Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xung quanh nhiều ý kiến trái chiều về cụm tượng CSGT và PCCC ở Hà Nội: Người trong cuộc nói gì?

Thứ Tư 13/07/2022 | 10:04 GMT+7

VHO- Liên quan đến việc dựng cụm tượng đài Cảnh sát giao thông (CSGT) và chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang được thi công tại Hà Nội, hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, thu hút sự chú ý của dư luận. Xung quanh những ý kiến này, một số họa sĩ, nhà chuyên môn là thành viên Hội đồng nghệ thuật đã chia sẻ với Văn Hóa những quan điểm, nhận định về giá trị thẩm mỹ cũng như vị trí lựa chọn đặt cụm tượng.

 Đơn vị thi công đang hoàn thiện cụm tượng

 Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20.7.1962 - 20.7.2022), Bộ Công an chủ trì khánh thành quần thể tượng đài lực lượng CSGT, lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN (cứu hộ cứu nạn).

Đề tài khó

Tượng đài trên được dựng tại vị trí giáp với bức tường bao của Công viên Thống Nhất, đoạn gần ngã ba giao nhau giữa phố Trần Nhân Tông và phố Quang Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cụm tượng đài có 7 nhân vật, gồm 2 chiến sĩ CSGT, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CHCN, một phụ nữ lớn tuổi và một em nhỏ. Ngoài ra, cụm tượng đài còn có biểu tượng cột đèn tín hiệu giao thông và ngọn lửa.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật cho biết, ý tưởng ban đầu đặt ra là dựng hai cụm tượng, một về CSGT, một về cảnh sát PCCC. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, Hội đồng nghệ thuật xem xét các phương án để góp ý, cuối cùng Bộ Công an thống nhất quan điểm chỉ xây dựng một cụm tượng nhưng vẫn phản ánh đầy đủ thông điệp muốn chuyển tải. Đây là cụm tượng có ý nghĩa phác họa, tôn vinh công việc thường ngày của lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CHCN, mang thông điệp gần gũi với nhân dân.

“Mảng nội dung về lực lượng CSGT, tượng có hình ảnh nữ CSGT điều khiển giao thông bên cạnh cột đèn tín hiệu, cùng với hình ảnh nam chiến sĩ CSGT giúp một cụ già qua đường. Mảng nội dung về Cảnh sát PCCC tái hiện hình ảnh các chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CHCN làm nhiệm vụ cứu hỏa, hình ảnh chiến sĩ bế em nhỏ trên tay, vượt ra khỏi đám cháy. Đây là những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho công việc thường ngày cũng như những đóng góp, cống hiến của các chiến sĩ công an ở các lực lượng cho cuộc sống nhân dân”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết. Được biết, lý do chọn lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CHCN để dựng tượng đài được lý giải: Các lực lượng công an nhân dân nói chung đều vì nhân dân phục vụ. Tuy nhiên, có thể nói đây là 2 lực lượng gần gũi nhân dân nhất. Việc dựng tượng đài cũng để nhắc nhở cho quần chúng nhân dân ý thức hơn trong việc tham giao thông và ý thức trong việc PCCC.

Ngay sau khi xuất hiện những hình ảnh đầu tiên về cụm tượng này, bên cạnh những ý kiến đồng tình, trên báo chí, mạng xã hội những ngày qua cũng đã xôn xao nhiều ý kiến trái chiều. Một số nhận định về tạo hình và chất lượng nghệ thuật, nhìn nhận đây là tác phẩm còn có nhiều điều đáng tiếc. Một số ý kiến cho rằng, cụm tác phẩm này thiếu tính thẩm mỹ, bốcục rời rạc, rơi vào kểlể, ngôn ngữ tượng đài lạc hậu... Bên cạnh đó, vị trí đặt cụm tượng đài cũng là điều khiến nhiều họa sĩ, điêu khắc băn khoăn, cho rằng không phù hợp.

Xung quanh những ý kiến trái chiều kể trên, trao đổi với Văn Hóa, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: “Trước hết phải thấy rằng chủ đề cụm tượng là một bài toán khó, chỉ riêng tìm hình tượng đã rất khó rồi. Lần đầu tiên, lực lượng công an nhân dân làm một công trình tượng đài vinh danh các chiến sĩ, không thể khác là lựa chọn ngôn ngữ hiện thực cổ điển để phản ánh, từ trang phục, sắc phục, thần thái... Ý tưởng sau này là cụm tượng sẽ nằm trong tổng thể phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, tương tự như một sân khấu thu nhỏ, nơi diễn ra các sự kiện của lực lượng CAND”. Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, vì là ngôn ngữ hiện thực nên không thể so sánh với ngôn ngữ điêu khắc đương đại. Cụm tượng là sáng tác của một nhà điêu khắc trẻ, việc tìm ra những hình tượng phù hợp, có thể chấp nhận được để khắc họa, phản ánh cũng là một vấn đề rất khó.

Dự án cụm tượng bên phố Trần Nhân Tông đang được khẩn trương hoàn thiện

Ngôn ngữ hiện thực, tạo sự gần gũi

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, việc sử dụng ngôn ngữ hiện thực cổ điển ở cụm tượng nhằm tạo sự gần gũi, thân tình, không tạo sự xa cách trong không gian đô thị. “Việc xử lý ngôn ngữ điêu khắc, hình khối trong tổng thể không gian cũng được thực hiện nhằm tạo sự gần gũi này. Toàn bộ cụm tượng có độ cao vừa phải, các hình khối tượng được phác họa giản dị, nhằm tôn vinh hình tượng những chiến sĩ luôn hy sinh thầm lặng vì Tổ quốc, vì nhân dân”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết thêm.

Họa sĩ Vi Kiến Thành cùng chung nhận định, cho rằng, cần tiếp cận phong cách sáng tác của tác phẩm khi đánh giá chất lượng nghệ thuật của cụm tượng. Cụ thể, ở đây cụm tượng theo phong cách sáng tác hiện thực nên việc nhìn nhận, phân tích phải dưới giác độ của phong cách này. “Không thể nhìn nhận dưới góc độ của phong cách sáng tác hiện đại, đương đại, với hình thức biểu hiện, trừu tượng... để đánh giá rằng cụm tượng này cổ lỗ. Hơn nữa, thông điệp và mục đích hướng đến khi xây dựng tượng đài về hình tượng các chiến sĩ là nhằm tạo sự gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận...”, họa sĩ Vi Kiến Thành nói. Ông Thành cũng cho hay, Hội đồng nghệ thuật của tác phẩm này gồm các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc, không gian đô thị, cùng đại diện lực lượng CSGT, PCCC... Nhìn nhận dưới góc độ sáng tác hiện thực, Hội đồng nghệ thuật đánh giá tác phẩm đáp ứng yêu cầu, phù hợp với đề tài tôn vinh những cống hiến, hy sinh cùng những đóng góp của các chiến sĩ công an, cảnh sát PCCC trong đời sống xã hội.

Về những ý kiến nhiều chiều xung quanh vị trí đặt tượng, họa sĩ Vi Kiến Thành nhận định, cũng với mục tiêu tạo sự gần gũi, không gian đặt tượng cũng được lựa chọn theo tiêu chí này. “Chủ đề của tượng, các nhân vật, hình khối, độ cao, tỉ lệ nhân vật gần tương tự với người thật... sẽ tạo cho người dân không có cảm giác xa vời. Vì vậy, việc chọn đặt tượng ở vị trí giáp với bức tường bao của Công viên Thống Nhất là phù hợp, khác với những công trình tượng đài hoành tráng thường được lựa chọn đặt tại những quảng trường rộng lớn, mênh mông”, theo họa sĩ Vi Kiến Thành.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho biết thêm, vị trí đặt tượng đã được tính toán, xin ý kiến Hà Nội và các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch đô thị. Theo đó, vị trí này nằm trong quy hoạch tổng thể mà sau khi hoàn thiện, toàn bộ không gian cảnh quan sẽ tạo sự đồng bộ, hướng đến việc hình thành một cụm công trình chuyển tải thông điệp tôn vinh những chiến sĩ cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, những con người luôn thầm lặng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân và xã hội. 

 Trước hết phải thấy rằng chủ đề cụm tượng là một bài toán khó, chỉ riêng tìm hình tượng đã rất khó rồi. Lần đầu tiên, lực lượng công an nhân dân làm một công trình tượng đài vinh danh các chiến sĩ, không thể khác là lựa chọn ngôn ngữ hiện thực cổ điển để phản ánh, từ trang phục, sắc phục, thần thái... Ý tưởng sau này là cụm tượng sẽ nằm trong tổng thể phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, tương tự như một sân khấu thu nhỏ, nơi diễn ra các sự kiện của lực lượng CAND…

(Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam LƯƠNG XUÂN ĐOÀN)

 

 Chủ đề của tượng, các nhân vật, hình khối, độ cao, tỉ lệ nhân vật gần tương tự với người thật... sẽ tạo cho người dân không có cảm giác xa vời. Vì vậy, việc chọn đặt tượng ở vị trí giáp với bức tường bao của Công viên Thống Nhất là phù hợp, khác với những công trình tượng đài hoành tráng thường được lựa chọn đặt tại những quảng trường rộng lớn, mênh mông.

(Họa sĩ VI KIẾN THÀNH)

BẢO PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top