Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Động đất ở Kon Tum liên tục xuất hiện và xu hướng gia tăng: Sẽ lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc và hoàn thành trước ngày 3.9

Thứ Sáu 26/08/2022 | 11:04 GMT+7

VHO- Thống kê trong vòng 117 năm (1903 - 2020) trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn 2,5 - 3,9 richter. Từ 2021 đến nay động đất liên tục xuất hiện và có xu hướng gia tăng với khoảng 260 trận động đất. Đáng chú ý, mới đây trong ngày 23 - 24.8 đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất, trận mạnh nhất có độ lớn 4,7 richter, cao nhất từ trước tới nay, gây rung chấn ở huyện Kon Plông và một số địa phương ở Quảng Nam.

 Động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum) liên tục xuất hiện và có chiều hướng gia tăng

 Theo Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần (Việt Vật lý địa cầu), đây là lần thứ 2 trong năm nay huyện Kon Plông hứng chịu những trận động đất liên tiếp và dư chấn kéo dài. Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn huyện Kon Plông có một hộ dân ở thôn Đăk Chờ (xã Đăk Ring) bị rơi ngói tại phần mái phụ phía sau nhà. Hiện chưa có thiệt hại nào về người và tài sản do động đất gây ra. Tuy nhiên, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng, bất an trong người dân.

Trước sự xuất hiện liên tục của các trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký công điện gửi UBND tỉnh Kon Tum, Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc ứng phó với động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất tại khu vực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để có hướng chỉ đạo, ứng phó phù hợp. UBND tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cần tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân cùng cơ sở hạ tầng thiết yếu như hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục; Địa phương cũng được yêu cầu huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định…

Chiều 24.8, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam để xem xét, đánh giá, bàn phương án ứng phó động đất diễn biến phức tạp tại huyện Kon Plông. Tại cuộc họp, ông Phạm Thế Truyền, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, theo nhận định sơ bộ chuỗi động đất xảy ra ở khu vực tỉnh Kon Tum có nguyên nhân do hồ chứa, nhưng để có cơ sở phải đánh giá chi tiết và nghiên cứu cụ thể cho khu vực này. Viện đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý các công trình thủy điện Thượng Kon Tum, hồ thủy điện Đắk Rinh lên kế hoạch lắp đặt 3 trạm quan trắc, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 3.9, nâng tổng số trạm quan trắc ở khu vực này lên 6 trạm.

“Về lâu dài, kiến nghị cần tăng cường hệ thống trạm quan trắc động đất không chỉ ở khu vực Kon Plông mà các địa phương khác. Tiếp đó, “phân vùng rủi ro động đất trên toàn quốc”. Hiện tại, chúng ta chưa có bản đồ phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi quốc gia, do đó việc đưa ra các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo gặp khó khăn”, ông Truyền thông tin. Ông Lê Văn Chính, Phó trưởng phòng Khoa học tự nhiên (Bộ KH&CN) cho rằng, để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, cần sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương cùng các chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn. Khó khăn là các kết quả nghiên cứu trước đây về hoạt động kiến tạo động đất ở Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để đánh giá nguyên nhân, mức độ. Bên cạnh đó cũng chưa có một nghiên cứu chi tiết nào về động đất kích thích ở khu vực này.

Còn theo ông Lê Minh Long, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay, với mức độ động đất xảy ra ở Kon Tum trong thời gian qua nằm ở dưới cấp 6 theo quy chuẩn của Việt Nam. Tức là các công trình kiên cố như trường học, bệnh viện, nhà máy, hồ đập… hoàn toàn có thể chống chịu được và không ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được thông tin và tránh hoang mang không cần thiết.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đề nghị “các Bộ, ngành và địa phương cần đặc biệt lưu ý và đánh giá mức độ và đưa ra các phương án ứng phó khi cường độ động đất có thể lên đến 5.5 richter. Theo đó, cần rà soát toàn bộ các công trình trong khu vực 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong đó đặc biệt chú ý đến công trình nhà tạm có người dân ở, các công trình công cộng chưa được sửa chữa. Các địa phương cần triển khai xuống tận các bản làng, yêu cầu lực lượng xung kích ở cấp xã rà soát những khu vực xung yếu để có biện pháp bảo đảm an toàn; theo dõi và đánh giá thường xuyên an toàn hồ đập, nhất là những thủy điện có đường ống áp lực có mái dốc”. 

NGỌC HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top