Đừng để giáo viên cô đơn khi ra trận

VHO- Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành năm 2018. Từ năm học 2022-2023, việc triển khai chương trình, SGK mới được tiến hành ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế, trong đó nổi bật lên vấn đề thiếu giáo viên dạy các môn chuyên ngành, hoặc giáo viên môn này phải đi dạy môn khác…

Đừng để giáo viên cô đơn khi ra trận - Anh 1

Cô trò Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học mới

“Khó để xã hội yên tâm khi giáo viên dạy môn này đi dạy môn khác” là trăn trở của nhiều đại biểu dự hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức. Tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục theo quy định tại Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội; cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên trên thực tế, Chương trình khi ban hành chưa đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục nên phải tiếp tục bổ sung trong các năm sau, gây khó khăn cho việc chuẩn bị SGK và triển khai thực hiện đối với một số môn. Việc biên soạn, thẩm định, phát hành SGK còn chậm so với yêu cầu. Việc lựa chọn, cung ứng SGK ở một số địa phương còn chậm hoặc có thiết sót, hạn chế. Nhiều địa phương, nhà trường thiếu thiết bị dạy học tối thiểu nên gặp khó khăn trong tổ chức dạy và học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Chia sẻ về những bất cập trong quá trình triển khai Chương trình mới tại địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết, TP hiện còn thiếu khoảng 1.350 giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc hàng loạt cũng đang diễn ra tại Hải Phòng, khi trong năm qua có 237 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc.

Về vấn đề thiếu giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, ông Phạm Ngọc Hải cũng nêu ý kiến, hiện tỉnh thiếu 1.100 giáo viên, các cấp học đều thiếu nhưng thiếu nhiều nhất là giáo viên bậc mầm non. “Vấn đề ở chỗ là chúng tôi không thể tuyển dụng được giáo viên do không có nguồn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa”, ông Hải bày tỏ.

Tương tự, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thông tin: “Chúng tôi thiếu giáo viên là do nguồn tuyển không đạt được chuẩn như yêu cầu”.

Liên quan tới việc triển khai Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Lương Văn Việt kiến nghị, cần có hướng dẫn chi tiết cho việc tổ chức đấu thầu, định mức, cơ chế quản lý trước và sau bồi dưỡng, đào tạo giáo viên. Đối với đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho rằng, dù đã có tập huấn, bồi dưỡng nhưng khó để đảm bảo chất lượng và khó để xã hội yên tâm khi giáo viên dạy môn này đi dạy môn khác. Do đó các trường Sư phạm cần sớm mở mã ngành và sớm đào tạo giáo viên tích hợp.

Một số đại biểu phản ánh việc giảng dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, 7 gặp khó do giáo viên chỉ được đào tạo giảng dạy đơn môn (hoặc Lý, hoặc Hóa/Sinh) thì nay phải dạy cả 3 do nằm trong môn Khoa học tự nhiên. Giáo viên bộ môn ở bậc tiểu học hiện đang phải thực hiện quá nhiều tiết nghĩa vụ, đồng thời phải làm quá nhiều sổ sách...

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn sớm trong việc thi học sinh giỏi bậc THCS. Ở bậc học này, học sinh học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý nhưng khi lên THPT thì lại tách ra thành từng môn riêng biệt. Các lớp 10 chuyên cũng tuyển riêng. Vậy học sinh THCS sẽ thi học sinh giỏi môn gì và thi như thế nào?

Trao đổi về những vấn đề địa phương quan tâm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, những vấn đề đặt ra không mới, đều đã được Bộ GD&ĐT và các địa phương trao đổi, cùng tìm giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai chương trình giáo dục mới. Trên thực tế, các địa phương đã quan tâm nhiều đến việc đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày; phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập được nâng cấp, xây dựng thêm và ngày càng khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được tích cực triển khai thực hiện. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm học 2021-2022 theo từng cấp học là: Tiểu học 75,3%, THCS 86,4%, THPT 99,9%.

Hiện Bộ GD&ĐT đã được giao nghiên cứu, đề xuất về mức phụ cấp ưu đãi mới cho giáo viên. “Nhưng điều quan trọng là các nhà trường cần quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên, tháo gỡ những khó khăn cho họ. Đừng để giáo viên cảm thấy cô đơn khi ra trận”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định. 

HOÀNG HƯƠNG

=

Ý kiến bạn đọc