Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

VHO- Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 (MTF) đã diễn ra thành công với những cam kết, đồng lòng của các bên liên quan trong việc liên kết, hợp tác, nỗ lực chung tay hành động để tái thiết ngành du lịch, hướng tới mục tiêu chung vì sự phục hồi, phát triển bền vững du lịch Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác - Anh 1

 Toàn cảnh Diễn đàn MTF 2022 ngày 12.10

Chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng

Sau các phiên họp nhóm Công tác Du lịch GMS lần thứ 50; Phiên họp Hội đồng Văn phòng Điều phối Du lịch Mekong (MTCO), ngày 12.10, MTF 2022 đã chính thức diễn ra với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”.

Diễn đàn đã thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch bền vững. Cũng như đưa ra những đề xuất, giải pháp thiết thực nhằm xây dựng lại ngành du lịch của GMS bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi, tận dụng hiệu quả công nghệ để tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn. Là cơ hội để các bên gặp gỡ, giao lưu, gắn kết, làm mới quan hệ giữa các bên sau giai đoạn khó khăn của ngành du lịch, hướng đến mục tiêu tăng trưởng du lịch nội khối, thu hút khách quốc tế, góp phần phục hồi, phát triển du lịch khu vực trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đến du lịch nhìn nhận và định hình lại ngành du lịch để hướng tới một tương lai bền vững và toàn diện hơn. Đồng thời khuyến khích các bên liên quan đến du lịch ở mọi quy mô tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành, cũng như nâng cao năng lực của ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng.

“Du lịch là một lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế GMS, nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Những năm gần đây, hợp tác du lịch GMS đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan. MTF và các phiên họp du lịch liên quan được tổ chức định kỳ, góp phần không nhỏ trong việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, nắm bắt thông tin, tranh thủ và huy động tài trợ quốc tế nhằm triển khai các dự án du lịch chung của GMS”, ông Khánh chia sẻ.

Tại diễn đàn, đại diện Cơ quan Du lịch Quốc gia các nước GMS cũng đã có những cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác đa ngành; tăng cường sự tham gia và hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy các cơ hội bình đẳng về việc làm tại địa phương; các chương trình nâng cao năng lực, chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao kỹ năng của các chuyên gia du lịch, đặc biệt trong việc phát triển xanh, tăng trưởng bền vững.

Cùng nhau hành động để phục hồi bền vững

Một số vấn đề và thách thức mà ngành du lịch khu vực GMS đối diện trong thời gian tới cũng được đề cập đến tại diễn đàn. Cùng với đó là những chia sẻ, thảo luận của các bên liên quan về việc nên thích ứng như thế nào trong tương lai, các chính sách, quy định và đầu tư cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, mặc dù có những xu hướng tích cực trong phục hồi du lịch, môi trường kinh tế đầy thách thức do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến chi phí vận chuyển và lưu trú cho ngành du lịch tăng cao. Điều này tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp du lịch và ảnh hưởng tới mức chi tiêu của khách du lịch, làm trì hoãn sự phục hồi du lịch GMS. Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS trước những khó khăn, thách thức bởi tác động lâu dài của Covid-19 và sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các quốc gia, khu vực khác ngoài tiểu vùng sau đại dịch, 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc.

Theo ông Khánh, để làm được điều đó, cần có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh các đối tác quen thuộc, thời gian tới khu vực GMS cần tích cực tìm kiếm, phối hợp với các nhà đầu tư mới, tiềm năng để tiếp tục phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của GMS. Đồng thời cũng kiến nghị một số giải pháp cần ưu tiên triển khai thời gian tới, cụ thể như: Tăng cường liên kết, hợp tác nội khối các nước thành viên trong khu vực GMS; Tăng cường, thúc đẩy hiệu quả của các hoạt động hợp tác công-tư, cùng với đó xây dựng quan hệ đối tác mới, mở rộng kết nối trong ngành du lịch và cả liên ngành để khám phá các cách thức mới phát triển du lịch; Đẩy mạnh truyền thông phục hồi du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch chung, phát triển thương hiệu điểm đến Mekong...

“Để thành công tái thiết ngành du lịch, các nước cần cùng nhau hành động với nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành du lịch Mekong. Là các nước có lợi thế về vị trí địa lý gần, với sự tin tưởng lẫn nhau và cơ chế hợp tác du lịch hiệu quả, trong thời gian không xa, khu vực GMS sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế”, ông Khánh nhấn mạnh.

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác - Anh 2

 Các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm MTF 2022

Những xu hướng mới

Diễn đàn cũng là cơ hội để các bên liên quan kết nối lại, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm truyền thông phục hồi du lịch, đồng thời thu thập những hiểu biết mới về du lịch GMS từ các chuyên gia trong ngành, nắm bắt xu hướng mới, từ đó xây dựng, tái thiết hình ảnh, nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của ngành du lịch GMS trong tương lai.

Chia sẻ về “Tương lai của ngành du lịch - Tư duy lại về du lịch, tư duy lại về quảng bá và quản lý điểm đến”, bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho rằng, cuộc khủng hoảng mà ngành du lịch đối diện do đại dịch đã đặt ra yêu cầu cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi. Ông Wouterus Schalken, chuyên gia cao cấp về Du lịch bền vững của ADB nhấn mạnh cần quan tâm đến các chính sách, quy định và đầu tư liên quan cần thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và tính bền vững của du lịch. Đặc biệt, tập trung vào cơ sở hạ tầng chất lượng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và áp dụng các thực tiễn điều hành và đa dạng hóa thân thiện với môi trường trong toàn ngành du lịch.

Ba phiên thảo luận tại MTF 2022 tập trung xoay quanh những vấn đề cần thiết để tái thiết, phục hồi ngành du lịch khu vực Tiểu vùng một cách hiệu quả, bền vững. Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Doanh nghiệp công: Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững” đã tập trung tìm hiểu cách các doanh nghiệp công đưa ra mô hình kinh doanh mong muốn cho tăng trưởng bao trùm, môi trường bền vững và xây dựng thương hiệu tích cực cho các điểm đến. Phiên thảo luận thứ hai “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”, các diễn giả trao đổi, khám phá những cách thức mới để kết nối các bên liên quan đến du lịch Mekong với thị trường, tài chính, thiên nhiên và liên kết lẫn nhau để thúc đẩy sự phục hồi bền vững sau suy thoái Covid-19. Phiên thảo luận thứ ba với chủ đề “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”, các diễn giả đã chia sẻ phương pháp tối ưu nhất về việc tận dụng các công cụ kỹ thuật số để tối đa hóa tác động tích cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Khám phá góc nhìn rộng hơn về cách công nghệ có thể định hình tương lai của du lịch xanh, học tập các phương thức phát triển thành các mô hình kinh doanh bền vững hơn với môi trường và xã hội thông qua công nghệ số.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra lễ chuyển giao cờ đăng cai Diễn đàn Du lịch Mekong 2023 cho Vương quốc Campuchia. Với chủ đề “Suy nghĩ lại về Khả năng phục hồi và Số hóa”, MTF 2023 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16-20.3.2023 tại tỉnh Preah Sihanoukville. 

 THÚY HÀ - KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc