Hạnh phúc ở “Cửa tiệm hạnh phúc”

VHO- Những mảnh vải thừa, vải vụn, rác thải nhựa… tưởng chừng đã vô dụng, sau khi thu gom lại, qua những ý tưởng sáng tạo, bàn tay khéo léo của các chị em khuyết tật đã trở thành những sản phẩm tái chế có tính ứng dụng cao, thẩm mỹ của “Cửa tiệm hạnh phúc”.

Hạnh phúc ở “Cửa tiệm hạnh phúc” - Anh 1
 

Bộ trò chơi Ô ăn quan làm bằng banner và vải thừa được nhiều người khen ngợi bởi sự sáng tạo

 Không chỉ mang lại niềm vui về tinh thần, góp phần bảo vệ môi trường, những sản phẩm này bước đầu đưa ra thị trường đã được nhiều người đón nhận, dành lời khen ngợi vì sự sáng tạo, tính ứng dụng, từ đó giúp các chị em khuyết tật có thêm thu nhập, tạo thêm nguồn sinh kế.

Không đụng hàng

Tại phường Cẩm Nam, TP Hội An (Quảng Nam) có một mô hình mang tên “Cửa tiệm hạnh phúc” do Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật phường phối hợp với Câu lạc bộ Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) sáng lập với mong muốn kết nối, cải thiện kinh tế và thúc đẩy hòa nhập cho các chị em khuyết tật. Mô hình nhận được sự đồng hành của Trung tâm hỗ trợ phát triển Xanh (Greenhub), Trung tâm Nghiên cứu & Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (CORMIS), Phòng TN&MT TP Hội An, Hội LHPN phường Cẩm Nam.

Dù mới thành lập được nửa năm, “Cửa tiệm hạnh phúc” đã đạt được những thành quả ban đầu với mục đích tái chế, biến vải thừa, rác thải nhựa thành những sản phẩm hữu ích, có tính thẩm mỹ cao, qua đó tạo sinh kế cho chị em khuyết tật phường Cẩm Nam. Đặc biệt, sản phẩm trò chơi Ô ăn quan bằng vải thừa từ khách sạn và pano quảng cáo nhận được nhiều sự quan tâm, khen ngợi về sự sáng tạo, tận dụng, tái chế để bảo vệ môi trường và phát huy, giới thiệu được trò chơi dân gian truyền thống. “Vì là sản phẩm được tái chế từ vải thừa, rác thải nhựa, lại sản xuất thủ công nên tính độc đáo, độc nhất, “không đụng hàng” cũng là một ưu thế để sản phẩm của “Cửa tiệm hạnh phúc” được khách hàng ưa thích, lựa chọn”, chị Khánh Trường, một người đang sử dụng bộ túi vải khẩu trang được tái chế từ vải vụn, bao đựng gạo của cửa tiệm nhận xét.

Nhóm có khoảng 10 thành viên, đều là người khuyết tật, sau khi thu gom rác thải nhựa, vải thừa, các chị em cùng nhau học hỏi, hướng dẫn, tạo ra những sản phẩm tái chế có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao như túi xách, túi đi chợ, khẩu trang, tạp dề, kẹp tóc, sổ tay, đế lót ly, con thú bằng vải, bộ chơi Ô ăn quan… Không chỉ mang lại niềm vui về tinh thần, góp phần bảo vệ môi trường, những sản phẩm này bước đầu đưa ra thị trường đã được nhiều người đón nhận, dành lời khen ngợi vì sự sáng tạo, tính ứng dụng, từ đó giúp các chị em khuyết tật có thêm thu nhập, tạo thêm nguồn sinh kế lâu dài. Mô hình cũng góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, chung tay cùng TP Hội An hướng tới xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Tính ứng dụng cao

Từ tháng 9. 2022 đến nay, mô hình đã tái chế được hơn 500 kg vải thừa và 200kg banner nhựa trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, rác thải nhựa được quay lại cuộc sống với một diện mạo đẹp đẽ hơn và mang lại một khoản thu nhập cho các thành viên.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, thành viên mô hình chia sẻ, “Cửa tiệm hạnh phúc” là một mô hình có ý nghĩa to lớn với bản thân chị. Từ ngày tham gia, chị có thêm được nhiều chị em cùng hoàn cảnh, động viên nhau để vươn lên trong cuộc sống. Mô hình cũng giúp chị có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, có cơ hội để tham gia vào nhiều hoạt động giúp chị cảm thấy tự tin hơn ở bản thân mình. “Trước đây tôi là người sống khá khép kín. Nhờ có các chị em trong “Cửa tiệm hạnh phúc” mà tôi đã ngày càng mạnh dạn và yêu đời hơn. Tôi kiếm tiền từ chính sức lao động của mình, việc làm của tôi còn giúp giảm thiểu rác nhựa, bảo vệ môi trường. Hy vọng mô hình có thể phát triển và mở rộng trong tương lai để các nhóm yếu thế trong xã hội được cải thiện về kinh tế, cuộc sống và hòa nhập hơn”, chị Ngọc tâm sự.

Bà Đỗ Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cẩm Nam chia sẻ, tại phường Cẩm Nam, mô hình “Cửa tiệm hạnh phúc” được biết đến là mô hình kinh doanh tái chế tiêu biểu. Các thành viên của mô hình đều là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khiếm khuyết cơ thể. Tuy nhiên, họ vẫn miệt mài và đam mê với công việc tái chế. Công việc này giúp họ được chủ động trong việc tìm kiếm nguyên liệu, thời gian và vẫn đảm bảo sức khoẻ cho các thành viên. Từ việc sản xuất và buôn bán các sản phẩm tái chế, họ có được một phần thu nhập giúp trang trải cuộc sống. Quan trọng nhất là giá trị về môi trường và những thông điệp tích cực về môi trường, cuộc sống mà các thành viên “Cửa tiệm hạnh phúc” truyền tải. “Hội sẽ luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ quảng bá “Cửa tiệm hạnh phúc”, tìm kiếm mở rộng đầu vào và nguyên liệu tái chế, ý tưởng để các chị em ở cửa tiệm tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo. Phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sống hạnh phúc, giúp các chị em hội viên khuyết tật được sống là chính mình” bà Thảo cho biết. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc