Đừng để bạo lực học đường là nỗi ám ảnh đối với học sinh

VHO- Ngày 9.2 vừa qua, đoạn clip dài hơn 1 phút quay lại cảnh một nữ sinh bị hai nữ sinh khác túm tóc, dùng chân đạp liên tiếp vào người, đầu, mặt được đăng tải trên mạng xã hội. Qua tìm hiểu được biết, nhóm nữ sinh đánh bạn là học sinh lớp 7, trường THCS Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai, Nghệ An. Cũng trong ngày này, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một nữ sinh dùng tay túm tóc, tát, đánh liên tiếp vào đầu một bạn nữ trong nhà vệ sinh. Nữ sinh bị đánh chỉ biết ngồi ôm đầu “chịu trận”. Sự việc xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.

Đừng để bạo lực học đường là nỗi ám ảnh đối với học sinh - Anh 1

 Nữ sinh bị bạn lột áo, đánh đập dã man giữa đường (Ảnh chụp lại từ video clip)

Hai vụ bạo lực học đường diễn ra trong cùng một ngày đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho phụ huynh, học sinh và toàn xã hội về sự bất an, lo lắng đối với vấn nạn nghiêm trọng này. Đây không chỉ đơn thuần là mâu thuẫn nội bộ của những học sinh cùng lớp hoặc cùng trường mà còn có cả những học sinh đã bỏ học, đối tượng bên ngoài. Nhiều vụ việc bạo lực xảy ra có sử dụng các loại hung khí nguy hiểm gây thương tích cho các em, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhiều học sinh. Do tâm sinh lý các em phát triển chưa ổn định, nên có thể sẽ nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường ở nhiều khía cạnh khác nhau, có em thì chủ động ghi lại cảnh ẩu đả, có em thì tung lên mạng xã hội để chia sẻ, bình luận một cách hả hê, có em lại đứng nhìn một cách vô cảm, có em thì hùa vào để kích động, cổ súy… Và đa số các em còn lại thì cảm thấy bất an, không yên tâm khi đến trường… dẫn đến học hành sa sút.

Đối với nhà trường, bạo lực học đường xảy ra nguyên nhân một phần xuất phát từ việc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý; việc nắm bắt tình hình, tư tưởng của học sinh chưa tốt, chưa phát huy được vai trò của ban cán sự lớp, ban đại diện phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện mâu thuẫn, xích mích để chủ động xử lý kịp thời. Lực lượng bảo vệ trường học thì còn mỏng, thiếu và yếu, chủ yếu là hợp đồng thời vụ với những người lớn tuổi, thiếu chuyên nghiệp; công tác giáo dục, tư vấn tâm lý học sinh trong trường học chưa phát huy hiệu quả…

Đối với những học sinh có hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng thì phải có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, cần hạn chế kỷ luật buộc thôi học đối với các em, vì đây chưa phải là biện pháp giáo dục tốt nhất, nếu không thận trọng có thể làm thay đổi cuộc đời các em theo chiều hướng tiêu cực. Thay vào đó, nên tích cực giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện để các em tự nhận ra và khắc phục lỗi lầm của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với phụ huynh để tăng cường biện pháp quản lý, nhắc nhở, nhất là giải pháp tư vấn tâm lý để có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em. Mặt khác, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác… Đặc biệt, cần phải giáo dục, hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, trách nhiệm nhằm góp phần ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường có thể xảy ra. 

ĐỖ VĂN NHÂN

=

Ý kiến bạn đọc