Bộ VHTTDL:Truyền thông chính sách và phổ biến pháp luật từ sớm, từ xa

VHO- Năm 2022, Bộ VHTTDL đã tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như: Luật Thư viện; Luật Di sản văn hóa; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo; Luật Thể dục, thể thao; Luật Du lịch; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Bộ VHTTDL:Truyền thông chính sách và phổ biến pháp luật từ sớm, từ xa - Anh 1

 Hội nghị - Hội thảo góp ý xây dựng Nghị định thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam tại TP.HCM

Phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng hỗ trợ

Trong năm qua, Bộ VHTTDL đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật, ưu tiên công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, năm 2022, Bộ đã xây dựng và ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL giai đoạn 2022-2026” làm cơ sở để việc triển khai phổ biến giáo dục pháp luật bài bản và đảm bảo nguồn lực thực hiện.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ VHTTDL có kế hoạch năm từ sớm, thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao năm 2022 theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20.6.2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2022, ban hành theo Quyết định số 04/QĐ-HĐPH ngày 12.2.2022 và Công văn số 744/BTP phổ biến giáo dục pháp luật ngày 14.3.2022 của Bộ Tư pháp.

Cụ thể, sau khi Luật Điện ảnh và Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức các Hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn nội dung cơ bản của các Luật, cụ thể: Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh và lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP tại khu vực phía Bắc (9.2022 tại Hà Nội) và khu vực phía Nam (9.2022 tại TP.HCM); Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh (9.2022 tại Hà Nội); Hội nghị - Hội thảo hướng dẫn, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) (9.2022 tại Lâm Đồng, tháng 10.2022 tại Hà Nội); Hội nghị phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động phát thanh, truyền hình (11.2022 tại TP.HCM)…

Cũng trong năm 2022, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng hỗ trợ như: Tổ chức các Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đối tượng làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và cán bộ pháp chế của doanh nghiệp; Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý. Bên cạnh đó, Bộ còn biên soạn và phát hành tài liệu về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thời gian dịch Covid-19, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng được thay đổi để phù hợp với tình hình và đảm bảo hiệu quả. Hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu được Bộ triển khai là xây dựng, biên soạn, đăng tải tin, bài tại mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử, thực hiện kết nối với Trang tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp; thực hiện các hoạt động truyền thông, viết tin, bài về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên các báo, tạp chí của ngành, các báo chuyên ngành về pháp luật, về kinh doanh.

Các tin, bài chủ yếu cung cấp thông tin về các chính sách, quy định mới nhất liên quan đến doanh nghiệp, người lao động nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật

Trong năm 2022, Bộ VHTTDL tiếp tục tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, thực hiện nắm bắt thông tin trong việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch qua nhiều kênh (phản ánh của các Sở, tổ chức, cá nhân, báo chí, mạng xã hội, kết quả kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tại Chuyên mục Tiếp nhận và trả lời ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ...), từ đó giúp giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện pháp luật.

Bộ VHTTDL đã thành lập các đoàn kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Đoàn kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật kết hợp với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại các tỉnh Hưng Yên (tháng 5.2022), Điện Biên, Lai Châu (tháng 6 và 7.2022), Khánh Hòa (tháng 9.2022) nhằm thu thập, nắm bắt thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: Kiểm tra công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại các tỉnh Long An (4.2022), Bình Định (5.2022), Nghệ An (8.2022); Kiểm tra việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 tại tỉnh Hà Tĩnh (5.2022); kiểm tra công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tàng trên địa bàn các tỉnh/thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, An Giang, Kon Tum, Đắk Lắk, Đồng Nai, TP.HCM…

Cùng với đó, công tác truyền thông chính sách, phổ biến pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ đã ban hành Công văn số 365/BVHTTDL-PC ngày 22.9.2022 về việc thông tin tuyên truyền việc sử dụng, khai thác Bộ pháp điển điện tử để đề nghị các cơ quan, đơn vị, các Sở tăng cường tuyên truyền, giới thiệu và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tổ chức, cá nhân đối tượng chịu sự tác động của các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện khai thác, sử dụng Bộ pháp điển điện tử tại Cổng Thông tin điện tử pháp điển và Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL.

Về lĩnh vực Du lịch, bên cạnh việc phòng, chống dịch hiệu quả, Bộ VHTTDL đã đề xuất các phương án và kịch bản để phục hồi lại hoạt động du lịch nội địa; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn để chuẩn bị cơ hội phục hồi và phát triển; tiếp tục xây dựng chuyển đổi số cũng như phát triển hệ du lịch sinh thái thông minh; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Du lịch…

Các hình thức truyền thông, cổ động gắn với phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và công dân trong việc chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

 THÁI BÌNH

Ý kiến bạn đọc