Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phát triển nhân lực trình độ cao lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật: Nhận diện “điểm nghẽn”, đổi mới đào tạo

Thứ Sáu 23/12/2022 | 09:39 GMT+7

VHO- Thiếu giảng viên đáp ứng tiêu chuẩn để mở mã ngành đào tạo; Thiếu thí sinh dự tuyển tiến sĩ, thạc sĩ; Thiếu người đạt trình độ am hiểu cơ sở lý luận chuyên sâu và uy tín trong hoạt động thực tiễn ở các hội đồng chấm luận văn, luận án; Quy chế tuyển sinh và đào tạo sau đại học của Bộ GD&ĐT chưa thực sự phù hợp với lĩnh vực VHNT... Hàng loạt bất cập đã được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia về Đào tạo sau đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT) do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây tại Hà Nội.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo

Hội thảo diễn ra với phương thức trực tiếp và trực tuyến, do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì; tham dự có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; Bộ GD&ĐT; Bộ VHTTDL; các cơ quan quản lý nhà nước thuộc các tỉnh, thành và các Hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực VHNT; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện 50 cơ sở đào tạo VHNT trong cả nước tham gia…

Tồn tại nhiều “điểm nghẽn”...

Trong Báo cáo đánh giá tình hình đào tạo sau đại học lĩnh vực VHNT từ năm 2016 đến nay, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết, hiện trên cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trong lĩnh vực VHNT và 60 cơ sở đào tạo có các ngành nghề trong lĩnh vực đặc thù; trong đó, 7 cơ sở giáo dục đại học và 1 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ VHTTDL có đào tạo sau đại học.

Đào tạo sau đại học trong lĩnh vực VHNT từ 2016 đến nay đã đạt được những thành tích, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại. PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, từ năm 2016 đến nay, tình hình tuyển sinh sau đại học của các cơ sở đào tạo VHNT gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển giảm đáng kể, đặc biệt là một số cơ sở đào tạo đầu ngành lĩnh vực âm nhạc trực thuộc Bộ phải dừng tuyển sinh do không đủ điều kiện theo quy định; cá biệt có những trường không có thí sinh đăng ký đầu vào, dẫn đến số lượng học viên dự tuyển trình độ sau đại học liên tục giảm theo các năm.

Bên cạnh đó, điểm nổi bật đáng lo ngại là đội ngũ giảng viên có trình độ ngày càng lớn tuổi và dần nghỉ hưu, trong khi đội ngũ giảng viên kế cận chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về chất lượng đào tạo. Số lượng giảng viên được gửi đi đào tạo ở nước ngoài những năm gần đây hạn chế chủ yếu do không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Chương trình giáo dục và các nguồn học liệu còn chậm đổi mới, chưa được bổ sung. Cán bộ quản lý giáo dục chưa được đào tạo bài bản, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số chưa được khai thác hiệu quả vào hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giảng dạy và học tập. Ngân sách sự nghiệp dành cho lĩnh vực đào tạo VHNT có tăng nhưng vẫn thấp so với yêu cầu. Chế độ chính sách đối với giảng viên các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù chưa phù hợp…

 Lễ trao Bằng tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ năm 2021 của Nhạc viện TP.HCM

Cần những giải pháp “căn cơ”

Trong tham luận, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH SKĐA Hà Nội; GS.TS Đào Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL); PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH SKĐA Hà Nội... đã chỉ ra rất nhiều bất cập trong công tác đào tạo sau đại học, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ và đổi mới như: Đề xuất quy chế đặc thù, đổi mới công tác quản lý đào tạo; Hoàn thiện hệ thống chuyên đề, các tài liệu nghiên cứu cho từng mã ngành đào tạo; Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nghiên cứu sinh; Tăng cường đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ học tập cho nghiên cứu sinh...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, BTC đã nhận được 40 báo cáo đánh giá và các tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ sở đào tạo VHNT. Các báo cáo, tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã phản ánh, bổ sung, làm rõ hơn thực trạng hoạt động đào tạo, những khó khăn, vướng mắc chung của hệ thống và của từng lĩnh vực, từng cơ sở đào tạo. Hội thảo cũng đã thống nhất được định hướng, đề xuất giải pháp, những kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với các cơ quan hữu quan. Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại Hội thảo, thể hiện sự thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm đối với công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực VHNT.

Để sớm giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong đào tạo sau đại học lĩnh vực VHNT, Thứ trưởng đề nghị các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu cần rà soát các quy định, quy chế liên quan đến đào tạo sau đại học hiện hành; cập nhật, hoàn thiện hệ thống các quy định đảm bảo hoạt động đúng. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của giảng viên hướng dẫn, chấm luận văn, luận án; nâng cao liêm chính học thuật, trách nhiệm của người hướng dẫn, thành viên Hội đồng đánh giá luận văn, luận án; vừa đảm bảo tính đặc thù, vừa phù hợp với quy định hiện hành. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chương trình, giáo trình và bổ sung các nguồn học liệu đảm bảo theo quy định; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia Việt Nam thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu, đề xuất một số ngành, chuyên ngành vào danh mục ngành đào tạo thí điểm trình độ sau đại học, tiến tới đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội…

Với vai trò là cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong ngành, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Đào tạo cần nghiên cứu, tập hợp các ý kiến để tham mưu với lãnh đạo Bộ đề xuất với các Bộ, ngành liên quan, cụ thể với Bộ GD&ĐT có cơ chế, chính sách và quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công tác đào tạo sau đại học lĩnh vực VHNT đi đúng hướng. Cụ thể như: Quy chế tuyển sinh và tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và các văn bản có liên quan quy định về đào tạo sau đại học lĩnh vực VHNT, đặc biệt là các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách về thu hút, sử dụng để các văn nghệ sĩ tài năng và trí thức, chuyên gia lý luận, phê bình, sáng tác, các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc hoặc có uy tín, tầm ảnh hưởng trong nước, quốc tế phát huy sức sáng tạo tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành…

Việc đào tạo nguồn nhân lực cao cho ngành VHNT còn rất nhiều khó khăn và không thể giải quyết một sớm một chiều. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo VHNT thì đòi hỏi sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của đơn vị chức năng thuộc các Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH... mới có thể tháo gỡ triệt để những bất cập trong công tác đào tạo sau đại học của lĩnh vực VHNT. 

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top