Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực và thành tựu nhân quyền của Việt Nam

VHO - Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ) lần thứ 77 ngày 11.10 đã tổ chức bỏ phiếu để bầu ra 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ). Cùng với 13 nước khác, Việt Nam đã trúng cử HĐNQ Liên Hợp Quốc.

Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực và thành tựu nhân quyền của Việt Nam - Anh 1

Một phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP

Kết quả, các thành viên mới được bầu gồm: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Georgia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Moroco, Romania, Nam Phi, Sudan và Việt Nam. Nhiệm kỳ của các thành viên này sẽ bắt đầu từ ngày 1.1.2023. Các thành viên mới được bầu sẽ đảm nhận vị trí này trong nhiệm kỳ 2023-2025, bắt đầu từ tháng 1.2023.

Theo khoản 7, Nghị quyết 60/251 của ĐHĐ, HĐNQ bao gồm 47 quốc gia thành viên, được đa số thành viên của ĐHĐ bầu trực tiếp và riêng lẻ bằng cách bỏ phiếu kín.

Số ghế trong HĐNQ được phân bổ công bằng giữa các nhóm khu vực như sau: nhóm các quốc gia châu Phi (13 ghế), nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (13 ghế), nhóm các quốc gia Đông Âu (6 ghế), nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (8 ghế), nhóm các quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác (7 ghế).

Các thành viên của HĐNQ sẽ giữ vị trí này trong ba năm và không đủ điều kiện được bầu lại sau mỗi hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11.10, ĐHĐ đã bầu ra 14 thành viên mới của HĐNQ với số ghế trống của từng khu vực như sau: nhóm các quốc gia châu Phi (4 ghế), nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (4), nhóm các quốc gia Đông Âu (2 ghế), nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (2 ghế), nhóm các quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác (2 ghế). Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 6 ứng viên gồm Afghanistan, Bangladesh, Kyrgyzstan, Maldives, Hàn Quốc và Việt Nam.

Tính đến tháng 9.2022, 123 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từng được bầu vào HĐNQ.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Việc Việt Nam là ứng cử viên duy nhất được các quốc gia ASEAN ủng hộ, đề xuất là đại diện tham gia ứng cử vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã thế hiện sự tín nhiệm cao khi Việt Nam cùng các quốc gia trong ASEAN nỗ lực bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, thể hiện nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, cũng như các thành tựu Việt Nam đạt được trong việc bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong nhiều năm gần đây. 

Việc trúng cử trở thành thành viên HĐNQ, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.

Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực và thành tựu nhân quyền của Việt Nam - Anh 2

Lần thứ hai trúng cử vào HĐNQ, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố và nâng cao. Ảnh: TTXVN

Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào HĐNQ Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới (14 thành viên mới).  Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của HĐNQ Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng, tiếp nối những đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người. ASEAN cũng đã chính thức công nhận Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khối. Đó là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Trên cơ sở đó, tháng 7.2020, ngay trong thời gian Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương Việt Nam ứng cử làm thành viên HĐNQ Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Tháng 2.2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh  (nay là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ) phát biểu tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Khóa 46 HĐNQ Liên Hợp Quốc thông báo chính thức ứng cử của Việt Nam với tư cách là ứng cử viên duy nhất của ASEAN, cùng với thông điệp mạnh mẽ rằng: “Là một thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới”.

Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 là sự tiếp nối chính sách đối ngoại của Đảng, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là nỗ lực đóng góp tiếp theo sự thành công của nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an 2020-2021 vừa qua. Nỗ lực đó cũng sẽ góp phần khẳng định nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện thiện chí của Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có quan điểm khác biệt về quyền con người.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc