Vấn đề quốc phục luôn nhận được các ý kiến khác nhau

VHO- Không hẳn tình cờ, và có lẽ cũng không hề ngẫu nhiên khi câu chuyện về quốc phục (hay còn gọi là lễ phục) dành cho nam giới lại một lần nữa được cộng đồng mạng xã hội, dư luận báo chí quan tâm, chia sẻ từ giữa cuối tuần qua đến nay với vô vàn ý kiến khen, chê, ủng hộ đến hồ nghi, nhất là sau bài viết dài của nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc được đăng tải. Nói như một nhà thiết kế lâu năm, “đây là tín hiệu rất vui, dẫu nó có đi đến đâu chăng nữa”.

Vấn đề quốc phục luôn nhận được các ý kiến khác nhau - Anh 1
 

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam mặc áo dài ngũ thân Ảnh: ĐSQ VIỆT NAM TẠI ẤN ĐỘ CUNG CẤP

 

 Trong số đó nhiều ý kiến tâm huyết đề nghị chúng ta cần thiết khởi động trở lại câu chuyện quốc phục dành cho nam giới một cách nghiêm túc, bài bản hơn, bởi thời điểm này là một cơ hội tốt. Nhân vấn đề này, Văn Hóa đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, người đã có thời gian làm “bếp núc” cho câu chuyện đầy thú vị này. Ông nói:

- Tôi có đọc bài của nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc và nhiều ý kiến khác của nhiều người trong xã hội về quốc phục dành cho nam giới nước ta. Phải nói đây là bài viết chứa nhiều thông tin, câu chuyện hấp dẫn, thú vị, qua đó khơi gợi lại một vấn đề mà lâu nay đã phần nào rơi vào im lặng. Cảm nhận của tôi là, ông Võ Hồng Phúc vẫn đang đau đáu về việc nước ta cần có một bộ quốc phục để cho cán bộ ngành Ngoại giao diện vào khi trình Quốc thư.

Thật ra, việc cần có quốc phục hoặc lễ phục cho cả nam giới và nữ giới đã được Bộ Ngoại giao đặt ra từ những năm 90 của thế kỷ trước, vì trong hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế trong buổi lễ đại sứ trình Quốc thư, nhiều nước quy định bắt buộc phải mặc Quốc phục. Đồng thời Quốc phục hay Quốc hoa là biểu tượng Quốc gia về văn hóa rất cần được sự quan tâm để sớm trở thành hiện thực đi vào đời sống, góp phần vào việc tôn vinh và giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Vấn đề quốc phục luôn nhận được các ý kiến khác nhau - Anh 2

Họa sĩ Vi Kiến Thành

Thưa ông, với công việc thường xuyên của mình, ông có dành nhiều sự trăn trở về một bộ quốc phục cho nam giới không?

- Tôi là họa sĩ nên luôn quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ, đồng thời với 5 năm làm Phó Cục trưởng, 10 năm làm Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), tôi đã được lãnh đạo Bộ giao việc xây dựng đề án Quốc phục (Lễ phục) Việt Nam và Lễ phục APEC. Vì thế, câu chuyện về Quốc phục Việt Nam luôn là điều tôi trăn trở, suy nghĩ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, vấn đề Quốc phục luôn nhận được các ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều. Thực tâm tôi nghĩ đây không phải là câu chuyện khó hay phức tạp gì, nhưng không hiểu sao nó cứ “lận đận” mãi, chưa thể tạo nên sự đồng thuận trong nhận thức cũng như thái độ ứng xử với nó.

 Được biết ông là một trong những người được tham gia vào công việc “bếp núc” cho việc lên ý tưởng hình thành một bộ quốc phục nam giới. Hình như việc này được triển khai làm từ rất sớm?

- Đúng vậy. Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chủ trương nghiên cứu, xây dựng nên một bộ quốc phục dành cho nam giới đã được khởi động. Vào thời điểm đó có nhiều cuộc hội thảo khoa học với quy mô khá lớn, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà thiết kế cùng nhau “chụm vào” để hiến kế cho cơ quan có thẩm quyền. Phải nói, lúc đó các chuyên gia bàn luận rất sôi nổi. Tôi còn nhớ, thời điểm ấy đã giao việc vẽ mẫu thiết kế cho các họa sĩ như: Lê Lam; Trần Gia Bích; Lưu Yên; Ngô Quang Nam và một số họa sĩ khác. Thứ trưởng Bộ VHTT lúc bấy giờ là NSND Nguyễn Trung Kiên chỉ đạo; Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh tham mưu, thực hiện. Công việc đã được tiến hành rất bài bản từ tọa đàm, hội thảo, trưng bày triển lãm giới thiệu lấy ý kiến của nhân dân; Báo cáo Chính phủ. Nhưng cuối cùng kết quả không như mong muốn, chờ đợi.

Đến năm 2013, Bộ VHTTDL tiếp tục giao công việc này cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xây dựng đề án Quốc phục (Lễ phục nhà nước). Lúc đó Cục đã mời các nhà thiết kế thời trang như: Minh Hạnh; Sỹ Hoàng; Đức Hùng; Đỗ Trịnh Hoài Nam; Lan Hương; Xuân Thu; Thủy Nguyễn và một số nhà thiết kế thời trang khác tham gia thiết kế Quốc phục nam giới. Cuộc này do Thứ trưởng Vương Duy Biên chỉ đạo. Lúc đó đã có 2 quan điểm thiết kế được đưa ra: Cải tiến áo “Tôn Trung Sơn” hoặc cải tiến áo com-lê; và cải tiến áo dài ngũ thân. Nhà thiết kế, họa sĩ Sỹ Hoàng đã đưa ra một loạt các thiết kế áo dài ngũ thân nhưng được cải tiến ở phần vai làm cho dáng áo đứng hơn và gọn hơn phù hợp với cuộc sống đương đại.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng ủng hộ thiết kế của Sỹ Hoàng; Đại sứ Việt Nam tại Singapore lúc đó và là Đại sứ Việt Nam ở Anh nhiệm kỳ tiếp theo Nguyễn Trung Thành đã may và mặc ngay thiết kế của nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Có thể nói áo dài của nam giới, áo dài ngũ thân được khá nhiều người đồng thuận. Hiện nay tôi được biết Đại sứ Phạm Sanh Châu và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang sử dụng áo dài nam, áo dài nữ vào buổi lễ quan trọng. Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế và Giám đốc Phan Thanh Hải cũng đang rất tích cực tôn vinh, quảng bá áo dài. Câu lạc bộ “Đình làng Việt” ở Hà Nội cũng có nhiều hoạt động để tôn vinh và quảng bá áo dài ngũ thân.

Vấn đề quốc phục luôn nhận được các ý kiến khác nhau - Anh 3

Đại sứ Phạm Sanh Châu mặc áo dài trình Quốc thư lên Tổng thống Nepal (tháng 3.2019) Ảnh: TTXVN

Thưa ông, sau lần đó việc thiết kế nên một bộ quốc phục dành cho nam giới chắc cũng không thành công, vì đến nay nó vẫn chưa được “trình làng” hiểu theo nghĩa là được chấp nhận, thừa nhận trên quy mô quốc gia?

- Như tôi đã nói ở trên, vấn đề quốc phục luôn nhận được các ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều, không dễ dàng tạo được đồng thuận. Là người có cơ hội được giao nhiệm vụ này cũng như luôn trăn trở với nó, tôi thấy rằng, rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà thiết kế đến nay vẫn hằng tâm huyết để tạo dựng nên một bộ quốc phục Việt Nam. Trong lúc “trà dư tửu hậu” hay có liên quan đến công việc, họ vẫn thường xuyên đề cập đến vấn đề này với một tâm thế luôn sẵn sàng cùng với cơ quan có thẩm quyền bắt tay khảo cứu, nghiên cứu, đề xuất.

Ông có nghĩ rằng đây là thời điểm cấp có thẩm quyền nên khởi động trở lại về câu chuyện quốc phục nam, để nó được ấn định một cách chính thống?

- Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, và càng hội nhập sâu rộng chúng ta càng thấy giá trị và cần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Đi đến tận cùng của văn hóa hiện đại, đương đại, chúng ta càng thấy rõ hơn các giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam. Với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, một trong những việc cần phải quan tâm thực hiện là xây dựng và khẳng định các biểu tượng quốc gia về văn hóa, trong đó có Quốc phục, Quốc hoa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

 

 Nếu áo dài nam được mặc vào các dịp lễ trọng thì nó tạo ra dấu ấn riêng của Việt Nam

Cá nhân tôi là một người tiên phong quảng bá áo dài nam trong các hoạt động đối ngoại. Điều đó xuất phát từ nhu cầu công tác và vì chúng ta muốn xây dựng một bản sắc Việt Nam. Có nhiều yếu tố để tạo nên bản sắc và đối với nhà ngoại giao, bản sắc đầu tiên để người ta nhận diện được chính là trang phục.

Thông thường các nhà ngoại giao sẽ mặc comple caravat hoặc các loại áo truyền thống của họ. Với các nhà ngoại giao nữ Việt Nam thì áo dài đã nổi tiếng rồi, ai cũng biết, nhưng đối với nhà ngoại giao nam thì chưa có quy định và thông lệ. Vì thế, nếu áo dài nam được mặc vào các dịp lễ trọng thì nó vừa tạo ra dấu ấn riêng của Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước vừa làm cho người mặc áo dài phải cư xử tốt hơn để thực hiện tốt nhất tính đại diện của Việt Nam.

(Đại sứ PHẠM SANH CHÂU)

 Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, và càng hội nhập sâu rộng chúng ta càng thấy giá trị và cần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Đi đến tận cùng của văn hóa hiện đại, đương đại, chúng ta càng thấy rõ hơn các giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, một trong những việc cần phải quan tâm thực hiện là xây dựng và khẳng định các biểu tượng quốc gia về văn hóa, trong đó có Quốc phục, Quốc hoa.

(Họa sĩ VI KIẾN THÀNH)

 

 LÂM SƠN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc