Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Những đảng viên trao truyền giá trị di sản văn hóa (Bài 1): Để câu Quan họ níu bước người đi

Thứ Tư 17/08/2022 | 10:30 GMT+7

VHO- Văn hóa Việt Nam rất phong phú và đa dạng, trong đó, di sản văn hóa phi vật thể đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của cộng đồng. Tính đến nay chúng ta đã có 14 di sản được UNESCO ghi danh. Cộng đồng các dân tộc trên dải đất hình chữ S luôn ra sức bảo tồn, phát huy giá trị di sản đúng với tinh thần Công ước UNESCO. Điều đặc biệt hơn, các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa là đội ngũ đảng viên, với quyết tâm cao và thấm nhuần tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ, đã miệt mài gìn giữ và trao truyền những giá trị quý giá này đến các thế hệ mai sau… Văn Hóa may mắn khi được gặp gỡ nhiều đảng viên như thế và mong muốn chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng đến bạn đọc.

 NSƯT Văn Tân đã vinh dự được đóng vai Bác Hồ tới gần 2.000 lần 

Đã gần 13 năm kể từ khi Dân ca Quan họ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, từ các làng Quan họ cổ đã phát triển lên hàng trăm CLB với hàng ngàn người thực hành. Trong đó, Bắc Ninh từ 44 làng Quan họ cổ đến nay đã phát triển được 150 làng Quan họ thực hành, 369 CLB Dân ca Quan họ; Bắc Giang từ 18 làng Quan họ cổ ở huyện Việt Yên đến nay đã phát triển rộng khắp với trên 80 CLB Quan họ.

 Đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn, trao truyền các giá trị của Dân ca Quan họ là những cán bộ, đảng viên luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Học theo đạo đức, tư tưởng của Bác

Đến TP Bắc Giang một ngày hè rực nắng đầu tháng 7, hỏi thăm nhà NSƯT Văn Tân thì hầu như ai cũng biết, bởi ông nổi tiếng là người đã đóng vai Bác Hồ tới gần 2.000 lần. Dù đã 80 tuổi nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong ông không hề vơi cạn. Nở nụ cười hồn hậu, ông xúc động chia sẻ: “Được đứng trong hàng ngũ của Đảng hơn bốn chục năm, tôi luôn ghi nhớ câu nói của Người: Đạo đức là cái gốc của cán bộ, đảng viên. Vì thế, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, phát huy vai trò nêu gương của người đảng viên, ra sức gây dựng phong trào và kết nạp được thêm nhiều đảng viên mới. Khi nghỉ hưu, tôi tích cực tham gia vào việc gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị của dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc”.

Đứng trong hàng ngũ của Đảng hơn 42 năm, Bác Tân luôn tâm niệm là đảng viên phải nêu cao vai trò gương mẫu, giữ đạo đức cách mạng

Sau khi UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc, NSƯT Văn Tân đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang: Muốn trao truyền, phát huy được giá trị của di sản, thì CLB Quan họ tỉnh Bắc Giang nên được đổi tên thành Hội văn hóa Quan họ tỉnh Bắc Giang để có cơ chế hoạt động tốt hơn. Trở thành Trưởng ban vận động thành lập Hội, ông đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang gửi công văn xuống cơ sở và đích thân đến từng phường, xã, huyện, thành phố mà cụ thể là các Phòng văn hóa thông tin, Trung tâm văn hóa thông tin thể thao các huyện để vận động thành lập Hội.

“Đi đến đâu tôi cũng gần dân và nêu cao tinh thần: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như lời dạy của Bác với cán bộ, đảng viên nên được chính quyền, bà con tin tưởng làm theo. Tôi cũng học Bác, sáng tác bài Người ngoan Quan họ, trong đó có 10 quy định đối với các liền anh, liền chị tham gia sinh hoạt tại các CLB, như trang phục phải chỉnh tề, luyện hát thì phải vang, rền, nền, nẩy, đoan trang, tập luyện phải chuyên cần…”, NSƯT Văn Tân chia sẻ. Nhờ tài khéo vận động của ông mà từ chỗ chỉ có 14 CLB với 125 hội viên, đến nay Hội văn hóa Quan họ tỉnh Bắc Giang đã có 26 CLB với 435 hội viên, tổ chức được 1.491 buổi phục vụ nhân dân, 5 Hội nghị nâng cao hiểu biết về Quan họ. Trong 2 năm 2019-2020, Hội cũng đã tổ chức truyền dạy Quan họ cho 141 cháu thiếu niên nhi đồng; liên kết với các cấp có thẩm quyền trong hoạt động, sinh hoạt dân ca Quan họ, hướng dẫn, truyền dạy, trao đổi giữa các làng, xã, huyện trong tỉnh… góp phần xây dựng nhiều làng Quan họ ở tỉnh Bắc Giang.

Phát huy vai trò nêu gương của người đảng viên

Một tối cuối tháng 7, tại nhà chứa Quan họ Thị Cầu, tiết trời oi ả dường như được xoa dịu bởi những câu hát mượt mà, da diết của các thành viên CLB Quan họ phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những làng Quan họ cổ mang đậm nét đặc trưng tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Chị Hải đã sưu tầm được những quyển sách quý 

Được thành lập từ năm 1996 với gần 30 thành viên, CLB đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức hoạt động nhằm bảo tồn các hình thức diễn xướng truyền thống. Việc duy trì sinh hoạt định kỳ gắn với các hoạt động truyền dạy phù hợp cho các lớp liền anh, liền chị kế cận ở độ tuổi khác nhau đã thu hút thêm nhiều thành viên mới, đến nay số người tham gia sinh hoạt đã lên đến hàng trăm người.

Nói đến sự phát triển của CLB Quan họ Thị Cầu, nhiều nghệ nhân và Ban Chủ nhiệm thường nhắc tới “chị Hải - Bí thư”, một thành viên tích cực trong các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của Dân ca Quan họ gắn với cộng đồng nơi đây. Là Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND phường từ năm 2012-2016, đến nay đã kinh qua nhiều vị trí, nhưng tình yêu của chị với Quan họ vẫn thủy chung trước sau như một. “Tôi chỉ góp một phần nhỏ bé vào việc bảo tồn Quan họ ở làng Thị Cầu. Nếu như lớp nghệ nhân trước đây chỉ có 2 đồng chí đảng viên, thì hiện CLB chúng tôi đã có trên 10 đảng viên tham gia, trong đó có cả đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường, Chi ủy viên của chi bộ các khu phố. Tất cả đều cùng nhau gìn giữ, lan tỏa những câu ca, làn điệu cổ để truyền lại cho thế hệ sau này”, chị Hải khiêm nhường.

Vốn không phải quê gốc ở đây nhưng được sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Kinh Bắc nên chị đã thấm đẫm tình yêu với Quan họ từ lúc nào không biết. Năm 1995, khi đang là Phó bí thư đoàn phường, chị đã đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Khuê học hát. Đến năm 2008, trong vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, chị cùng Hội Phụ nữ tham gia nhiều cuộc thi văn nghệ với các đề tài trên chất liệu Dân ca Quan họ và đạt thành tích cao. Khi đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của địa phương, chị đã cùng với Đảng ủy, UBND phường Thị Cầu xây dựng đề án truyền dạy Quan họ cổ. Bản thân chị là hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền, vận động và tham gia sinh hoạt tại CLB.

Chị Hải (giữa) biểu diễn Quan họ cùng CLB Thị Cầu

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và Dân ca Quan họ Bắc Ninh, phát huy vai trò xung kích, nêu gương của người đảng viên, chị Hải tích cực đến nhà nhiều nghệ nhân kỳ cựu để học từ lề lối chơi cho đến khi ngấm được cái hay, cái đẹp của người Quan họ để tiếp tục gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ. “Hát Quan họ là một quá trình rèn luyện phức tạp và lâu dài. Người hát phải tìm mọi cách, mọi cơ hội để tiếp thu tinh hoa sẵn có của những lớp nghệ nhân đi trước. Vì học Quan họ là truyền khẩu nên không tránh khỏi người hát lệch câu hoặc khác nghĩa so với bản gốc, những người kế cận như chúng tôi sẽ chỉ dẫn lại để trao truyền được gần sát nhất với vốn cổ”, chị Hải tâm sự.

Ban ngày đi làm, ban đêm chị lại tích cực tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu, sách báo về Quan họ. Chị đã sưu tầm được hàng chục đầu sách quý về những câu hát cổ, lề lối chơi xưa. Để Quan họ không bị thất truyền, ngoài việc ghi âm, ghi hình lại các buổi biểu diễn, sinh hoạt, chị Hải còn sưu tầm những câu hát của các nghệ nhân "xưa nay hiếm" để sắp tới xuất bản thành sách. CLB Quan họ Thị Cầu có 6 nghệ nhân thì hầu hết hồ sơ của họ đều được chị Hải tập hợp, hoàn thiện phần tư liệu; chị cũng viết nhiều bài nghiên cứu đăng trên các báo và tạp chí về Quan họ Bắc Ninh nói chung và Quan họ vùng làng cổ Thị Cầu nói riêng.

Chia tay chị, ấn tượng về người phụ nữ nhã nhặn, nền nã và tài hoa ấy cứ vương vấn mãi trong chúng tôi! Và không chỉ có NSƯT Văn Tân, chị Hải Bí thư mà trên dải đất hình chữ S này còn có biết bao đảng viên ưu tú đang ngày đêm góp phần bảo tồn, trao truyền để các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc trường tồn với thời gian. 

Bài 2: Vợ chồng đảng viên - nghệ nhân gần 40 năm truyền dạy Đờn ca tài tử

THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top