Vũ khúc độc đáo ở làng biển

VHO- Múa chạy chữ là một loại hình dân vũ độc đáo của ngư dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Loại hình này vừa thể hiện sự uyển chuyển, khỏe khoắn các điệu múa hòa trong tiếng nhạc, vừa thể hiện tính cộng đồng giữa những người dân vùng biển.

Vũ khúc độc đáo ở làng biển - Anh 1

 Múa chạy chữ tại lễ hội ở xã Nhân Trạch Ảnh: HỮU LỢI

Hằng năm, xã Nhân Trạch thường tổ chức 5 lễ hội lớn, gồm có cầu yên vào rằm tháng giêng, cầu ngư vào trung tuần tháng 3 âm lịch, kỵ cậu (thần ngư) vào ngày 15.5 âm lịch, rước sắc làng vào ngày 15.6 âm lịch và trả lễ thần ngư vào rằm tháng 8 âm lịch. Trong đó, hai lễ hội luôn luôn được ngư dân Nhân Trạch tổ chức là cầu yên vào rằm tháng giêng và cầu ngư vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Tại các lễ hội này, múa chạy chữ là hoạt động không thể thiếu, tạo nên nét độc đáo riêng có của xã biển Nhân Trạch.

Theo nghệ nhân Phạm Thị Niếu, người gìn giữ và trao truyền nhiều nét văn hóa làng biển Nhân Trạch chia sẻ, cùng với chèo cạn thì múa chạy chữ (còn gọi là múa động đăng) là nghi thức không thể thiếu trước khi tiến hành phần lễ trong bất kỳ một lễ hội nào ở xã biển Nhân Trạch. Múa chạy chữ vừa thể hiện sự uyển chuyển, khoẻ khoắn các điệu múa hòa trong tiếng nhạc, vừa sắp xếp thành các chữ Hán như: Thiên, Hạ, Thái, Bình, Trung, Hiếu, Tín, Nghĩa. Mục đích của múa chạy chữ là để hầu ngài (thần ngư), hướng về biển và mang nặng tâm linh biển, đồng thời thể hiện tính cộng đồng, sự kết nối gắn bó giữa những người dân vùng biển.

Bà Phạm Thị Niếu chia sẻ, để sắp xếp cho rõ ràng, sắc nét các hình hài con chữ đòi hỏi mỗi người phải biết kết hợp nhịp nhàng và phải tôn trọng tinh thần tập thể thì mới tạo được màn trình diễn ấn tượng. Múa chạy chữ là điệu múa thể hiện tính cộng đồng cao nên số lượng người được huy động trong mỗi màn biểu diễn rất đông, tối thiếu từ 30 - 60 người tham gia một tiết mục. Tuy nhiên, theo số lượng người tham gia nhiều hay ít để người cầm cái có thể điều chỉnh, sắp xếp, trình diễn số lượng chữ. Nếu nhiều người tham gia thì có thể sắp xếp cùng một lúc 4 chữ “thiên hạ thái bình”, “trung hiếu tín nghĩa”…

Trong các lễ hội, trước khi phần lễ bắt đầu, chạy cờ, hát quạt sẽ được biểu diễn đầu tiên, tiếp đó là múa chạy chữ và chèo cạn. Múa chạy chữ hấp dẫn người xem bởi những điệu múa uyển chuyển, kết hợp với sự di chuyển, sắp xếp chữ linh hoạt, biến hóa và nhất là sự đồng điệu, hòa nhập ăn ý với âm nhạc từ trống, kèn, sanh tiền, xập xèng... Đó là những vũ khúc hoa đăng bập bềnh lên xuống như sóng nước biển khơi. Những động tác tượng trưng cho sóng to gió lớn mà ngư dân phải đối mặt khi vươn khơi đánh bắt hải sản. Đó là những động tác vươn tay lên cao xếp hình hoa sen thể hiện niềm hân hoan khi vượt qua khó khăn, là tinh thần đoàn kết ngư dân làng biển Nhân Trạch vượt qua sóng gió biển khơi để có thuyền bè đầy ắp cá.

Trải qua thời gian, cùng với các điệu hò làng biển, múa chạy chữ ở Nhân Trạch được người dân lưu giữ trong đời sống tín ngưỡng. Đây là vũ khúc độc đáo trong sinh hoạt văn hóa của người dân làng biển Nhân Trạch, là cầu nối để gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của ngư dân với các đấng thần linh để mong sóng yên biển lặng, tàu thuyền nặng cá. 

 TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc