Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc..."

VHO- Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác VHTTDL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 diễn ra sáng 22.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào con đường phát triển phía trước của toàn ngành VHTTDL. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, toàn ngành nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Đó là những bảo tàng, thư viện, thiết chế văn hoá,…không chỉ là công trình đáp ứng công năng sử dụng mà còn là những di sản về kiến trúc để lại cho thế hệ mai sau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Trân trọng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn ngành, với những thành tích toàn diện, thể hiện qua 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu trong năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những thành tích trong năm 2022 mà ngành VHTTDL đã đạt được lớn hơn rất nhiều so với những năm trước.

Phó Thủ tướng chia sẻ,  năm nay, lần đầu tiên ông thấy có nhiều Bộ trưởng các ngành cùng dự Hội nghị tổng kết năm của Bộ VHTTDL. Điều đó cho thấy điều gì? “Năm vừa qua, chúng ta đã cùng đồng hành, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, ở nhiều quy mô để triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Hội nghị là một sự kiện lớn được mong chờ sau mấy chục năm. Từ đây, nhận thức về văn hoá trong Đảng, trong xã hội thực sự đã bước sang một tầng nấc mới…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta nhớ lại và trân trọng những tâm huyết, công sức của nhiều thế hệ cán bộ ngành văn hoá đi trước, những người đã luôn mong mỏi có được sự kiện lớn như Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021. Đó chính là văn hoá, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị của ngành VHTTDL vui mừng được chào đón Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều đồng chí Bộ trưởng, những “tư lệnh ngành" luôn đồng hành với Bộ trong thực hiện nhiệm vụ Chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Chúng ta nhắc đi nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc: “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất...". Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư đã nhắc lại câu nói của một vị tiền bối, đó cũng chính là văn hoá. Chúng ta đi trên con đường xa lộ và nhớ lại những người đã mở đường mòn. Đó cũng là văn hoá.

“Chúng ta đã nói rất nhiều về phát triển bền vững. Người ta thường hay nói rằng, những nước đang phát triển đều mắc một căn bệnh chung, vì  nghèo muốn vươn lên nên tập trung tăng trưởng kinh tế mà không để ý đến những vấn đề về môi trường, sau này thì mất cả chục năm mới khắc phục được sai lầm. Xa hơn, nếu không chú ý đến vấn đề văn hoá xã hội mà chỉ chú ý đến tăng trưởng kinh tế thì có khi phải mất hàng thế hệ...”, Phó Thủ tướng nhắc lại.

Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta cũng phải thẳng thắn quan tâm, nhìn nhận những vấn đề đã nói rất nhiều lần. Đảng, Nhà nước trong các văn kiện, Nghị quyết đều chú trọng đến phát triển văn hoá, lưu ý phát triển hài hoà giữa văn hoá, xã hội với kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế,  vấn đề triển khai thực hiện vẫn còn khoảng cách so với mong muốn trong Nghị quyết của Đảng. “Văn hoá có những đặc trưng mà ở góc độ nào đó rất khó cho đội ngũ thực hiện. Thứ nhất, đó là quan niệm ngành văn hoá vẫn thường được cho là không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền. Thứ hai, làm văn hoá như phù sa bồi đắp dần dần, không phải vấn đề cấp bách, cái tốt nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm sau mới bộc lộ, và khi bộc lộ thì phải mất nhiều năm nữa, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Khi điều hành, thường thì những vấn đề cấp bách hơn lại được ưu tiên hơn...”, Phó Thủ tướng nêu và cho rằng, hai cái khó này sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 đã chuyển biến rất rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị

Thứ ba, Phó Thủ tướng mong mỏi, đây sẽ là vấn đề có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Những câu chuyện như công nghệ thông tin, chuyển đổi số nếu không biết thì có thể hỏi chuyên gia. Trong khi, văn hoá thì ai cũng cho rằng mình biết, không chú ý nghe ý kiến chuyên gia mà nhiều khi không biết rằng mình đang nói rất sai về chuyên môn. Điều đó dẫn đến thực trạng vừa đưa ra quyết định không đúng, vừa khiến đội ngũ chuyên gia thấy mình không được trọng dụng, không tha thiết nữa, dần dần mai một đi. Phó Thủ tướng dẫn nhiều trường hợp các lãnh đạo, trong đó có nhiều lãnh đạo văn hoá cũng không biết được các phong tục dân gian truyền thống,  khi thực hành nghi lễ thường sai. “Những vấn đề này trước đây chỉ những người chuyên làm văn hoá đau đáu, bây giờ cả hệ thống đã quan tâm. Đây là điều đáng mừng…”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Bước vào năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành văn hoá cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành. Nhiều chi tiết không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể làm chung chung mà phải rất tỉ mỉ, như phù sa bồi đắp hằng ngày, từ thế hệ nọ qua thế hệ kia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Hội nghị sự tham dự của nhiều “tư lệnh ngành", những người luôn đồng hành với Bộ VHTTDL trong thực hiện nhiệm vụ Chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam 

Thứ hai, cần đổi mới, mạnh mẽ và sáng tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đáp ứng yêu cầu của xu thế mới. Bên cạnh phát huy truyền thống, trong thời đại mà nhịp sống nhanh hơn,  có những việc mà không đổi mới cách làm thì không làm được. Đặc biệt trong chuyển đổi số, lâu nay toàn ngành đã triển khai nhưng cần phải thúc đẩy mạnh hơn. Phó Thủ tướng ví dụ, trong lĩnh vực di sản văn hoá, nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia, như những ấn kiếm của các triều đại xưa luôn được nhân dân mong muốn có cơ hội chiêm ngưỡng, tuy nhiên nhưng chúng ta không có các bảo tàng đủ điều kiện an toàn, an ninh để trưng bày. Giải pháp là phải số hoá, đưa bảo vật lên không gian mạng. Vừa rồi đã có một số triển lãm, trưng bày theo phương thức này được thực hiện và thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn .

Thứ ba, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Đó là những Bảo tàng, thư viện, thiết chế văn hoá…, nhằm khắc phục tình trạng thiếu chỗ trưng bày các hiện vật, bảo vật quý hiếm, tình trạng hỏng hóc những bức tranh vô giá. Đó không chỉ là những công trình đáp ứng công năng sử dụng mà còn là những di sản về kiến trúc để lại cho thế hệ sau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL

“Tại các địa phương cũng vậy. Có công trình đường giao thông thuận lợi là tốt. Nhưng  nếu có được các công trình Bảo tàng, thư viện, những thiết chế văn hoá để đời cho thế hệ sau thì tốt hơn nhiều…”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thứ tư, phải đẩy mạnh hơn nữa sự tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể… Lâu nay, Bộ VHTTDL vẫn phối hợp với nhiều Bộ, ngành, thể hiện qua triển khai các phong trào TDĐKDĐSVH, phong trào xây dựng Nông thôn mới, xây dựng xã hội học tập, bảo vệ an ninh tổ quốc…, tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn. Phó Thủ tướng ví dụ, trong vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, Bộ VHTTDL cần tích cực vào cuộc, từ đó hình thành văn hoá trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với thế hệ mai sau. “Chúng ta ngày hôm nay tự hào vì có một nền văn hiến rực rỡ mấy ngàn năm, đó là mồ hôi, là máu, nước mắt của cha ông. Chúng ta đang tận hưởng, phát huy điều đó, và điều cần làm là bồi đắp thêm trên nền tảng ấy cho  thế hệ sau…, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải quan tâm thực sự tới giới văn nghệ sĩ. “Vì sao chúng không đặt được hàng sáng tác, trong khi đã có Nghị định về đặt hàng sáng tác, đào tạo VHNT. Vướng ở đâu? Các văn nghệ sĩ trừ số ít đã trở thành người công chúng, người nổi tiếng, còn lại phần lớn chỉ hào nhoáng trên sân khấu, còn ra bên ngoài, sau cánh gà vô cùng khổ, đời sống bấp bênh, thu nhập thấp. Chế độ chính sách không thể mãi thế này được. Đào  tạo thế hệ trẻ trong các trường nghệ thuật, anh chị em diễn viên tập luyện khổ sở mới có được một tác phẩm…  nhưng chế độ chính sách quá thấp. Đây là vấn đề phải thực sự được quan tâm”. Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ rõ, tinh giản biên chế hành chính rất cần, nhưng tinh giản biên chế các đoàn nghệ thuật thì không thể đơn giản. Khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật, sẽ có bao nhiêu đoàn nghệ thuật rồi đây sẽ bị mai một. Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… đều có đặc thù, không thể gộp thành một đoàn. “Nhất thời sẽ không thấy vấn đề gì, nhưng sau 10 năm, chúng ta sẽ thấy rất rõ hậu quả. Vì thế, lĩnh vực này cần nhìn nhận kỹ lưỡng, thấu đáo, không nên một chiều”.

Trong vấn đề  xã hội hoá, theo Phó Thủ tướng, chưa có nhiều cơ chế thuận lợi thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư cho văn hoá nghệ thuật. 

Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần chú trọng khai thác tổng lực, trong đó dựa vào điều kiện tự nhiên, văn hoá, con người như một nguồn lực cho sự phát triển. “Muốn du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh, chính sách thật tốt, không thể cứ bình bình…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Hội nghị Tổng kết công tác VHTTDL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 được Bộ VHTTDL tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL, kết hợp trực tuyến với 65 điểm cầu khắp cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ TT &TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lâm.

 

Minh chứng sự lan tỏa của sức mạnh mềm văn hóa

Trong phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị của ngành VHTTDL vui mừng được chào đón Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều đồng chí Bộ trưởng, những “tư lệnh ngành" luôn đồng hành với Bộ trong thực hiện nhiệm vụ Chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chuẩn bị đủ điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của dân tộc...

Bộ trưởng chân thành cảm ơn sự quan tâm, tham dự của hơn 50 lãnh đạo các tỉnh, thành phố, minh chứng cho sự lan tỏa của sức mạnh mềm văn hóa, cho thấy sự phát triển mang tính bền vững của văn hóa ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các Bộ ngành, địa phương.

 Hội nghị tổng kết ngành VHTTDL diễn ra trong thời khắc hết sức ý nghĩa, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang long trọng tổ chức kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Từ diễn đàn Hội nghị, Bộ trưởng thay mặt toàn ngành VHTTDL gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến QĐND Việt Nam, quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Bộ trưởng bày tỏ hi vọng sự phối hợp giữa ngành VHTTDL và Bộ Quốc phòng tiếp tục đi vào chiều sâu trong thời gian tới.

"Có thể khẳng định rằng năm 2022, ngành VHTTDL đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả tích cực. Chưa bao giờ, những kết quả của ngành VHTTDL  được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện như thời điểm này...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

 

THU TRANG- NGỌC NHIÊN, ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc