Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách của Đảng

Thứ Hai 24/10/2022 | 19:30 GMT+7

VHO- Chiều ngày 24.10 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn hóa, văn nghệ và hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương Quý III năm 2022.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Ban, bộ, ngành; lãnh đạo Liên hiệp Hội các VHNT Việt Nam; lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cùng các cơ quan liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị

Văn, nghệ sĩ say mê, chủ động sáng tạo 

Trình bày báo cáo đánh giá tình hình hoạt động Quý III năm 2022, Vụ trưởng Vụ Văn hoá – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Kinh tế nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân; hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Liên hiệp các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hoạt động VHNT của đất nước; chủ động, linh hoạt theo yêu cầu và điều kiện thực tế của từng đơn vị.

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào tháng 11.2021, nhiều chương trình, dự án lớn về VHNT được Liên hiệp và các Hội khởi động, đề xuất. Một số đề án theo phê duyệt của Chính phủ được tích cực triển khai thực hiện. Nhiều chính sách mới cho văn hoá, VHNT, chăm lo đời sống văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine, đại bộ phận văn, nghệ sĩ nước nhà vẫn giữ vững được lập trường khách quan. Trên cơ sở quyền lợi của quốc gia, dân tộc, họ tin tưởng tuyệt đối vào đường lối và những quyết sách của Đảng; kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo

Cũng theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Liên hiệp các Hội VHNT và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương trong quý III đã tích cực, tăng cường triển khai các nội dung công việc theo kế hoạch; nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch công tác năm. Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 66-HD/BTGTW về triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phân công, theo dõi, chỉ đạo các hội quần chúng do Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ; tổ chức các đoàn công tác đến một số tỉnh, thành, các Hội VHNT  chuyên ngành Trung ương để kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hoá, VHNT; tổ chức giao ban hằng quý với Liên hiệp và các Hội để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn; ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai công tác văn hoá, văn nghệ tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước…

Với những gì đã làm được, Vụ trưởng Vụ Văn hoá – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận định trong quý III năm 2022, mặc dù điều kiện còn khó khăn (do kinh phí hỗ trợ sáng tạo của Chính phủ chưa được cấp…) nhưng Liên hiệp các Hội vẫn triển khai hiệu quả nhiều nội dung công việc theo kế hoạch đề ra, tiếp tục phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên tham gia vào các hoạt động của hội. Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa hội viên với cơ quan nhà nước, phản ánh các nhu cầu, nguyện vọng của hội viên. Đồng thời, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các chương trình, hoạt động VHNT trên cả nước diễn ra phong phú, đa dạng, được cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Một số chương trình nổi bật phải kể đến như đợt chiếu phim kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 trên phạm vi toàn quốc; chương trình nghệ thuật Ngày hội non sông; triển lãm sách với chủ đề Cách mạng tháng Tám – Mốc son lịch sử (Điện Biên); triển lãm chuyên đề Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử (Thừa Thiên Huế)…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm kết luận Hội nghị

Song song với những gì đã làm được, Vụ trưởng Vụ Văn hoá – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cũng chỉ rõ, hoạt động VHNT trong quý III vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để giải ngân kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở Trung ương của Chính phủ dành cho các Hội VHNT đã được Liên hiệp và các Hội xúc tiến. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn thiếu quyết liệt, lúng túng, chậm được triển khai. Kết quả là đến nay, nguồn kinh phí năm 2022 vẫn chưa được phê duyệt, giải ngân dẫn đến ách tắc, khó khăn rất lớn trong hoạt động chuyên môn của Liên hiệp và các Hội. 

Công tác tổ chức, hoạt động của một số hội còn khó khăn, chưa thu hút đông đảo các văn, nghệ sĩ tham gia, nhất là lớp trẻ. Nhiều hội thiếu hụt cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm lãnh đạo quản lý các đơn vị trực thuộc. Tình trạng lãnh đạo hội phải kiêm nhiệm nhiều chức danh làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Khâu tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các hội còn hạn chế. 

Theo các đại biểu tham dự Hội nghị, tình trạng trên bắt nguồn từ việc một số cấp uỷ đảng, ban lãnh đạo các hội, đơn vị có liên quan chưa sát sao trong lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng trong lĩnh vực văn hoá, VHNT; chưa thật sự bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, VHNT để linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong thể chế văn hoá thành chương trình hành động, đề án, dự án, kế hoạch công tác. Cùng với đó, nguồn cán bộ cho mảng công tác hội thiếu hụt. Một số Hội VHNT chưa thật sự chủ động, đổi mới trong hoạt động. Các sinh hoạt, hoạt động chuyên môn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết của thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các Hội đồng, Ban chuyên môn. Việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định làm việc, chương trình hành động, kế hoạch công tác chưa kịp thời, thường xuyên dẫn đến lúng túng, bị động trong thực thi nhiệm vụ.

Không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, người đứng đầu Vụ trưởng Vụ Văn hoá – văn nghệ cho biết, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực. Đồng thời, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trọng tâm là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp… 

Vụ trưởng Vụ Văn hoá – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt trình bày báo cáo

Về nhận thức, ông Nguyễn Minh Nhựt nhận định: “Đội ngũ văn, nghệ sĩ Liên hiệp và các Hội cần tăng cường tiếng nói phản biện xã hội, tham, gia tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật, kiến nghị các cơ chế, chính sách; từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hoá, VHNT phát triển. Liên hiệp và các Hội cần quan tâm, đầu tư có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm cho các hoạt động tuyên truyền, công tác lý luận, phê bình. Ngoài ra, đây là đội ngũ phải tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nền tư tưởng của Đảng; chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hoá, VHNT.

Liên quan đến vấn đề đầu tư cho VHNT phát triển, đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết trong quý IV năm 2022, Hội Nhà văn dự kiến sẽ in đợt sách thứ 2 với khoảng 20.000 bản cho trẻ em và tiến hành tặng sách cho các em ở các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Bình, Yên Bái, Hoà Bình… Mặc dù rất thiếu ngân sách nhưng nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định sẽ không nằm im chờ tiền mà chủ động vận động nguồn xã hội hoá. “Văn hoá, VHNT là lĩnh vực có vai trò quan trọng, trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Đầu tư cho văn hoá, VHNT cũng chính là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước cũng đang dành rất nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực này thì các Bộ, ngành liên quan cần thực hiện theo chủ trương, đường lối ấy. Đầu tư chậm ngày nào, văn, nghệ sĩ chịu tác động tiêu cực ngày đó. Không có động lực cho hoạt động sáng tác, người dân càng chậm tiếp cận và thụ hưởng các giá trị mà tác phẩm VHNT đem lại. Để có ngân sách hoạt động, tôi đề nghị Liên hiệp các Hội VHNT và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương phải chủ động vận động nguồn xã hội hoá, không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước”, người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam nêu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá cao nỗ lực của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương trong tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, sáng tạo tác phẩm…Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các văn, nghệ sĩ đã chủ động, nỗ lực vượt khó trong quá trình sáng tác, sáng tạo tác phẩm. Nhiều tác phẩm VHNT ra đời được đánh giá có chất lượng cao, phụng sự cho sự phát triển của đất nước, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nhiều diễn đàn VHNT được tổ chức đã trực tiếp cổ vũ tinh thần nhân dân, tạo không khí phấn khởi, lan tỏa nhiều thông điệp nhân văn. Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý ngoài những gì đã làm tốt, thời gian tới, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần tập trung thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chú trọng hoạt động tuyên truyền, lý luận, phê bình VHNT; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đối với các hoạt động hỗ trợ sáng tác, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu những hoạt động này phải liên tục đổi mới, sáng tạo, mang tính liên kết, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền VHNT nước nhà. “Đã làm thì phải làm thực chất, hiệu quả, không được phép chạy theo chủ nghĩa hình thức. Một khi hoạt động có điểm nhấn, hấp dẫn, chúng ta mới thu hút được sự tham gia của đông đảo văn - nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, nhất là lực lượng trẻ. Huy động được nguồn nhân lực chính là vấn đề then chốt trong sự nghiệp phát triển VHNT”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu rõ.

Lãnh đạo một số Hội VHNT phát biểu ý kiến

Liên quan đến các hoạt động sáng tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu rõ để các trại sáng tác diễn ra gặt hái được nhiều thành quả, đơn vị tổ chức sau khi kết thúc trại cần báo cáo về Bộ VHTTDL số lượng, chất lượng các tác phẩm thu về. “Tác phẩm nào đạt chất lượng, sử dụng để dàn dựng được chúng ta phải phân loại rõ. Các tiêu chí phân loại cần rõ ràng, theo hướng có lợi cho địa phương như quảng bá về văn hoá, đất nước, con người của nơi đó. Chúng ta cần tránh tình trạng nộp bản thảo quá nhiều nhưng tác phẩm lại chẳng dùng được bao nhiêu”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh: “Trong các tháng cuối năm, để từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, tôi đề nghị Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các đơn vị liên quan tiếp tục quán triệt đầy đủ, nhận thức sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, VHNT. Đồng thời căn cứ vào hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương sớm có báo cáo đánh giá 1 năm thực hiện các kết luận, chỉ thị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tích cực tham gia và có hoạt động phù hợp hưởng ứng hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới (dự kiến diễn ra vào tháng 11.2022)”.

ĐÌNH TOÁN

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top