, diễn tả tỉ mỉ vương quốc dưới nước của Thủy Tinh. Bằng các sản phẩm của mình, Leo Đinh nuôi tham vọng góp một phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua một góc nhìn hiện đại nhưng vẫn mang “hơi thở” truyền thống. Được biết hơn 10 năm qua, đạo diễn làm hoạt hình cho quảng cáo để tích lũy tài chính và kinh nghiệm. Sau 5 năm mở công ty, anh bắt đầu nghiên cứu làm phim hoạt hình. Và qua thời gian nỗ lực, đội ngũ đã gặt hái được những thành công bước đầu khi U Linh Tích Ký - Bột thần kỳ đã được trình chiếu tại hai LHP hoạt hình lâu đời trên thế giới là LHP hoạt hình quốc tế Stuttgart (ITFS) và LHP quốc tế Seattle (SIFF) vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua.

Có quyền kỳ vọng

Mang nhiều đam mê, nhiệt huyết nhưng các nhà làm phim đều thừa nhận để có thể thực hiện một tác phẩm phim hoạt hình Việt chiếu ở rạp là điều vô cùng khó khăn. Đầu tiên, kịch bản phim phải tốt và mới lạ, không thể chỉ là minh họa lại một câu chuyện cổ tích, kể về một nhân vật lịch sử theo kiểu tài liệu mà phải được rộng mở kết hợp cùng yếu tố giáo dục. Tiếp theo, nhà sản xuất phải có đội ngũ nhân lực đồng đều, thiết bị hiện đại đáp ứng yếu tố kỹ thuật. Và để có được đội ngũ nhân lực hợp ý và đồng đều, nhà sản xuất phải xây dựng, đào tạo trong thời gian nhất định với chi phí là không nhỏ. Cũng như các khâu trong quá trình sản xuất phim hoạt hình rất tốn thời gian và công sức. Nhà sản xuất phim Leo Đinh thừa nhận, để thực hiện phim hoạt hình dài hơi, mang ra rạp, cần một nguồn kinh phí rất lớn, buộc đơn vị phải tính toán đầu tư sao cho hợp lý. Ngoài ra, để có một đội ngũ nhân lực đồng đều, cũng cần một khoảng thời gian dài để xây dựng, đào tạo và phát triển. “Và ở hiện tại, mình tự tin với những gì mà đội ngũ mình có, cả về mặt kỹ thuật lẫn đam mê, nhiệt huyết”, Leo Đinh chia sẻ.

Các nhà làm phim rất hy vọng vào hướng đi mới của phim hoạt hình

Cũng tại sự kiện, Sun Wolf lần đầu trình chiếu phim ngắn U linh tích ký - Bột thần kỳ. Phim ngắn khoảng 15 phút không lời thoại nhưng thu hút thị giác với màu sắc đẹp, hình ảnh thú vị khi từng nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam đã xuất hiện với cách nhìn hiện đại. Chia sẻ với truyền thông sau khi xem phim phim ý tưởng này, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Với góc độ một khán giả thì tôi thấy là dự án hoàn hảo. Vì thế, tôi nghĩ rằng nếu có một cốt truyện tốt cộng với tay nghề mà các bạn đã có, tất nhiên càng làm thì càng tinh, càng làm thì càng nhuyễn, chắc chắn sẽ có một kết quả xứng đáng với công sức mà các bạn bỏ ra. Đây có thể là kỳ vọng của những người như chúng tôi ở các bạn trẻ”. Đạo diễn Raul Garcia, cựu họa sĩ hoạt hình tại Walt Disney đưa ra nhận xét: “Mức độ nghệ thuật và chất lượng trong phim hoạt hình U Linh Tích Ký - Bột thần kỳ thực sự cao, có giá trị thẩm mỹ và giá trị sản xuất thật tuyệt vời. Chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế nhân vật rất đẹp. Nhìn chung, bộ phim đạt trên tiêu chuẩn chất lượng của nhiều tác phẩm”. Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh cũng dành lời khen cho đoạn phim ý tưởng, anh cho biết:“Làm phim hoạt hình ở Việt Nam thật sự rất khó và cũng chưa có một phim hoạt hình Việt Nam thương mại chiếu rạp nào. Với ước mơ, hoài bão về phim hoạt hình, các tài năng trẻ của Sun Wolf đã tiên phong cho hành trình mang phim hoạt hình Việt ra màn ảnh rộng. Và qua đoạn phim ý tưởng U Linh Tích Ký - Bột thần kỳ, có thể thấy được các bạn đã làm khá tốt về mặt kỹ thuật, thẩm mỹ… và thật sự là không thua gì phim quốc tế”. Những lời nhận xét này sẽ là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ Sun Wolf tiếp tục hành trình mang hoạt hình Việt ra màn ảnh rộng và hơn thế nữa là thị trường quốc tế trong thời gian sắp tới.

Có thể thấy, không riêng gì với khán giả nhỏ tuổi, hoạt hình là thể loại phim khá đặc biệt góp phần quan trọng trong giáo dục, trong đời sống tinh thần con người. Việt Nam là thị trường hoạt hình giàu tiềm năng nhưng chưa có nhiều tác phẩm tương xứng. Với những hoài bão và đam mê của người trẻ yêu hoạt hình, Sun Wolf đã và đang nỗ lực, tập trung để nâng cao giá trị phim, tăng tính hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Và chúng ta có quyền kỳ vọng vào một bộ phim hoạt hình “made in Vietnam” chất lượng được đưa ra màn ảnh rộng và có khả năng cạnh tranh với các hãng phim lớn của quốc tế trong thời gian gần nhất.

Bài, ảnh: HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top