Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch

VHO- Ngày 26.8 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật phối hợp cùng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tên tuổi. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và triển khai Chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL:  “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội.

Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn  mạnh, đối với doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của thương hiệu chính là kim chỉ nam  quyết định sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp,đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới, quyết định  hướng đi của doanh nghiệp.

Tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10.11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt  Nam” ngày 7.11.2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt  bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia”.

Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch - Anh 2

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và các đại biểu chủ trì Hội thảo

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu, thế giới nói chung, đất nước nói riêng vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng, tác động nặng nề đối với nền kinh tế, xã hội của đất nước, của các doanh nghiệp. Sản xuất đình trệ, doanh thu sụt giảm, thậm chí không có doanh thu. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất ấy, nhiều doanh nghiệp đã gồng mình nỗ lực vượt khó, giữ vững thương hiệu, chủ động thích ứng bằng những phương thức sản xuất, kinh doanh linh hoạt, có thể kể đến các phương thức như làm việc theo ca, làm việc trực tuyến, “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”… Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ, sản xuất. Tiếp tục giữ vững chữ tín, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, giá cả phù hợp, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, đồng thời có những chương trình hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

“Nhiều mô hình, sáng kiến hay về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vượt qua đại dịch của các thương hiệu lớn như: Viettel, VNPT, Vinamilk… sẽ là những gợi ý, những bài học, kinh nghiệm quý để chúng ta có thể tham khảo, vận dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian tới...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch - Anh 3

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng gợi mở, Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp của văn hóa doanh nghiệp với phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; giúp chúng ta nhận diện rõ hơn thực trạng cũng như hiệu quả của xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay trong phát triển bền vững đất nước; đúc rút những bài học kinh nghiệm về mô hình, cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; từ đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, lý giải nguyên nhân tạo nên sức mạnh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn, thử thách nhưng vẫn trụ vững và phát triển ổn định là do doanh nghiệp đã xây dựng, kiến tạo được những giá trị văn hóa mang tính truyền thống, vững bền, được các thế hệ  lãnh đạo doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động kiên trì, quyết tâm thực hiện,theo đuổi. “Những giá trị,hành động đẹp, mang tính nhân văn, vì cộng đồng của doanh nghiệp đã truyền đi những thông điệp, những cảm hứng tích cực, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của công nhân,người lao động và sự ủng hộ, tin tưởng của người tiêu dùng...”, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò,  tầm quan trọng  của doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp, Đảng đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò  to lớn của  doanh nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển; đặc biệt trước những tác động của đại dịch Covid-19.

“Để doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội, Đảng đề ra nhiệm vụ, chủ trương mang tính lâu dài là phải “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”, tạo môi trường thật sự lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, khoa học, nhân văn, vì lợi ích cộng đồng  và sự phát triển toàn diện con người...”, theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc.

Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch - Anh 4

Việc xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng tinh thần, động lực, sức mạnh để doanh nghiệp khẳng định uy tín, hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; nắm bắt thời cơ, vận hội mới; đồng thời khắc phục, đẩy lùi những khó khăn, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân thực hiện tốt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

“Chìa khóa” quyết định thành công của doanh nghiệp

Nhà báo Hoàng Hà, quyền TBT Tạp chí Văn hoá nghệ thuật đề dẫn: “Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là một trong những phương thức quan trọng  để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển  bền vững của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được ví như “chìa khóa” quyết định thành công của các doanh nghiệp".

Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch - Anh 5

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Theo ông Hoàng Hà,  những năm qua, việc xây dựng văn hoa doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả, tạo sức cộng hưởng, niềm tin giữa doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, việc xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp cũng  đứng trước những khó khăn, thách thức và  yêu cầu mới. Đặc biệt trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu, làm suy giảm nghiêm trọng nền kinh tế. Mặc dù cho đến nay, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng việc phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ.

“Trong bối cảnh đó, nhận diện những khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp hữu hiệu phát huy văn hóa doanh nghiệp là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp thích nghi với thực tiễn, khẳng định các giá trị bền vững để phục hồi, phát triển...”, nhà báo Hoàng Hà nhấn mạnh.

Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch - Anh 6

Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn trao đổi những ván đề liên quan đến câu chuyện văn hóa doanh nghiệp

Nhiều tham luận có giá trị khoa học, thực tiễn đã được trình bày  tại hội thảo, nêu bật các vấn đề: Vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; Phân tích thực trạng và hiệu quả của phát huy văn hóa doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất khi đất nước  chuyển mình sang giai đoạn bình thường mới sau đại dịch Covid-19; những bài học kinh nghiệm  về xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp  thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích  về sức mạnh văn hóa doanh nghiệp thời dịch bệnh Covid-19: “Đất nước chúng ta đã thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh, và bây giờ là lúc tính toán đến mục tiêu phát triển kinh tế. Trước, trong và cả sau khi kết thúc dịch bệnh, văn hóa đóng vai trò quan trọng để chúng ta thành công trong mục tiêu thứ hai này. Ở đây, là bài học về xây dựng văn hóa doanh nghiệp”.

Văn hóa doanh nghiệp- Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch - Anh 7

TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Với góc nhìn vĩ mô về văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia,  TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu, Việt Nam là nước có nhiều thế mạnh để xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân phải biết trân trọng cái mình đang có, tiết kiệm từng cơ hội, từng điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn, với khát vọng đưa đất nước phát triển. Văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia góp phần không nhỏ trong hiện thực hóa ước mơ to lớn ấy...”, ông Chức bày tỏ.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc