Chợ phiên

VHO- “Chợ phiên” là hình thức sinh hoạt cộng đồng lâu đời của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Ở nông thôn nhiều vùng bây giờ vẫn còn duy trì những phiên chợ như thế. Dù khu vực họp chợ đã được quy hoạch ở một chỗ cố định thì những ngày không phải phiên chợ cũng chẳng ai héo lánh đến đấy làm gì.

Chợ phiên - Anh 1

 Quang cảnh ở chợ Bưởi vào một ngày phiên, tháng 5.1926. Chợ họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24 và 29 âm lịch hằng tháng và vẫn được duy trì đến nay (ảnh tư liệu)

Chợ ở Hà Nội ban đầu cũng họp theo thể thức chợ phiên. Dần dà, sức mua bán của dân phố tăng lên mới có những quầy hàng cố định bán mua quanh năm. Tuy nhiên, đông vui nhất vẫn là những ngày có phiên chợ.

Hà Nội ngày trước có hai ngôi chợ vẫn duy trì họp phiên cho đến tận thập niên 80 của thế kỷ trước. Đó là chợ Mơ và chợ Bưởi. Hai ngôi chợ này có vị trí nằm ở giáp ngoại ô thành phố. Nó như dấu gạch nối giữa nông thôn với thành thị. Dân phố đều biết rằng, muốn mua được những sản vật nông thôn thì hai ngôi chợ này là rẻ và dễ dàng nhất.

Ngày 2, ngày 7 là phiên chợ Mơ. Rau quả thịt cá từ các vùng phía Nam mang lên bày kín cả ra mặt đường Bạch Mai từ lúc còn tối đất. Bán mua thầm lặng mà quyết liệt trong ánh đèn dầu cầm tay chao đảo. Đây là lúc những tiểu thương ở các ngôi chợ trong phố ra cất hàng về bán. Kể cả những tiểu thương có quầy hàng cố định trong chợ Mơ cũng mua hàng vào giờ này. Bán mua nhộn nhịp như thế chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ là vãn. Vài bà nội trợ đảm đang trong những con phố gần đấy cũng thường ra chợ phiên. Nó rẻ mà tươi ngon hơn hẳn mua trong chợ.

Sau những năm 80, nhu cầu mua bán của dân phố tăng lên khá nhiều. Phiên chợ không còn đáp ứng đủ nữa. Bóng dáng của phiên chợ Mơ thay đổi toàn diện. Chợ sớm họp đủ cả 7 buổi sáng trong tuần cho đến tận ngày người ta giải tỏa toàn bộ chợ cũ. Giờ thì chợ Mơ vẫn giữ tên cũ nhưng thay vào đó là một tòa building cao ngất, lắp kính xanh lè. Bên trong bán mua thế nào cũng ít người biết. Nếu chỉ đi qua mặt chợ thì mười người có đến chín tin rằng nó sẽ giống như một Trung tâm thương mại. Mà nếu như thế thì trung tâm thương mại trong phố và ở các khu chung cư cao tầng thiếu gì. Không nhất thiết phải vào chợ Mơ.

Ngày 4, ngày 9 là phiên chợ Bưởi. Chẳng biết như thế đã mấy trăm năm rồi? Chợ đã bao lần xây cất lại? Không ai nhớ. Lịch sử cũng bỏ quên như đã từng bỏ quên rất nhiều ngôi chợ, nếu như nó không gắn liền với một sự kiện nào đó. Cuộc chiến tranh gần đây nhất đã một lần đến sát cạnh chợ Bưởi. Ấy là đêm hôm 26.12.1972. Chiếc máy bay B52 của không lực Mỹ rơi xuống làng Ngọc Hà. Đường chim bay chỉ cách chợ không đầy một cây số. Ngôi làng Ngọc Hà với mảnh xác “pháo đài bay” B52 trên hồ nước cho đến bây giờ vẫn là một niềm tự hào. Cho dù nó đã từng là một tai họa với dân làng vào cái đêm hôm ấy. Họa sĩ Mai Long mỗi khi chỉ đường cho bạn bè khách khứa vào nhà vẫn lấy chỗ máy bay rơi làm mốc: “Cứ đến hồ nước có xác máy bay B52, rẽ phải một trăm mét là vào nhà tớ!”.

Chợ phiên - Anh 2

 Tới giờ, phiên chợ Bưởi vẫn còn bán các loại con giống

Từ ngày những vùng đất trải dài từ Nhật Tân, Nghĩa Đô đến Dịch Vọng, Mỹ Đình nhập vào Thủ đô, tạo nên vài quận mới nội thành, chợ Bưởi bỗng dưng lọt thỏm vào ồn ào náo nhiệt bán mua phố phường. Không còn đông đúc theo phiên nữa. Khu chợ chính lèo tèo mái lá xưa kia được thay bằng một kiến trúc bề thế ngăn nắp rười rượi màu sơn xanh vỏ bưởi. Trông cũng khí ngại!

Nhưng chợ Bưởi trong lòng dân phố thì vẫn chưa theo kịp với lối “họp hành” hiện đại văn minh thương mại ấy. Cứ ngày 4, ngày 9 vẫn vui chân lên chợ. Tết còn có thêm phiên Rằm. Chợ phiên ấy không còn nằm gọn trong khuôn viên chợ Bưởi nữa.

Chợ phiên trên phố, kỳ lạ thay, bây giờ còn tấp nập hơn trước nhiều, dù phiên chợ nào cũng có lực lượng trật tự hết lòng vì nhiệm vụ. Đuổi đâu chạy đấy. Như vết dầu loang, nó trải dài suốt con phố Hoàng Hoa Thám. Con đường huyết mạch từ mấy quận mới vào nội thành lúc nào cũng có nguy cơ ùn tắc. Cây cảnh, cá cảnh, chim cảnh không còn là độc quyền của những cửa hàng mặt phố. Những người bán dạo tập trung nhau đúng phiên chợ mà bán những thứ do chính mình làm ra hoặc cất buôn từ những vườn cảnh quanh thành phố. Những khóm hoa nhài, hoa râm bụt được chằng buộc bằng những bàn tay lành nghề hẳn là rất yêu quý sản phẩm của mình và đầy lương tâm trách nhiệm với cỏ cây. Những con cá vàng sư tử vùng vẫy trong chậu thau ục ịch như đàn lợn đói dường như chưa kịp thích nghi với môi trường chật chội cảnh vẻ. Những con chim họa mi mộc mới mang từ rừng núi về còn nhát sợ rúc lồng đến vỡ mũi. Người mua hồ hởi như được lộc, dù rằng những thứ chim hoa cá như vậy không phải ai cũng đủ tay nghề chăm sóc. Nhưng cũng chả cần. Năm ngày nữa lại có phiên chợ...

Một buổi chiều muộn tháng 7 năm 2000, tôi ghé vào thăm khu chợ họp trên con phố sau lưng bảo tàng Louvre ở Thủ đô Paris nước Pháp. Xập xệ những ô những dù. Mùi xúc xích tỏi hong khói, mùi pho-mát Camembeur, mùi rượu vang đóng trong bịch giấy trộn lẫn mùi thuốc lá hút bằng tẩu gỗ cay xè giữa đô thị phồn hoa bậc nhất châu Âu. Chợt gặp ở đấy một cô gái Việt còn rất trẻ đứng bán hàng. Quầy hàng của cô có những mảnh thổ cẩm, vài cây sáo trúc, mấy chiếc lọ sơn mài và những con tò he bằng sứ. Nét mặt cô gái tần tảo không khác gì ở quê nhà. Thậm chí hao hao những cô gái bán cây ở phiên chợ Bưởi. Có khác chăng chỉ ở mớ hàng hóa của cô hoàn toàn là đồ mỹ nghệ. Người Việt trong nước không dùng những thứ ấy.

Hỏi ra mới biết, đó cũng là một chợ phiên từ mấy thế kỷ nay rồi. Mặc cho chiến tranh, thiên tai và những thay đổi thần tốc về lối sống của một xã hội công nghiệp, chợ phiên vẫn tồn tại ở nhiều thành phố lớn châu Âu. Chẳng cứ gì Paris.

Vạn dặm xa vẫn là những phiên chợ quê mùa ấm áp hình như đã làm cho con người đủ tự tin và nghị lực để sống ở nơi lạ lẫm? Là cứ phân vân như thế... 

ĐỖ PHẤN

Ý kiến bạn đọc