Lần đầu tiên Hội An tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Việt

VHO- Lễ hội văn hóa trà Việt lần đầu tiên tại TP Hội An sẽ diễn ra vào ngày 30.12 với sẽ được tổ chức tại TP Hội An với rất nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa trà Việt. Qua đó, hướng đến xây dựng lễ hội thường niên, tạo thêm sản phẩm du lịch mới kết hợp với du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng của Hội An.

Lần đầu tiên Hội An tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Việt - Anh 1

TP Hội An thông tin về Lễ hội văn hóa trà lần thứ nhất

Chiều ngày 16.12, TP Hội An đã có buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội văn hóa Trà Việt Nam lần thứ nhất 2022 với chủ đề “Tinh Hoa Trà Việt”, diễn ra tại Hội An trong 3 ngày, từ ngày 30.12.2022 đến 1.1.2023. 
Sự kiện do UBND TP Hội An phối hợp với Công ty TNHH Thảo Bách Việt lần đầu tiên tổ chức quy mô, đa dạng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực liên quan về Trà với mong muốn giới thiệu đến du khách, công chúng các loại Trà, Nhà sản xuất trà, các nghệ nhân, các Trà thất, các nét đặc sắc về văn hoá Trà Việt Nam. Từ đó Sưu tập, gìn giữ, giới thiệu, phát triển các loại trà, vùng trà, … của Việt Nam và góp phần từng bước gìn giữ, tiếp nối, phát triển văn hoá trà Việt. 
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lanh- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sự kiện nhằm góp phần tôn vinh giá trị lịch sử và nét văn hóa đặc sắc về trà và sản phẩm liên quan đến trà Việt; là nơi giao lưu học hỏi, trao đổi giữa các làng nghề trà, nghệ nhân trà, đơn vị cung cấp sản phẩm về trà và các sản phẩm văn hóa khác liên quan đến trà như: Trà cụ, ẩm thực, … đến với công chúng và du khách trong, ngoài nước. Qua đó, hướng đến xây dựng Lễ hội thường niên tạo ra sản phẩm du lịch mới kết hợp với du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng đặc sắc của đô thị cổ Hội An và Quảng Nam, góp phần giữ gìn và tiếp nối, phát triển văn hóa trà Việt.

Lần đầu tiên Hội An tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Việt - Anh 2

Giới thiệu về văn hóa trà Việt 

“Hội An kỳ vọng thông qua Lễ hội lần này sẽ phát huy được sự đặc sắc, đa dạng trong văn hóa trà Việt, qua đó, góp phần quảng bá văn hóa trà Việt, trước hết lan tỏa ngay chính trong lòng Di sản văn hóa thế giới Hội An. Lâu dài hơn, hy vọng sẽ xây dựng lễ hội thường niên, từ đó tạo thêm sản phẩm văn hóa du lịch trà Việt trong lòng phố cổ, để văn hóa trà sẽ lan tỏa ở các điểm đến trong lòng phố cổ, đi vào công tác lễ tân ngoại giao, thành nếp thưởng thức trà Việt trong từng gia đình, ở từng người dân phố cổ,…”, ông Lanh chia sẻ. 
Là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tạo ra nét mới trong sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng của Hội An và Quảng Nam. Đồng thời cũng là một hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia- Quảng Nam 2022. 
Lễ hội sẽ diễn ra tập trung tại trục đường Trần Phú trong khu phố cổ, diễn ra tại không gian các ngôi nhà cổ, tổ chức 10-15 điểm trà xanh, trà dân gian, trà lễ hội. 
Trong 3 ngày Lễ hội, sẽ có các hoạt động như: Trình diễn, giao lưu giữa các nhà trà, nghệ nhân với du khách; Giới thiệu các sản phẩm trà trên mọi vùng miền tổ quốc; Các Show trình diễn vể Trà: Thiền trà, trà Cung Đình, Trà Tây Bắc,…Lễ dâng trà đầu năm mới; Tiệc trà giao lưu chúc mừng năm mới vào tối ngày 1.1.2023; Các cuộc thi về nhiếp ảnh, thơ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Theo ông Hồ Xuân Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Bách Việt, dự kiến trong lễ hội sẽ có hoạt động xác lập kỷ lục với khoảng 500 người cùng thưởng thức trà bên không gian sông Hoài, phố cổ Hội An. 

Lần đầu tiên Hội An tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Việt - Anh 3

Thưởng trà là một nghệ thuật tinh tế, tao nhã

Cũng tại buổi họp báo, Ban Tổ chức cũng giới thiệu, cung cấp thông tin về sự cần thiết tổ chức Lễ hội. Từ lâu, Trà được biết như một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, mang một vẻ đẹp rất riêng biệt, thể hiện rất rõ đời sống sinh hoạt mộc mạc của người Việt. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hoà được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Á Đông thường quan niệm rằng thưởng trà chính là đang đào sâu văn hoá để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.
Ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Hội An chia sẻ về sự kết nối văn hóa trà từ quá khứ tại đô thị cổ Hội An để qua đó làm nổi bật hơn nữa sự cần thiết, ý nghĩa của việc tổ chức Lễ hội trà Việt tại Di sản VHTG Hội An.  Ở Hội An từng có các hãng trà sản xuất, chế biến và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Hiện TP Hội An vẫn còn lưu giữ các hiện vật, chứng từ liên quan.

Mặc dù Quảng Nam không phải là xứ sản xuất trà lớn của Việt Nam, tuy nhiên hơn 400 năm trước, nơi đây người dân đã biết dùng trà để uống và chữa một số bệnh về dạ dày. Bên cạnh đó, Xứ Quảng từng là Trung tâm giao thương thế giới với các quốc gia có văn hóa trà nổi tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác và chính những quốc gia đó đã đặt hàng đồ gốm làm trà cụ từ khu vực miền Trung Việt Nam và xuất khẩu qua thương cảng Hội An. Ở Hội An từng có các hãng trà sản xuất, chế biến và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ các hiện vật, chứng từ liên quan.
Không gian cổ kính, lịch sử của phố cổ Hội An chính là không gian đặc biệt, phù hợp cho việc thưởng trà, thư giãn, tĩnh tâm tìm về chiều sâu quá khứ, chiều sâu văn hóa của vùng đất đặc biệt này. 

Lần đầu tiên Hội An tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Việt - Anh 4

Giới thiệu một số loại trà sẽ có mặt tại Lễ hội

Dự kiến,Lễ hội sẽ có dự tham dự của đại diện các Bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành nổi tiếng với đặc sản trà như Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên,…Đại diện các hiệp hội liên quan ẩm thực trà, doanh nghiệp du lịch, lữ hành một số địa phương; các nghệ nhân, cơ sở sản xuất về trà và các sản phẩm liên quan đến trà. Tham tán văn hóa của các nước và vùng lãnh thổ có nền sản xuất trà nổi tiếng và có lượng khách du lịch lớn đến Hội An (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Pháp, Anh,...).

KHÁNH CHI
 

Ý kiến bạn đọc