Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến: Cấp thiết lắm rồi!

Thứ Tư 05/10/2022 | 09:45 GMT+7

VHO- Đưa chúng tôi “mục sở thị” kho lưu trữ tư liệu hình ảnh động tại Viện phim Việt Nam - nơi bảo quản hàng ngàn thước phim đồng hành cùng lịch sử dân tộc, cán bộ Phòng Bảo quản phim bày tỏ mong muốn Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến sớm ra đời để những di sản điện ảnh vô giá nhanh chóng đến được với công chúng.

 Bấy lâu nay, nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu, tư liệu điện ảnh cứ “mòn mỏi” nằm kho, hiếm hoi lắm mới có dịp mở cửa để quảng bá vào các ngày lễ trọng đại. Tác động khắc nghiệt của thời gian đã khiến một số phim bị tổn thương, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng…

 “Chung một dòng sông” là bộ phim tài liệu của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (Phạm Kỳ Nam) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1959

Di sản điện ảnh thời đại số đang cần cánh cửa rộng

Mới đây, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện phim Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu phim tài liệu Việt trên các nền tảng truyền dẫn của Truyền hình Quốc hội đã mở ra hướng đi nhiều triển vọng. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là một trong những bước tiến cần thiết, tạo nền tảng cho sự ra đời của Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến quốc gia.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam chia sẻ, trong số những bộ phim điện ảnh nổi tiếng, có giá trị về lịch sử, văn hóa đang được bảo quản, lưu giữ tại Viện Phim, đặc biệt quý hiếm là các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc... Vấn đề đặt ra là những di sản điện ảnh trong bối cảnh thời đại số đang cần một cấp độ cao yêu cầu lưu trữ và bảo quản, đó là phải được khai thác hiệu quả và đến gần hơn với công chúng. “Chúng tôi đang khẩn trương triển khai các nội dung ký kết với Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Theo đó, những bộ phim tài liệu đặc biệt giá trị sẽ có cơ hội chiếm sóng “giờ vàng”, và như vậy, khán giả cũng sẽ được xem lại nhiều bộ phim nổi tiếng đã đoạt giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, những thước phim tư liệu quý giá trong lịch sử cách mạng Việt Nam…”, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

Viện phim Việt Nam đang đẩy mạnh việc số hóa phim Ảnh: TR.HUẤN

Cùng chúng tôi vào thăm kho lưu trữ tư liệu hình ảnh động, Trưởng Phòng Bảo quản phim Đinh Thị Thuý Chinh cho biết, đây là một trong những kho bảo quản phim tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Kho được xây dựng hiện đại với 4 tổ dàn máy lạnh do Cộng hòa Liên bang Đức sản xuất, đạt thông số kỹ thuật ổn định. Các thế hệ cán bộ luôn nỗ lực bảo quản những thước phim quý giá, công tác tu sửa định kỳ, phục chế những bản phim xuống cấp được chú trọng ưu tiên. Gần 80 ngàn cuốn phim đang được lưu giữ trong hai kho bảo quản Bắc, Nam, riêng kho Hà Nội giữ trên 45 ngàn cuốn với nhiều định dạng khác nhau… Việc lưu trữ, bảo quản gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, “bởi theo thời gian, dù trong điều kiện bảo quản lý tưởng nhất, các tác phẩm điện ảnh cũng không thể tồn tại lâu dài”, bà Thuý Chinh cho biết.

 Bảo quản phim bằng phương pháp thủ công

Gần 30 năm gắn bó với nghề, bà Chinh tâm tư, những thước phim tư liệu, những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam là những tài sản vô giá không thể để mất. Trong số này có những phim thời sự, tài liệu, phóng sự quý hiếm như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm Pháp (1946), Bác Hồ ở Việt Bắc (1951), Bạch Long Vĩ anh hùng (1964)... Ngoài những bản phim thông dụng cỡ 16mm và 35mm, Viện cũng đang lưu trữ khoảng hơn 100 cuốn loại phim cỡ 8mm. “Máy móc để trình chiếu phim cỡ 8mm nay gần như không còn vì đã quá cũ và cổ. Những thước phim này lại là hành trình lịch sử bằng hình ảnh động của dân tộc, nếu hỏng sẽ không thể làm lại được…”, bà Chinh cho biết. Trong suy nghĩ của những người làm công tác bảo quản tại Viện Phim hôm nay, ngoài ý thức trách nhiệm còn là trăn trở làm sao để phát huy tốt nhất giá trị của những thước phim lịch sử. Cánh cửa rộng hơn cho sự tồn tại của những di sản điện ảnh, một lần nữa lại được giới nghề nhắc đến với khát vọng đưa được kho tàng đồ sộ đó lên không gian mạng, để những thước phim được sống mãi với thời gian.

Số hoá phim là công việc cấp thiết, tuy nhiên vẫn đang gặp nhiều thách thức

Cấp thiết số hoá phim

“Thời gian cứ dần bào mòn, làm tổn thương những thước phim xưa cũ, chúng ta không còn con đường nào khác là phải chuyển sang lưu trữ trên định dạng kỹ thuật số để bảo quản an toàn phim gốc...”, ông Nguyễn Huy Hoàng khẳng định. Việc số hóa và lưu trữ phim kỹ thuật số cũng giảm chi phí bảo quản phim, nâng cao năng lực khai thác, truy cập dữ liệu.

Trưởng Phòng kỹ thuật Phạm Minh Trường cho biết, trung bình mỗi năm Viện chỉ số hóa được khoảng 700 cuốn, so với số phim đang lưu trữ thì đây là con số quá khiêm tốn. Chưa kể, về chất lượng thì hệ thống máy móc tại Việt Nam khá lạc hậu, trong khi thế giới đã sử dụng 4K, 6K, 8K thì Việt Nam vẫn chỉ có công nghệ in chuyển sang file số 2K.

Bảo quản để lưu giữ những thước phim giá trị

“Số hóa toàn bộ kho phim với khối lượng đồ sộ không phải là việc dễ dàng. Bởi chi phí để lưu trữ phim bằng công nghệ số rất cao, trong khi điều kiện của các đơn vị lưu trữ lại vô cùng hạn hẹp...”, ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Trưởng Phòng Bảo quản phim Đinh Thị Thúy Chinh cũng trăn trở, dù là đơn vị lưu trữ tư liệu điện ảnh quy mô và lớn nhất cả nước nhưng công tác bảo quản và khai thác phim tại Viện Phim vẫn liên tục đối diện với những khó khăn, nhất là việc in chuyển phim nhựa sang định dạng khác để lưu trữ. Trang thiết bị, máy móc tu sửa, phục hồi phim nhựa và nguồn nhân lực có tay nghề rất hạn chế.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, Viện đã đề nghị Bộ VHTTDL cho phép xây dựng Đề án số hóa toàn bộ kho phim. Khối lượng phim nhựa do Nhà nước sở hữu nói chung cũng như phim đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam nói riêng rất lớn, do vậy việc số hóa phim cần có kế hoạch tổng thể, đồng bộ. “Việc số hóa phải bắt đầu từ thống kê, phân loại, đánh giá chất lượng, nội dung phim để từ đó, ưu tiên những phim có giá trị, những phim bị xuống cấp, phim chỉ có một bản hoặc quý hiếm, những phim có nhu cầu khai thác cao để làm cơ sở cho việc số hóa phim. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình cụ thể về số hóa toàn bộ phim; đào tạo cán bộ, nhân viên làm công tác số hóa phim; lựa chọn hình thức số hoá phù hợp; đầu tư trang thiết bị hiện đại...”.

Kho phim tại Viện phim Việt Nam, một trong những kho phim tốt nhất khu vực Đông Nam Á

Lộ trình số hóa những di sản điện ảnh còn là một chặng đường dài. Nhưng đó sẽ là chặng đường cần thiết để từ đó sớm thúc đẩy sự ra đời của Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến, để công chúng sẽ có thêm nhiều cơ hội được lựa chọn, được thưởng thức những tác phẩm đặc sắc của điện ảnh Việt Nam trên không gian mạng.

 Những thước phim tư liệu, những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam là những tài sản vô giá không thể để mất. Trong số này có những phim thời sự, tài liệu, phóng sự quý hiếm như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm Pháp (1946), Bác Hồ ở Việt Bắc (1951), Bạch Long Vĩ anh hùng (1964)...

Đây là hành trình lịch sử bằng hình ảnh động của dân tộc, nếu hỏng sẽ không thể làm lại được. Cánh cửa rộng hơn cho sự tồn tại của những di sản điện ảnh, một lần nữa lại được giới nghề nhắc đến với khát vọng đưa được kho tàng đồ sộ đó lên không gian mạng, để những thước phim được sống mãi với thời gian.

 

PHƯƠNG ANH; ảnh:  TRẦN  HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top