Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Di sản văn hóa là nguồn lực phát triển du lịch Thanh Hóa

Thứ Bảy 20/08/2022 | 15:34 GMT+7

VHO- Là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, Thanh Hóa đang là điểm đến không thể bỏ qua đối với bất cứ ai muốn khám phá về cội nguồn dân tộc.

Di sản thế giới Thành nhà Hồ 

Với 1.535 di tích, danh thắng, trong đó có nhiều di tích đặc biệt có giá trị mang tầm quốc gia và quốc tế, như Di sản Thế giới Thành nhà Hồ, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn; ngoài ra, Thanh Hóa còn có 9 bảo vật và 11 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Tỉnh Thanh Hóa đã và đang từng bước bảo tồn, khai thác ngày một hiệu quả cho phát triển du lịch nhất là loại hình du lịch gắn với di sản văn hóa như : Du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp với di sản..v.v... , góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu du lịch đều tăng cao và vượt cao so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Tổng lượt khách du lịch đạt 7.395.000 khách, tăng 151,2% (tăng gấp 2,51 lần) so với cùng kỳ năm 2021; đạt 74% so với kế hoạch năm 2022. Tổng thu du lịch đạt 12.919 tỷ đồng, tăng 191,8% (tăng gấp 2,91 lần) so với cùng kỳ 2021. Đạt 72,1% kế hoạch năm 2022. Trong đó, Di sản thế giới Thành nhà Hồ là 125.000 lượt khách; Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh 152.000 lượt khách.

Cách thủ đô Hà Nội hơn 140 km và TP Thanh Hóa khoảng 45 km, Di sản thế giới Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, tòa thành vẫn hiện diện uy nghi với các tường thành và cửa thành bằng đá cuốn vòm, và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới 6m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.

Đàn tế Nam Giao gắn liền với sự ra đời của vương triều Hồ. Ảnh: Lê Hoàng 

Đàn Nam Giao với tổng diện tích trên 43.000m2, là một kiến trúc khá hoành tráng trong tổng thể Khu Di sản Thành nhà Hồ.  Đây là nơi hàng năm triều nhà Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Tháng 10/2007, đàn Nam Giao được công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Từ năm 2004 đến năm 2016, đàn Nam Giao đã qua 4 lần nghiên cứu khai quật với tổng diện tích 18.000 m2

Ông Nguyễn Bá Linh, giám đốc trung tâm bảo tồn Di sản thế giới Thành nhà Hồ cho biết, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Thành nhà Hồ gắn với phát triển du lịch luôn được tỉnh Thanh Hóa chú trọng quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điển hình như bảo tồn Đàn tế Nam Giao; chống thấm vòm cửa Nam; tu sửa cấp thiết tường thành đá phía Đông Bắc. Cùng với đó, trung tâm cũng thực hiện điều tra tổng thể và xây dựng hồ sơ công nhận bổ sung toàn bộ hệ thống La thành là di sản cấp quốc gia. Thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá "độc nhất vô nhị" này. Theo đó, các kết quả khai quật khảo cổ học đã bước đầu làm xuất lộ nhiều thành phần kiến trúc của kinh đô cổ này.

Mới đây, thực hiện Quyết định khai quật của Bộ VHTTDL, từ ngày 25.11.2021 đến 30.7.2022, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tiến hành khai quật khảo cổ đường Hoàng Gia với tổng diện tích 14.000m2. Con đường Hoàng gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi, nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc – Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ phương đông. Cuộc khai quật đã xác định được dấu tích đường Hoàng gia còn lại rất rõ được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam thành nhà Hồ, hướng Bắc - Nam, nối thẳng về phía Nam đến di tích Nam Giao nối về phía Bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành, góp phần vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử.

Nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá "độc nhất vô nhị" này

Cũng theo ông Linh, thời gian qua để góp phần đưa Di sản thế giới Thành nhà Hồ tiếp cận công chúng và khách tham quan thì công tác tuyên truyền quảng bá Khu di sản Thành Nhà Hồ được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như truyền thông, trưng bày, triển lãm, mạng xã hội, quảng bá trực tuyến. Cùng với đó, Trung tâm đã chú trọng triển khai xây dựng hệ thống thông tin, đón tiếp; hoàn thiện bảng biển giới thiệu, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên; đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cảnh quan, môi trường, cây xanh thảm cỏ, trồng hoa theo mùa; nâng cấp nhà vệ sinh đạt chuẩn; quy hoạch, cải tạo bãi đỗ xe…

Với việc triển khai các tuyến tham quan: Phòng trưng bày bổ sung Di sản thế giới Thành nhà Hồ; đền thờ, bia ký nàng Bình Khương; Hào thành phía Đông; đình Đông Môn; cổng Đông và tường thành phía Đông; Thành Nội; cổng Tây và tường thành phía Tây; nhà cổ Tây Giai; cổng Nam và tường thành phía Nam Thành nhà Hồ, theo đó, Di sản thế giới Thành nhà Hồ luôn là điểm đến yêu thích của các nhà khoa học, những người yêu lịch sử, muốn khám phá kiến trúc cổ độc đáo cho đến những nét văn hóa lâu đời của dân tộc, đồng thời cũng là điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

“Trung bình mỗi năm trung tâm đón hơn 120.000 lượt khách, 6 tháng đầu năm 2022 với chính sách mở cửa du lịch trung tâm đã đón được hơn 125.000 lượt khách. Đây là lượt khách cao nhất so với cùng kỳ kể từ khi Thành nhà Hồ được công nhận Di sản Văn hóa thế giới (2011) đến nay. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, trung tâm sẽ đón được trên 200.000 lượt khách”, ông Linh cho biết thêm.

NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top