Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Văn học làm gì để chấn hưng văn hóa? (Bài 2): Dấn thân để gieo “quả ngọt” cho đời

Thứ Hai 20/06/2022 | 11:25 GMT+7

VHO- Tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều cây bút cho rằng, nhà văn cần có trách nhiệm hơn với cuộc sống, phải đau đáu với hiện thực đất nước mình, gieo “quả ngọt” cho đời, góp phần chấn hưng văn hóa Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Trải nghiệm để nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tác

Chia sẻ về sự phát triển của văn học trong thời kỳ vừa qua, các nhà văn, nhà thơ lão thành cũng như các cây bút trẻ cho rằng, nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người” là hoàn toàn xác đáng. Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh quang đó đang đặt lên vai các văn nghệ sĩ, trong đó có đội ngũ nhà văn.

Nhà văn Trác Diễm (Quảng Bình) cho rằng, những cây bút trẻ hiện nay chịu khá nhiều áp lực từ cuộc sống cơm áo gạo tiền, áp lực từ quỹ thời gian eo hẹp khi phải cân bằng giữa viết và những công việc khác. “Nhiều người trong số họ phải làm nhiều ngành nghề khác nhau để “nuôi” văn chương, phục vụ cho sự viết lách. Để cân bằng cảm xúc và nuôi dưỡng đam mê viết thì họ phải dành thời gian và chuyên tâm trên cánh đồng chữ nghĩa. Áp lực cần phải có tác phẩm như người ta nên nhiều cây bút trẻ viết vội vàng, nhanh chóng, tập trung số lượng hơn chất lượng, do vậy số lượng tác phẩm có thể rất nhiều nhưng còn mờ nhạt, chưa được công chúng, độc giả đón nhận. Thế hệ viết văn, thơ trước đây đã tạo ra được lớp người viết kế cận có định hướng, “cắm rễ” trong lòng bạn đọc nhờ những tác phẩm có chiều sâu. Còn bây giờ các nhà văn trẻ đang “dàn hàng ngang và chạy đua” về số lượng, cho ra đời những tác phẩm thiếu dấu ấn”, nhà văn Trác Diễm thừa nhận.

Nhà văn Trác Diễm

Để viết ra được những tác phẩm hay, các nhà văn trẻ cần phải biết “sống chậm” để tìm lại chính mình. Sống chậm để chiêm nghiệm, tìm tư liệu sống vì nếu không có thực tế và trải nghiệm thì văn chương không bao giờ có sức hút.

“Bây giờ và sau này nữa tôi vẫn muốn nói, các nhà văn trẻ hãy đi và cảm nhận cuộc sống xung quanh, từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Đó là nguồn tư liệu vô cùng phong phú và vô tận mà đất nước chúng ta luôn sẵn sàng cung cấp cho những người cầm bút. Bất cứ chuyến đi nào, đến đâu cũng sẽ là nguồn tư liệu quý, ví dụ như tham gia các hoạt động thiện nguyện xây dựng thư viện, trường học ở miền núi, những hoạt động này bây giờ rất nhiều, đến với đồng bào vùng sâu vùng xa tiếp xúc và tìm hiểu thói quen, đời sống, phong tục của họ. Tác phẩm có thể ra đời chậm nhưng ngược lại sẽ có chiều sâu, được độc giả đón nhận hiệu quả”, theo nhà văn Trác Diễm.

Nhà văn Trác Diễm cũng cho rằng, hiện nay con người quá sa đà vào không gian mạng ảo nên việc đưa sách đến với người dân, len lỏi vào từng gia đình, đưa sách lên miền núi vùng sâu vùng xa cũng là cách hiệu quả để đưa văn học vào cuộc sống, xây dựng nền tảng vững chắc cho văn hóa đọc phát triển: “Một cuốn sách ra đời không phải là chỉ để cho những người viết dành tặng nhau, cũng không phải là ra để những người hay đọc mới đón nhận mà nên đưa về các vùng miền cho đồng bào, đó là cách truyền lửa niềm đam mê đọc, tình yêu văn học đối với nhiều tầng lớp người dân, cho thế hệ sau này”, nhà văn Trác Diễm nói và cho biết: “Sau 7 năm cầm bút, tôi có 7 tác phẩm trong đó có 4 đầu sách tiểu thuyết và 3 đầu sách truyện ngắn. Mỗi cuốn tiểu thuyết may mắn được sự quan tâm và hỗ trợ in ấn từ các Nhà xuất bản, đó là sự động viên lớn lao đối với những tác giả trẻ. Sau vài năm trở lại đây tôi dành thời gian đi và trải nghiệm, thâm nhập cuộc sống nhiều hơn. Tôi gọi đó là những cuộc du tâm, đi tìm lại tiếng nói trong chính bản thân mình. Cần có những trang viết thiên về chiều sâu hơn là phô diễn trên mặt trận chữ nghĩa”.

Trao đổi với Văn Hóa bên lề Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X về nội dung “Văn học phải làm gì để góp phần chấn hưng văn hóa”, các cây bút đã thành danh đồng tình sứ mệnh thiêng liêng của văn học trong việc góp phần chấn hưng văn hóa. Muốn vậy, điều tiên quyết là người cầm bút phải lăn vào đời sống. Sống thật và sống có trách nhiệm như nhà thơ Xuân Diệu đã từng tuyên ngôn: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang

Muốn gieo “quả ngọt” cho đời, nhà văn phải đau đáu với đời, với nhân dân. Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Huế) bày tỏ, trách nhiệm của người cầm bút trong công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc là bắt buộc cây bút đó phải tìm tòi, nỗ lực lao động, các cây bút trẻ phải xông pha để trải nghiệm, nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc, chứ đừng ngồi trong phòng lạnh để tưởng tượng cuộc sống đang sôi nổi ngoài kia. “Hiện nay nhà văn trẻ đối mặt với nhiều thách thức, làm thế nào để vượt qua các “tượng đài”, “cây đa cây đề” trong làng văn không thể

 một sớm một chiều nhưng không có cái gì là không thể, vấn đề chỉ là ý chí và thời gian. Trải nghiệm là mấu chốt của vấn đề. Nhưng đây cũng là điểm yếu của các cây bút trẻ. Trách nhiệm của người viết trẻ là sự tìm tòi, lao động và trải nghiệm để nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo. Phải có vốn sống, tư liệu hiện thực, phải lăn xả vào cuộc sống bộn bề ngoài kia. Nếu nhà văn ở trong môi trường khép kín thì mạch nguồn sẽ bị cạn kiệt và không thể có được tác phẩm lớn.

“Theo tôi trách nhiệm của người viết trẻ là sự tìm tòi, lao động và trải nghiệm, hướng đến xã hội, cộng đồng, đất nước. Mạch nguồn sống nuôi dưỡng và thai nghén những tác phẩm mà nhân dân và xã hội đang đòi hỏi; những tác phẩm thể hiện được tầm vóc dân tộc, mang bản tính Việt độc đáo, sáng tạo và riêng biệt, góp phần quảng bá văn học và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi có niềm tin, những nhà văn trẻ trong tương lai sẽ làm được điều này”, nhà văn Lê Vũ Trường Giang nói.

  Nhà văn Đặng Thùy Tiên

Với cây bút trẻ Đặng Thùy Tiên (Lai Châu), sáng tạo tác phẩm tầm cỡ là một thách thức không nhỏ. Không những phải cố gắng trau dồi kiến thức mà còn phải làm sao vượt qua được chính mình. Vượt qua những khó khăn thường nhật “cơm áo không đùa với khách thơ”, dành thời gian để viết, kiên trì theo đuổi nghề viết của mình. Đó không đơn thuần là theo đuổi đam mê mà chính là một sự lao động nghiêm túc, có trách nhiệm với nghề mà mình đã chọn.

Còn tác giả Lê Đình Trung ở Thanh Hóa thì cho rằng: “Những người trẻ mới cầm bút như chúng tôi luôn muốn viết và viết thật nhiều, đồng thời cũng ý thức được vai trò của mình trong việc liên kết, thực hiện sứ mệnh cao cả của văn học, văn hóa. Tâm tư của tác giả phản ánh vào chính tác phẩm của họ, chính vì vậy những cây bút trẻ như chúng tôi luôn phải có ý thức trau dồi tư duy, kiến thức, trải nghiệm để hành xử đẹp trong cuộc sống, từ đó mới có thể viết đẹp trong văn chương. Chỉ có sống tốt, sống đẹp và sống đúng ngay từ trong suy nghĩ thì chúng ta mới có thể hành động đúng đắn và viết ra những tác phẩm giúp ích cho xã hội. Có tác phẩm hay thì mới tiếp cận được đông đảo bạn đọc và lôi kéo được mọi người đến với sách, lan toả văn hóa đọc, là cơ sở phát triển và chấn hưng văn hóa dân tộc”.

 Nhà văn Lê Đình Trung

Vị trí của người viết văn là ở trong lòng nhân dân

Góp ý về các giải pháp thúc đẩy văn học phát triển góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc trong thời gian tới, nhà thơ lão thành Hữu Thỉnh cho rằng, với các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ, trước hết phải tìm cách để trả lời bằng được câu hỏi “Viết thế nào cho hay?”. Vì chỉ có tác phẩm hay mới đi vào lòng bạn đọc, cuộc sống.

“Ngày nay những cây bút trẻ của chúng ta có tất cả, xã hội ưu tiên, đặc biệt chào đón và tạo mọi điều kiện để các cây bút trẻ sáng tác ra tác phẩm hay. Công việc của cây bút trẻ bây giờ là viết cho hay. Với tư cách người đi trước, nếu có điều gì cần nói với thế hệ trẻ, chúng tôi sẽ nói rằng muốn viết cho hay, trước hết và quan trọng nhất là phải trở thành người đồng hành cùng đất nước, dân tộc, có đồng hành cùng đất nước mới có thể viết hay, đi khỏi quỹ đạo của đất nước, dân tộc thì dù có tài năng mấy cũng rơi vào quên lãng”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Từ đó, nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị những người cầm bút trẻ phải luôn mang tâm thế xông pha dấn thân vào trung tâm cuộc sống, đồng hành cùng đất nước, dân tộc để tích lũy vốn sống lâu dài. Ông cho rằng: “Vị trí của người viết văn là ở trong lòng nhân dân, chỉ có vị trí trung tâm của đời sống chúng ta mới có thể trang bị cho mình vốn sống lâu dài để đi, viết. Có một số cây bút xuất hiện đầy triển vọng nhưng sau một thời gian ngắn thì không viết được nữa hoặc viết một cái gì rất tẻ nhạt, vì không có vốn sống và sáng tác. Không có vốn sống, với hai bàn tay trắng thì không thể đi sâu, đi lâu, đi bền trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Cái mới cho văn chương chính là kinh nghiệm sống, cái mới quan trọng nhất là cái mới đến từ đời sống lao động, có thể có vốn sống gián tiếp qua mạng xã hội nhưng không thể bằng vốn sống trực tiếp. Trong quá trình sáng tác cần tiếp thu tinh hoa văn học thế giới trên nền tảng truyền thống của văn học dân tộc, tránh “cũ người mới ta” tiếp thu vội vã, bỏ quên nền tảng quan trọng nhất là nền tảng văn hóa của dân tộc”.

Tương tự, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng cho rằng, bổn phận nhà văn và sứ mệnh văn chương trong công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc hiện nay chính là việc phải đưa cái chân - thiện - mỹ của văn học vào cuộc sống, từ đó đặt ra yêu cầu phải có những tác phẩm hay, lớn, xứng tầm thời đại, có sức lan tỏa và rung động mạnh mẽ đến tâm hồn và trái tim con người. Muốn như vậy, các cây bút trẻ nói riêng và các nhà văn nói chung phải nỗ lực, vượt lên chính mình, tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nhà thơ Kim Huy kỳ vọng: “Chắc chắn các nhà văn trẻ hiện nay họ có tiềm lực lớn, có cách nhìn cách nghĩ khác và có hướng đi khác với các thế hệ trước. Tôi tin với thời gian, họ làm được mà những thế hệ trước chưa làm được”. 

 Muốn viết cho hay, trước hết và quan trọng nhất là phải trở thành người đồng hành cùng đất nước, dân tộc, có đồng hành cùng đất nước mới có thể viết hay, đi khỏi quỹ đạo của đất nước, dân tộc thì dù có tài năng mấy cũng rơi vào quên lãng… Vị trí của người viết văn là ở trong lòng nhân dân, chỉ có vị trí trung tâm của đời sống chúng ta mới có thể trang bị cho mình vốn sống lâu dài để đi, viết… Không có vốn sống, với hai bàn tay trắng thì không thể đi sâu, đi lâu, đi bền trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

(Nhà thơ HỮU THỈNH)

 

 Cam kết mạnh mẽ của Bộ VHTTDL

 Phát biểu tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã gửi tới Hội Nhà văn, những tác giả lão thành và cả những tác giả trẻ lời chúc mừng tốt đẹp nhất, qua đó động viên, cam kết Bộ VHTTDL sẽ đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để ngày càng có nhiều tác phẩm chất lượng, sống mãi với thời gian.

Trên cương vị là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, rất cần hiểu đúng, hiểu sâu về lĩnh vực tinh tế này để từ đó có cách tiếp cận và ứng xử phù hợp xứng đáng đối với tác phẩm văn học. Bộ trưởng khẳng định:

Bộ VHTTDL sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho Hội Nhà văn và những cây bút trẻ được lao động và gặt hái thành quả xứng đáng trên “cánh đồng chữ nghĩa”, tạo sự nghiệp sáng tác bền vững, để ra đời những tác phẩm chất lượng sống mãi với thời gian qua 3 giải pháp:

Thứ nhất, cần thiết phải tạo cơ sở, hành lang pháp lý thuận lợi và động lực cho các nhà văn, cụ thể, Bộ VHTTDL đã báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định về hoạt động văn học nghệ thuật để tạo điều kiện tốt nhất cho người cầm bút sáng tác, phục vụ công chúng. Thời gian qua, Bộ VHTTDL cũng đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ động làm việc với Hội Nhà văn để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, qua đó đi đến tiếng nói chung để cùng bắt tay hành động, tiến tới mục tiêu đáp ứng được một phần yêu cầu trong khuôn khổ quản lý nhà nước.

Thứ hai, trên cơ sở kiến tạo về chính sách, đồng hành, Bộ VHTTDL cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà văn cùng hành động thiết thực theo hướng đi từ dễ tới khó, giải quyết từ vấn đề đơn giản đến vấn đề phức tạp, làm việc nào chắc việc nấy. Bộ VHTTDL đã bàn với Hội Nhà văn về việc duy trì các trại sáng tác, nâng cấp, mở rộng quy mô trại sáng tác, xây dựng cho được giải thưởng văn học quốc gia để ghi nhận, tôn vinh, đồng thời tìm kiếm các cây bút tài năng.

Thứ ba, trong quá trình phối kết hợp phải khẩn trương hiện thực hóa Đề án về nâng cao năng lực sáng tạo lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhanh chóng tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

 

 Trao đổi với Văn Hóa bên lề Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X về nội dung “Văn học phải làm gì để góp phần chấn hưng văn hóa”, các cây bút đã thành danh đồng tình sứ mệnh thiêng liêng của văn học trong việc góp phần chấn hưng văn hóa. Muốn vậy, điều tiên quyết là người cầm bút phải lăn vào đời sống. Sống thật và sống có trách nhiệm như nhà thơ Xuân Diệu đã từng tuyên ngôn: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”.

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top