Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Chương trình nghệ thuật “Hồn sen Việt, Hương sắc Chăm Pa”: Đêm của những cảm xúc Việt- Lào

Thứ Hai 18/07/2022 | 23:58 GMT+7

VHO- Tối 18.7 tại Cung Văn hóa quốc gia Lào (Thủ đô Viêng Chăn), chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên Hồn sen Việt, Hương sắc Chăm Pa đã chính thức diễn ra. Là sự kiện được mong chờ trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào, đêm nghệ thuật đã mang đến thật nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả tại Viêng Chăn.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam- Lào cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình

Dự chương trình nghệ thuật có Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sỏn-xay Si-phăn-đon; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng.

Cùng dự đêm nghệ thuật có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Tạ Quang Đông; lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch và các Ban, Bộ, ngành, các cơ quan của hai nước Việt Nam- Lào và đông đảo khán giả của Thủ đô Viêng Chăn.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam- Lào tham dự chương trình nghệ thuật

Cung Văn hóa Quốc gia Lào sớm đông khán giả. Nhiều người bạn Lào nghe tin đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn đã tìm đến Cung từ sớm. Nhiều Việt kiều sinh sống lâu năm tại Viêng Chăn cũng háo hức đón chờ chương trình mang đậm âm sắc quê hương.

Packy, cô gái Lào tự nhận mình có duyên với nghệ thuật Việt Nam bộc bạch, cô rất yêu những ca khúc, những giai điệu độc đáo của nhạc cụ truyền thống được các nghệ sĩ Việt Nam thể hiện. Công tác tại một đơn vị nghệ thuật của Lào, cũng đã nhiều lần sang Việt Nam, Packy cho biết những Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào cô đều không bỏ lỡ. Đêm nghệ thuật lần này cũng vậy, Cung Văn hóa quốc gia Lào trở thành điểm hẹn của cô gái Lào với âm nhạc Việt Nam.

Các đại biểu tham dự chương trình

“Năm nay chương trình có nhiều đổi mới hơn so với những Tuần Văn hóa Việt Nam trước đây. Vẫn là những bài hát Việt- Lào nhưng âm sắc tươi vui, trẻ trung hơn, rất phù hợp với khán giả trẻ. Tôi thích những bài hát kết hợp âm hưởng dân gian truyền thống với hiện đại như Xẩm Hà Nội, thích thanh âm đàn bầu hòa quyện với nhạc điện tử…”, Packy hào hứng.

Cung Văn hóa quốc gia Lào tràn ngập tiếng vỗ tay

Chị Thanh Hương (52 tuổi), một Việt kiều Lào đã có gần 30 năm sinh sống tại Viêng Chăn cũng chia sẻ, cả gia đình chị đã chờ đón chương trình nghệ thuật từ nhiều ngày nay. “Xa quê hương đã lâu, hai tiếng Việt Nam mỗi lần nhắc đến đều khiến tôi tha thiết nhớ. Vì thế, những chương trình nghệ thuật, những bài hát Việt Nam do chính những nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn luôn mang đến cho những người Việt xa quê thật nhiều cảm xúc”.

Nhiều tiết mục trong chương trình mang đến cảm xúc với khán giả Viêng Chăn

Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Nguyễn Hải Linh cho biết, chương trình nghệ thuật Hồn Sen Việt, Hương sắc Chăm Pa là một sự kiện đặc biệt mà Nhà hát được giao trọng trách xây dựng, thực hiện nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam- Lào và chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam -Lào, Lào- Việt Nam 2022. “Lần này, chúng tôi mang đến Viêng Chăn nhiều tiết mục mang hơi thở mới, những bản phối mới, cách dàn dựng mới, và tất nhiên, vẫn trên cơ sở là những nền tảng truyền thống. Sự hòa quyện giữa các giá trị truyền thống với âm sắc đương đại chắc chắn đã mang đến cho người xem ở Viêng Chăn, đặc biệt là cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại đây những cảm xúc đặc biệt. Các nghệ sĩ của Nhà hát đã cảm nhận được điều đó qua những tràng vỗ tay của người xem sau mỗi tiết mục”, ông Nguyễn Hải Linh chia sẻ.

Cung Văn hóa Quốc gia Lào ngập trong những tràng pháo tay không dứt. Đó chính là động lực cho những cảm xúc thăng hoa của các nghệ sĩ Việt Nam tham gia đêm diễn. Mang theo tiếng đàn bầu da diết đến Viêng Chăn, một biểu tượng của  văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam, NSƯT Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam chia sẻ: “Âm sắc của đàn bầu trong chương trình có sự kết hợp với dàn nhạc điện tử, với những giai điệu vốn quen thân với khán giả Việt- Lào trong hai ca khúc Người là niềm tin tất thắng và  Bác Cay Xỏn người anh hùng trong trái tim. Sự hòa quyện này đã mang đến một màu sắc mới cho loại hình nhạc cụ truyền thống mang tính biểu trưng này của Việt Nam…”.

Âm sắc của đàn bầu kết hợp cùng dàn nhạc điện tử, với những giai điệu vốn quen thân với khán giả Việt- Lào trong hai ca khúc Người là niềm tin tất thắng và  Bác Cay Xỏn người anh hùng trong trái tim

Ngoài đàn bầu, trong chương trình còn có nhiều loại hình nhạc cụ truyền thống Việt Nam được kết hợp với dàn nhạc điện tử như nhị, sáo… “Lần đầu tiên chúng tôi xây dựng và đưa vào kết cấu chương trình những tiết mục độc đáo như vậy. Xẩm kết hợp Rap trong một phong cách rất đương đại; đàn bầu, độc tấu đàn nhị với dàn nhạc điện tử… Sự đón nhận của khán giả Viêng Chăn cho thấy đây là một sự đổi mới phù hợp. Những giai điệu Việt Nam trên đất bạn vẫn trọn vẹn những giá trị truyền thống, đồng thời thể hiện một phong cách mới, trẻ trung trong giai đoạn hội nhập”, Giám đốc Nguyễn Hải Linh cho biết.

Phát biểu về chương trình nghệ thuật, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Đây là sự kiện văn hoá đối ngoại có ý nghĩa, góp phần tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào, trong đó có lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và du lịch, tương xứng với tầm vóc của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước...”.

Đồng thời, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Văn Sỷ Kua Mua, cùng với hoạt động triển lãm, chương trình biểu diễn văn nghệ trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào đã mang đến cho khán giả những chương trình văn hóa – văn nghệ đặc sắc của Việt Nam, cũng như phản ánh sâu sắc về tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng – hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào anh em trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

  Với thông điệp mong muốn gửi gắm đến các bạn Lào và người Việt Nam tại Lào là ngợi ca tình hữu nghị, đoàn kết của hai đất nước, cũng như giới thiệu văn hóa đặc trưng của Việt Nam, chủ đề  chương trình nghệ thuật lần này được phát triển từ ý tưởng về biểu tượng văn hóa của hai quốc gia, đó là hoa sen của Việt Nam và hoa Chăm pa của Lào... Dù là những giai điệu, ca khúc đi cùng năm tháng hay những bài hát đương đại thì đêm nhạc cũng đã mang đến nhiều cảm xúc thực sự thăng hoa đối với các nghệ sĩ Việt Nam ở Viêng Chăn. Như NSƯT Phương Thảo từng chia sẻ, hát trên đất nước Lào tươi đẹp và yên bình; con người chất phác, thật thà và hồn hậu; văn hoá Lào đa sắc…, tất cả hoà quyện như một bức tranh vừa thân thương, vừa bí ẩn khiến bất cứ ai đến đây đều có những ấn tượng đặc biệt. Và với các nghệ sĩ thì chính điều thân thương ấy đã trở thành động lực để tất cả đều nỗ lực  hết mình, mang đến những tiết mục hay nhất cho người nghe.

Hà Myo làm nóng sân khấu với Xẩm Hà Nội

Gần 70 phút của chương trình đã mang đến thật nhiều cung bậc xúc cảm. Đêm nghệ thuật đã kết thúc trong những điệu múa Lăm vông rộn ràng, duyên dáng. Và điều để lại là thật nhiều nỗi nhớ cho khán giả ở Viêng Chăn.

PHƯƠNG ANH; ảnh: THẾ CÔNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top