Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Những bài toán của ngành xuất bản

Thứ Hai 20/02/2023 | 10:08 GMT+7

VHO- “Khi nhìn vào sự phát triển của ngành xuất bản, nhận thấy vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững, trong đó có 4 bài toán cần được suy nghĩ để tìm hướng giải quyết”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 do Bộ TT&TT phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tại TP.HCM mới đây.

 Doanh thu ngành xuất bản năm 2022 đạt kết quả đáng khích lệ

 Tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã đưa ra “bức tranh” tổng quan về ngành xuất bản trong năm qua.

Thúc đẩy hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức một cách tự nhiên

Năm 2022 được đánh giá là năm tình hình thế giới biến động phức tạp, dẫn đến nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các nhà xuất bản (NXB) đã rất nỗ lực giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, biến thách thức thành động lực để triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng. Tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đều tăng. Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỉ đồng (tăng 33,3% so với cùng kỳ); lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm (tăng 47,3%), trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên; 2,98 bản là các loại sách khác. Có 5 NXB có doanh thu đạt trên 100 tỉ đồng; 3 NXB doanh thu trong khoảng 50-100 tỉ đồng, 27 NXB doanh thu trong khoảng 1-10 tỉ đồng…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, cơ cấu tỉ lệ sách hiện nay chiếm số lượng lớn là sách giáo khoa, sách hỗ trợ cho người học, đó còn chưa kể sách tham khảo khác chiếm tỉ lệ không nhỏ…, do vậy bài toán đầu tiên là ngành xuất bản và những người làm xuất bản cần thúc đẩy hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức một cách tự nhiên chứ không chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc. Bài toán thứ hai nằm ở doanh thu lợi nhuận NXB còn thấp so với kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, tuy có sự tăng trưởng rất mạnh về năng lực sản xuất, nhưng quy mô, doanh thu và lợi nhuận của các NXB tăng chưa tương xứng. Mức vốn của phần lớn các NXB còn thấp, thậm chí có NXB không có nổi một đồng vốn. Điều này không chỉ thể hiện sự bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn thể hiện những bất cập trong mô hình liên kết xuất bản. Một số NXB còn lượng sách tồn kho nhiều hoặc gặp khó khăn trong việc khai thác bản thảo. Sách có giá trị và có sức lan tỏa ít, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ. Vẫn còn xuất hiện xuất bản phẩm có nội dung sai sót, vi phạm, buộc phải sửa chữa hoặc bị các cơ quan chức năng xử lý…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nội dung số và ứng dụng công nghệ để tiếp cận với đối tượng độc giả trẻ. Đây là bài toán thứ ba mà những người làm xuất bản cần quan tâm. Ngành xuất bản cần tiếp cận thế hệ độc giả, thế hệ gen Z khi thói quen đọc đã thay đổi, đặc biệt là hành vi đọc, xem, nghe với những nền tảng số. Vì thế, các nhà quản lý cũng cần đo đếm được thời gian nghe -đọc của người dân để từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp.

Cuối cùng là bài toán nhân lực. Theo dự đoán, năm 2023 sẽ chứng kiến một sự chuyển biến nhân lực, đặt ra thách thức lớn cho sự phát triển ổn định của ngành xuất bản.

 Mô hình Đường sách, Cà phê sách là những điểm sáng văn hóa trên địa bàn TP.HCM

Lúng túng trong việc tìm ra mô hình phù hợp

Chia sẻ những khó khăn, bất cập trong công tác xuất bản, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho hay, các đơn vị xuất bản đang lúng túng để tìm ra mô hình tổ chức và hoạt động thích hợp để đáp ứng với điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ số đã đặt ra yêu cầu cho mỗi NXB phải phát triển đội ngũ cán bộ, đầu tư trang thiết bị máy móc và ứng dụng công nghệ hiện đại. “Việc bảo vệ bản quyền của các bản sách nói chung và các bản dịch của sách tinh gọn, sách thường thức nói riêng đang là câu chuyện nan giải. Thực tế cho thấy, những loại sách này rất dễ bị in lậu và dễ bị vi phạm bản quyền tác giả. Nếu như không có các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để bảo mật, nội dung sách rất dễ bị sao chép và đánh cắp, tác phẩm cắt ghép làm sai lệch tư duy và tác động xấu đến dư luận xã hội”, bà Hoài Anh chia sẻ và kiến nghị cần xây dựng môi trường pháp lý cho việc phát triển sách tinh gọn và bảo vệ quyền tác giả; xây dựng các phần mềm tạo lập và tích hợp, phần mềm biên tập, duyệt bản thảo, thiết kế các bảng in ấn và truyền thông phát hành sách, phần mềm xuất bản sách điện tử đa phương tiện…

Cạnh đó, cần đổi mới các phương thức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, biên tập viên và phát hành sách nhằm đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cũng cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhưng đâu đó còn lúng túng. “Chúng ta đang lúng túng từ cơ quan quản lý nhà nước đến các đơn vị xuất bản, phát hành và lúng túng cả về công nghệ, vốn và giải pháp… do đó rất cần sự định hướng mang tầm quốc gia cho tổng thể thì tốc độ đi của ngành sẽ nhanh hơn”, ông Thắng tâm tư.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) bày tỏ băn khoăn: Hiện nay sách xuất bản rất nhiều nhưng sách đỉnh cao còn quá ít. Trong khi đó, sách giải trí đơn thuần, chạy theo thị hiếu thị trường thì “sinh sôi” mạnh, đặc biệt là các loại sách về bói toán, phong thủy, ngôn tình “nở rộ” trong mùa Tết vừa qua. “Tôi nhận thấy các NXB hiện nay có dấu hiệu vừa thừa, vừa thiếu, vừa trùng lặp về mặt chức năng nghiệp vụ và nội dung…”, chuyên gia nhấn mạnh và đề nghị cần nghiên cứu lại hệ thống các NXB để đáp ứng sự phát triển mới, thành lập các tổ nghiên cứu về xuất bản hiện đại…

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nói, năm 2023, các đơn vị xuất bản cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, các thể loại sách chính trị, lịch sử, chủ quyền biển đảo... Các NXB cần tập trung phát triển chuyên ngành, chuyên sâu, phát huy được sức mạnh của từng đơn vị, đổi mới tư duy. “Năm 2023 cũng là một năm quan trọng để hoàn thiện các văn bản pháp lý, đặc biệt là Luật xuất bản. Trong tình hình mới, nhiệm vụ, sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi người làm xuất bản lại được đặt thêm những trọng trách. Quyền hạn, trách nhiệm của từng ban biên tập, giám đốc NXB là phải hòa vào dòng chảy, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”, ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh. 

 

Đề xuất TP.HCM trở thành “Thủ đô Sách Thế giới”

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, TP.HCM sẽ nghiên cứu các tiêu chí của danh hiệu “Thủ đô Sách Thế giới” do UNESCO trao tặng để có thể tiệm cận và là điểm sáng cho sự phát triển văn hóa đọc. Theo ông, đây là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong thời gian tới. Ông Lâm Đình Thắng cũng đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT có nghiên cứu, định hướng cho TP.HCM về việc đăng ký đạt danh hiệu “Thủ đô Sách Thế giới” vào năm 2025. Quá trình đạt được danh hiệu này sẽ thúc đẩy ngành xuất bản và văn hóa đọc của TP.HCM phát triển mạnh mẽ. “Có thể đến thời điểm đó đăng ký không thành công, nhưng quá trình thực hiện để đạt danh hiệu sẽ thúc đẩy cả ngành xuất bản, giúp nâng tầm văn hóa đọc của thành phố lên biết bao lần”, ông Lâm Đình Thắng bày tỏ.

Ý kiến của ông Lâm Đình Thắng về việc xây dựng TP.HCM trở thành “Thủ đô Sách Thế giới” được Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đặc biệt ủng hộ. Ông Lâm khẳng định: “Chúng tôi rất ủng hộ sáng kiến đề nghị UNESCO công nhận TP.HCM trở thành Thủ đô sách thế giới. Đây là một ý kiến rất tốt. Ban Tuyên giáo chắc chắn ủng hộ. Sở cần bàn với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy để đưa ra một đề xuất cụ thể, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ”.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, từ năm 2015-2021, bình quân mỗi năm TP.HCM đã xuất bản, phát hành xấp xỉ 15.000 tựa sách với hơn 2 triệu bản và tăng dần theo mỗi năm, tốc độ gia tăng hằng năm khoảng 10%. Hiện TP có hơn 141 đơn vị phát hành, gần 1.000 cửa hàng sách tư nhân, hệ thống thư viện rộng khắp, phân bổ trên địa bàn cơ sở, địa phương với 1.509 thư viện… Cạnh đó, Thành phố còn có những mô hình, địa điểm, công trình văn hóa gắn liền với văn hóa đọc. Những con đường sách, công viên sách, cà phê sách là “điểm tựa, nét son” và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hạ tầng của ngành xuất bản và phát hành của TP.

T.TRANG - H.HẠNH - H.DIỆU - K.NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top