Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lễ hội đường phố: Từ “Tây” đến... ta

Thứ Hai 20/06/2022 | 11:31 GMT+7

VHO- Lễ hội đường phố là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng khá cao. Đúng như tên gọi, Lễ hội đường phố thường được tổ chức ở không gian ngoài trời trong không khí náo nhiệt đông đúc của người tham gia biểu diễn cũng như của người xem. Những năm gần đây, trong xu thế hội nhập nền văn hóa thế giới thì “Lễ hội đường phố”, còn gọi là carnaval càng được mở rộng hơn về quy mô cũng như lĩnh vực.

 Sắc màu núi rừng Trường Sơn trong Lễ hội đường phố tại Festival Thổ cẩm tỉnh Đắk Nông

 Carnaval trên thế giới

Carnaval là lễ hội hóa trang và diễu hành trên đường phố nhân dịp Mardi Grars (ngày thứ ba trước tuần chay) của các nước theo Kito giáo. Brazil là một trong những nước có lễ hội Carnaval hoành tráng nhất thế giới và lễ hội ở đây diễn ra trong 5 ngày. Nổi bật nhất phải kể đến là những “Lễ hội đường phố” dành cho các thanh, thiếu niên năng động, ham học hỏi điều mới và thích giao lưu kết bạn. Với sự trẻ trung, năng động, thích thể hiện “cái tôi” của mình, các thanh, thiếu niên thường tự thử thách chính mình thông qua môn thể thao cảm giác mạnh parkour - nghệ thuật của sự di chuyển; khéo léo và phản xạ nhanh; hoà mình vào trong những giai điệu sôi động và đầy đam mê của hiphop dance; hoặc mê mẩn cảm giác đôi chân uyển chuyển lướt “cùng gió” với bộ môn partin; đồng thời còn thể hiện phong cách, cá tính riêng độc đáo của chính mình và thử thách lẫn nhau trong beatbox. Theo Sách Kỷ lục Guinness thì Carnival ở Rio de Janeiro là carnival lớn nhất và là lễ hội nổi tiếng nhất thế giới. Lễ hội đường phố Carnival ở Rio de Janeiro, Brazil được coi là “chương trình biểu diễn hoành tráng và hấp dẫn nhất Trái đất”. Hàng trăm ban nhạc, ca sĩ và những vũ công samba sexy tụ hội trên những con phố, nhảy múa ngày đêm với hàng ngàn người tham dự. Các trang phục rực rỡ sắc màu, những kiểu tóc độc đáo cùng các kiểu hóa trang lạ mắt làm cho lễ hội trở nên tưng bừng và bắt mắt. Đây thực sự là một chương trình kỳ diệu với các biên đạo múa xuất sắc, những bộ trang phục hóa trang rực rỡ, gợi cảm, cùng những chiếc xe diễu hành đầy mê hoặc và thứ âm nhạc khiến du khách không thể cưỡng lại được.

Các nước châu Âu cũng là xứ sở của lễ hội đường phố. Theo ước tính của ban tổ chức, có khoảng 1 triệu người tham gia lễ hội Notting Hill Carnival. Đây là lễ hội được tổ chức hằng năm, bắt đầu từ 1964 trên các con phố của khu vực Notting Hill ở phía Tây London. Các cộng đồng người dân vùng châu Phi - Caribe sinh sống tại Anh giới thiệu các nền văn hóa của họ cho du khách khắp nơi trên thế giới có dịp đến nước Anh du lịch. Trải qua một thời gian dài, số lượng người tham gia lễ hội này ngày càng tăng cao.

 Bản sắc Malaysia tại Lễ hội đường phố Hội An

Lễ hội đường phố ở Việt Nam

Nếu trên thế giới, Lễ hội carnaval đường phố được hình thành, phát triển từ lâu thì đối với Việt Nam, loại hình lễ hội này lại rất mới mẻ. Các địa phương có thế mạnh về di sản và du lịch đã đưa lễ hội đường phố vào chương trình hoạt động festival như Festival Huế, Festival Di sản Quảng Nam, Lễ hội Carnaval Quảng Ninh, Festival Thổ cẩm Đắk Nông... Có thể nói, lễ hội đường phố là cuộc trình diễn quy mô, ấn tượng và thành công nhất trong toàn bộ chương trình Festival Huế. Là thành phố của festival, Huế không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương mà còn là đất diễn của nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghệ nhân dân gian trên toàn thế giới. Nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc của các quốc gia thuộc châu Phi, châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh được hội tụ ở cố đô Huế trong các kỳ festival. Đặc biệt, những lần diễn ra Festival Huế, bạn bè cả nước và nhiều nơi trên thế giới đến Huế biểu diễn và tham gia Lễ hội đường phố. Cứ chiều xuống là du khách đợi chờ được tận mắt thưởng thức Lễ hội đường phố đông vui nhộn nhịp với trang phục, múa, trình diễn nhạc cụ dân tộc độc đáo. Niềm vui hiện lên rạng ngời trên từng khuôn mặt những người tham gia biểu diễn. Người xem không cần phải đến tận sân khấu vì sức chứa của nó luôn có giới hạn mà chỉ cần tập trung hai bên các tuyến phố có thể tận hưởng những món ăn nghệ thuật tinh hoa đến từ các nước. Tiêu biểu như cuộc trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Bhamar, Chin, Kachin, Rakhain, Lisu... đến từ đất nước Myanmar; trang phục truyền thống của các bộ tộc Lào như Lào Thơng, Lào Xủng, Lào Lùm trong kỳ festival này. Khán giả đường phố còn được xem bộ sưu tập trang phục batik - tinh hoa di sản của Xứ sở vạn đảo - Indonesia, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2003.

Lễ hội đường phố cũng được chú trọng trong Festival Di sản Quảng Nam. Festivsl Di sản Quảng Nam cũng để lại nhiều hình ảnh, dấu ấn bởi chương trình Lễ hội đường phố tại phố cổ Hội An. Lần đầu tiên nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài như Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Philippines, Thái Lan đến tham gia Festival Di sản Quảng Nam. Người dân phố cổ và du khách được tận mắt ngắm nhìn nét độc đáo của sắc màu Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Sự xuất hiện của thổ dân ở đảo Tây Pa Pua còn mang nhiều nét hoang sơ với nhiều món trang sức bằng nanh thú, vẽ hình thù trên mặt, chân tay hay đeo lông chim trên trán, khuỷu tay, áo da thú, váy vỏ cây của thổ dân Kalimantan ở đảo Borneo, Indonesia. Người xem còn được thưởng thức vẻ đẹp của trang phục Longyi của dân tộc Bhamar - dân tộc đa số ở đất nước Myanmar, vũ điệu và phục sức của vũ nữ Apsara, loại hình nghệ thuật mang dấu ấn cung đình của đất nước Campuchia hay bộ trang phục mang phong cách Tây Ban Nha của đất nước Philippines.

Lễ hội Carnaval đường phố là hoạt động không thể thiếu vắng trong các sự kiện văn hóa lớn của thế giới. Mô hình này đã được các địa phương tỉnh, thành phố trong nước hào hứng hưởng ứng, nhất là trong các dịp tổ chức festival. Cuộc trình diễn trên không gian rộng lớn với nhiều lớp diễn viên, nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều sắc thái đặc trưng thuộc tóp đầu, tinh hoa trong kho tàng di sản của các nước là môi trường lý tưởng để giao lưu văn hóa, mang đến cho đông đảo công chúng, du khách những bữa tiệc nghệ thuật tràn đầy hương sắc. 

 

 TẤN VỊNH

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top