Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật

Thứ Tư 24/08/2022 | 11:00 GMT+7

VHO-Ngày 24.8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8.2022

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo chương trình, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 này, Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo các luật; cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra; đồng thời dành thời gian thảo luật, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung và các dự thảo luật 4 luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật là một trong 3 đột phá mà các Đại hội Đảng gần đây đã chỉ ra. Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực hiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển.

Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều công sức, thời gian đầu tư cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Hằng tháng, Chính phủ dành một phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; chưa kể việc xây dựng các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư…, trong đó có văn bản trình Bộ Chính trị, có văn bản trình Quốc hội và Chính phủ ban hành các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư… tạo chuyển biến tích cực trong quá trình vận hành bộ máy, chỉ đạo, điều hành.

Các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian công sức, bám sát vào chương trình xây dựng luật pháp của Bộ Chính trị, Quốc hội. Chính phủ, chủ động xây dựng các đề án luật được phân công.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế, pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, do đó đề nghị các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo, lãnh đạo các dự án luật được phân công; tập trung công sức, trí tuệ thực hiện các công việc đã được đưa vào lịch trình. Bên cạnh xây dựng pháp luật, các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực thi pháp luật.

Thủ tướng cho rằng, thông thường, lúc xây dựng pháp luật thì không thấy vấn đề gì, nhưng khi thực thi luật lại thấy vướng mắc bởi vì khi xây dựng không thảo luận kỹ càng. Do đó, đề nghị các đại biểu tập trung dành công sức, trí tuệ, thời gian để thảo luận nghiêm túc, nhất là tháo gỡ những vướng mắc mà thực tiễn đang đặt ra.

Trong buổi sáng, Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời dành thời gian thảo luật, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, Chính phủ tập trung thảo luận đối với nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như: các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

Thủ tướng yêu cầu bộ chủ trì soạn thảo Luật tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng mà Luật tác động để hoàn thiện, trình Quốc hội vào tháng 9.2022. Thủ tướng chỉ đạo, Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển; giảm thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức; đảm bảo kế thừa, phát triển Luật Đất đai cũ và các luật, quy định liên quan; đảm bảo tính hệ thống, liên thông, đồng bộ giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật liên quan.

Thủ tướng đề nghị nội dung Luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý đất đai, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực; chống cơ chế "xin - cho"; song phải có công cụ để tăng cường giám sát kiểm tra, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để uốn nắn.

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Thủ tướng thống nhất với phương án phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay. Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, tránh hệ quả lâu dài cho xã hội.

Về thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động, Thủ tướng cho rằng, có thể giao chức năng này cho địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ, nhằm giúp các đối tượng không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động khi nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ một lần mà không có điều kiện quản lý khoản tiền này hiệu quả, không có thu nhập thường xuyên để ổn định cuộc sống. Cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể để có cơ sở thực hiện linh hoạt.

Đối với nội dung về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai, Thủ tướng thống nhất, việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để UBND cấp tỉnh cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, cần giao quyền chủ động cho địa phương để xác định phương thức hỗ trợ đối tượng này phù hợp với thực tế của từng địa phương, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất này công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin - cho”.

Đại diện các bộ tham dự phiên họp

Đối với nội dung về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”, Thủ tướng chỉ rõ, quy định này nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời.

Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, Thủ tướng cho biết đã được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 18-NQ/TW là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề phức tạp, nên tiếp tục đánh giá thêm tác động về các nội dung liên quan đến chính sách này. Ngoài ra, đối với trường hợp dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại vừa thuộc đối tượng thu hồi đất, vừa thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng thì cần có quy định cụ thể khi nào thực hiện thu hồi đất, khi nào thực hiện nhận chuyển nhượng.

Đối với nội dung về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài,  Thủ tướng yêu cầu bổ sung thêm vào Luật hiện hành quy định về hạn chế và kiểm soát được việc tiếp cận các khu vực trọng yếu, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, cần cân nhắc bổ sung quy định người nước ngoài thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà ở theo pháp luật về nhà ở thì được quyền sử dụng đất ở để có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhằm thống nhất với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) về đối tượng được sở hữu nhà ở là người nước ngoài.

Về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản, Thủ tướng chỉ đạo quy định phải tránh tạo thêm trung gian, phát sinh chi phí, tác động tiêu cực đến quyền tài sản hợp pháp của người dân, đồng thời cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số đối với giao dịch bất động sản để công khai, minh bạch các giao dịch, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch nhà, đất. Nội dung này cần quy định thống nhất với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)...

 

TÙNG QUANG; ảnh: DƯƠNG GIANG - XUÂN TRẦN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top