Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng đa dạng, trên nhiều không gian: Hãy để trẻ cất lên tiếng nói...

Thứ Sáu 07/10/2022 | 09:20 GMT+7

VHO- Tội phạm liên quan đến trẻ đang có xu hướng gia tăng về số lượng cũng như hình thức phạm tội. Tuy nhiên, xã hội lại chưa thực sự cảm thông, giúp đỡ và bảo vệ các em tránh khỏi các hành vi vi phạm hoặc khi tội phạm đã hoàn thành. Dù Việt Nam luôn quan tâm và triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa các hành vi làm tổn hại tinh thần và thể chất của trẻ em, song, trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ phạm tội mang tính bạo lực với đối tượng này.

Nhiều khi phát hiện ra sự việc thì tội phạm đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe và tinh thần của trẻ (hình minh họa)

 Hội thảo khoa học Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều trao đổi, kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ em trước những hành vi bạo lực, đặc biệt là sau nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.

Những con số báo động…

Theo báo cáo của UNICEF, có trên 68% trẻ em Việt Nam từ 1-14 tuổi cho biết đã từng bị bạo hành bởi gia đình; khoảng 20% trẻ em nói rằng, các em bị trừng phạt thân thể ở trường. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em được Quốc hội thảo luận trực tuyến trong phiên họp trước đó, các tội xâm hại tình dục chiếm đa số với 84% (6.429 trẻ); xâm phạm tính mạng, sức khỏe: 9,5% (727 trẻ); bị mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt: 3,4% (264 trẻ); còn lại là các hành vi phạm tội khác.

Ghi nhận trong báo cáo “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam: Hiện trạng - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng”, tính đến năm 2022, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng; 8% trẻ em nhận được lời bình luận khiếm nhã khiến các em không thoải mái; 5% trẻ nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn qua Facebook, Zalo chủ yếu đến từ người không quen biết (40%) và bạn bè là người trưởng thành, người trong gia đình (40%).

Tuy nhiên, rất ít trẻ em lên tiếng nói cho người lớn hoặc công an biết. Có đến 43% chọn cách giữ im lặng hoặc chỉ kể với bạn bè, lý do chính là vì các em cảm thấy sự việc không đủ nghiêm trọng và có báo thì cũng chẳng giải quyết được gì, cùng với đó là nỗi sợ và sự xấu hổ liên quan đến việc coi trọng trinh tiết, danh dự gia đình, định kiến giới và uy tín cộng đồng trong văn hóa Việt Nam.

TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Khoa Luật Hình sự (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, thực trạng công tác này ở nước ta vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế: Xã hội chưa nhận thức rõ ràng nhiệm vụ, vai trò của các hoạt động bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa tội phạm do các văn bản luật liên quan ít được quan tâm, chú ý. Thống kê cho thấy số vụ phạm tội xảy ra vẫn còn nhiều và có xu hướng gia tăng qua các năm, các chủ thể phòng ngừa tội phạm chưa thực hiện tốt vai trò giám sát, bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở, chưa ngăn ngừa có hiệu quả sự xâm hại trẻ em từ môi trường sống, học tập của các em. Các chủ thể phòng ngừa chưa phát hiện kịp thời những vụ có dấu hiệu tấn công bằng bạo lực đối với trẻ em, hoặc khi phát hiện sự việc thì tội phạm đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tinh thần của trẻ em…

Cần siết chặt quy định pháp luật đối với hành vi xâm phạm trẻ em

Các chuyên gia cho rằng, hành vi phạm tội không chỉ xảy ra trực tiếp trên thực tế mà trong thời đại công nghệ số phát triển, tội phạm xâm hại trẻ em còn xảy ra trên không gian mạng. Nghiên cứu của ThS Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Bộ môn Luật tố tụng hình sự (Khoa Luật Hình sự) và cộng sự đã gợi mở các vấn đề xoay quanh chủ đề này. Theo nhóm nghiên cứu, “Xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” là việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em liên quan tới tình dục; gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi lạm dụng tình dục trực tuyến như phát video trực tiếp, sản xuất và phân phối tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em và thông qua đó để tống tiền. Theo LS Trần Văn Linh, trong nhiều vụ việc, lỗi rất lớn thuộc về gia đình, đó là không tạo ra một môi trường giáo dục đúng mực và thân thiện với trẻ, bên cạnh đó còn do môi trường sống, học tập tác động. Đối với vấn đề bạo lực thể chất trẻ em trong gia đình, TS Lê Nguyên Thanh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các hành vi rất đa dạng, như tâm lý sở hữu con cái và thói quen dạy dỗ có phần bạo lực; tâm lý bạo lực gia đình là việc riêng và không nên can thiệp…

ThS Mai Thị Lâm đưa ra kiến nghị, cần phải cách ly người phạm tội với trẻ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án để tránh trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ việc. Nhóm nghiêu cứu của ThS Lê Thị Thùy Dương và cộng sự đã đưa ra một số định hướng hoàn thiện quy định pháp luật. Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc một số chuẩn mực pháp lý quốc tế về bảo vệ bị hại là trẻ em trong các vụ án về tội phạm sử dụng bạo lực như: Quyền được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại từ phía Nhà nước; không áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng, cụ thể là biện pháp dẫn giải đối với người bị hại là trẻ em; tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại (được bảo mật thông tin, được trợ giúp pháp lý, được đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời…).

TS Nguyễn Thị Ánh Hồng đã đưa ra một số biện pháp, kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) để đảm bảo quyền và lợi ích cho trẻ em, phù hợp với quy định của Công ước về quyền trẻ em như: Hạ độ tuổi xác định là trẻ em (người dưới 18 tuổi được xác định là trẻ em để phù hợp với tinh thần của Công ước về quyền trẻ em), bảo vệ toàn diện hơn người trong khoảng độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi; cần thiết sửa đổi một số điều khoản trong BLHS năm 2015 để siết chặt các quy định pháp luật đối với các hành vi xâm hại trẻ em… 

CẨM TÚ - ANH HUY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top