Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Người đảng viên gìn giữ “kho báu” văn hóa Tây Nguyên (Kỳ 1): Hành trình từ người chiến sĩ công an đến nhà sưu tầm hiện vật văn hóa

Thứ Sáu 26/08/2022 | 10:57 GMT+7

VHO- Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nam Định, nhưng lại gắn bó gần trọn cuộc đời với đại ngàn hùng vĩ, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm (nguyên cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng), với biệt danh “Tâm dân tộc”, luôn trăn trở với công tác sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên… 

Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm - người sở hữu bảo tàng dụng cụ dân tộc tư nhân với hơn 30.000 hiện vật

Những năm sau giải phóng, ông đã sống, công tác và chiến đấu hầu khắp các địa bàn nóng bỏng, cùng đồng đội truy quét quân Fulro, góp phần gìn giữ bình yên cho vùng đất đầy nắng gió này. Được cùng ăn ở, làm việc, gắn bó với đồng bào, ông được yêu thương, đùm bọc, bảo vệ và được đồng bào dạy nói tiếng dân tộc mình… Lúc ra về, đồng bào quý mến tặng ông những vật dụng của gia đình, và không biết từ lúc nào, ông đem lòng yêu quý, trân trọng những vật dụng đó, xem như “bảo vật” và đam mê sưu tầm, gìn giữ suốt gần nửa thế kỷ qua. Hiện “kho báu” của ông đã có tới hơn 30.000 hiện vật, từ nhạc cụ, dụng cụ sản xuất, đồ rèn, săn bắn, cho đến những bộ sưu tập thổ cẩm, trang sức, lễ hội… được giới chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị cũng như công tác bảo tồn, gìn giữ. 
 Xuất thân từ một cán bộ công an nhưng ông Đặng Minh Tâm lại trót “phải lòng” văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Biết ông đã hơn 10 năm, nhất là khi được nghe kể về kho tàng đồ sộ các hiện vật văn hóa của ông, tôi thực sự ngưỡng mộ khi chứng kiến những công việc mà ông đã và đang làm, đặc biệt càng trân trọng hơn khi ông không phải là một nhà nghiên cứu văn hóa chuyên nghiệp… 
 Cơ duyên đến với công việc sưu tầm hiện vật dân tộc 
Trong căn nhà ngập tràn hiện vật như một bảo tàng thu nhỏ, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm chậm rãi chia sẻ với chúng tôi: “Mình sinh năm 1958 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Nam Định. Năm 1978, mình tham gia vào lực lượng Công an, thuộc Tiểu đoàn 1, Cục Cảnh sát bảo vệ, khi đó thuộc Bộ Nội vụ. Do sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng nên khi mới 20 tuổi, mình đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đơn vị mình đóng quân ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Thời điểm đó bọn Fulro đang hoạt động mạnh ở khắp địa bàn Tây Nguyên, vì thế, đơn vị của mình thường xuyên tham gia tổ chức các đợt truy quét ở các khu vực “nóng” nhất trong tỉnh như Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng… Đến năm 1984, khi Fulro cơ bản được dẹp yên ở Lâm Đồng thì đơn vị mình được điều về tham chiến ở Gia Lai - Kon Tum”. 
Tại Gia Lai, người chiến sĩ công an - đảng viên trẻ Đặng Minh Tâm được chuyển sang bộ phận trợ lý Quân y của Trung đoàn tiền phương và cùng đơn vị chiến đấu ở đó đến năm 1985 thì quay về Lâm Đồng. 
Nói về cơ duyên đến với công việc sưu tầm các hiện vật dân tộc, ông bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm đó, do mình nói được tiếng của bà con nên ngoài thời gian cùng đơn vị chiến đấu, mình được giao nhiệm vụ phát động phong trào người dân không nghe theo những luận điệu tuyên truyền xấu và từ bỏ hàng ngũ Fulro để theo về với chính quyền. Chính từ những lần đi phát động như thế, ở mỗi nơi đơn vị đi qua chúng mình đều nhận được tình cảm yêu quý của đồng bào. Đến khi rời đi thì được họ tặng những món đồ lưu niệm, khi thì con dao, cái rựa, lúc thì cái gùi... Từ những món đồ ấy, dần dần niềm đam mê tìm hiểu, sưu tầm hiện vật, văn hóa của đồng bào đã thấm dần vào tâm hồn mình. Để rồi sau đó, hễ nghe ở đâu người đồng bào muốn bán đồ, nhất là những món đồ quý hiếm mà mình chưa có là mình lại cất công tìm đến hỏi mua cho bằng được”. 
Trải qua nhiều năm tháng miệt mài đi sưu tầm, số lượng hiện vật của ông cứ thế tăng dần theo thời gian. Đến khi trong nhà không còn chỗ nào để nữa, ông bàn với vợ xây thêm một ngôi nhà khác lớn hơn và dành hẳn 2 tầng để làm không gian trưng bày, lưu trữ hiện vật. 

Gần nửa thế kỷ lăn lộn với công tác sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên, hiện ông “Tâm dân tộc” đang sở hữu một khối lượng hiện vật khổng lồ 

Gian nan không cản được đam mê 
Là người có “thâm niên” gần 45 năm gắn bó với công tác sưu tầm và nghiên cứu chuyên sâu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh những món đồ được cho, tặng hoặc trao đổi bằng vật chất thì cũng có những món đồ mà ông phải mất rất nhiều năm mới sở hữu được. “Đơn cử như lúc tôi đi sưu tầm con dao của một người ở phía nam tỉnh Lâm Đồng. Đây là một con dao “độc nhất vô nhị”, được truyền nhiều đời theo chế độ Mẫu hệ và được coi là vật linh thiêng của dòng họ. Ngày đó đường đi lại không được như bây giờ mà hầu như tháng nào tôi cũng phải vài lần lặn lội hơn 100km từ Đà Lạt xuống đó để thuyết phục họ. Đi đi lại lại như thế đến tận 10 năm thì chủ nhân con dao mới chịu để lại nó cho tôi”, ông kể. 
Những lần băng rừng lội suối, những lần cận kề với chuyện sinh tử và cũng không thiếu những câu chuyện dở khóc dở cười trong quá trình đi sưu tầm “kể ra cả ngày cũng không hết” như lời ông nói, tuy nhiên những điều đó cũng không thể ngăn được niềm đam mê bất tận đã ngấm sâu vào tâm hồn người chiến sĩ công an đã từng cùng đồng đội trải bước chân trên khắp mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. 
Hỏi ông “đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần đi sưu tầm hiện vật?” thì ông cười sảng khoái: “Đó là một câu chuyện khá hài hước đã xảy ra cách đây hơn 30 năm. Trong một lần tôi cùng già K’Ten (một người K’Ho từng theo Fulro sau đó được chính quyền cảm hóa, quay lại tham gia truy quét Fulro và nổi tiếng với công việc gìn giữ rừng thông đỏ suốt hàng chục năm tại Lâm Đồng) đi sưu tầm 1 chiếc trống bằng lõi cây, 1 chiếc chiêng và 1 chiếc gạc nai của người Raglay ở Ninh Thuận. Đó là một khu vực rất xa, cách đèo Sông Pha hàng trăm cây số mà đường đi thì rất khó khăn. Sau khi tìm đến được nhà của chủ nhân những thứ đồ cần tìm và chủ nhà đã đồng ý để lại cho, tối đó chúng tôi được mời ở lại dùng cơm tối với gia đình. Đêm đến, để thể hiện lòng hiếu khách, chủ nhà đã nhường chiếc giường cho chúng tôi ngủ còn mình thì ngủ dưới đất. Tuy nhiên, không biết say quá hay sao mà nửa đêm chủ nhà lại lăn vào gầm giường rồi bất chợt giật mình tỉnh giấc ngồi dậy khiến đầu va mạnh vào giường làm chảy máu”. 
Nhấp một ngụm trà, ông hồi ức: “Thời điểm đó, đa số đồng bào ở đây rất nghèo và lạc hậu nên còn nhiều hủ tục. Sau khi sự cố xảy ra, chủ nhà bắt chúng tôi phải coi bói để xem thử là người tốt hay xấu, bằng cách giết một con gà trống đem đi luộc rồi rút cái mỏ phía dưới ra. Nếu khi rút ra mà có 2 cục thịt dính theo thì chúng tôi là người tốt còn không thì là người xấu và sẽ bị chém chết. May mắn sao lúc rút ra thì 2 cục thịt vẫn còn dính theo và thế là chúng tôi thoát nạn. Thật ra, do gà chưa luộc chín quá nên 2 cục thịt ấy vẫn còn, chứ nếu lúc gia đình họ mà luộc kỹ thì lấy cái gì ra mà dính. Thật là trong cái rủi vẫn còn có cái may”, ông vui vẻ giải thích thêm. 
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười nhưng cũng “ngàn cân treo sợi tóc” trong quá trình đi sưu tầm hiện vật của người đảng viên mang cái tên đầy ý nghĩa: “Tâm dân tộc”. Qua những câu chuyện ông kể, chúng tôi mới hiểu được niềm đam mê sưu tầm và sự hy sinh thầm lặng của ông đã và đang góp phần giữ gìn văn hóa, để chúng ta có cơ hội được hiểu sâu hơn, kỹ hơn về văn hóa, phong tục, đời sống của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. 

 … Do mình nói được tiếng của đồng bào nên ngoài thời gian cùng đơn vị chiến đấu, mình được giao nhiệm vụ phát động phong trào người dân không nghe theo những luận điệu tuyên truyền xấu và từ bỏ hàng ngũ Fulro để theo về với chính quyền. Chính từ những lần đi phát động như thế, ở mỗi nơi đơn vị đi qua chúng mình đều nhận được tình cảm yêu quý của đồng bào. 
Đến khi rời đi thì được họ tặng những món đồ lưu niệm, khi thì con dao, cái rựa, lúc thì cái gùi... Từ những món đồ ấy, dần dần niềm đam mê tìm hiểu, sưu tầm hiện vật, văn hóa của đồng bào đã thấm dần vào tâm hồn mình. 


 THÀNH KHIÊM - THANH LƯƠNG 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top