Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32: Khó khăn và thách thức (Bài cuối): Phấn đấu hết mình vì màu cờ sắc áo

VHO- Chỉ hơn 2 tháng nữa Thể thao Việt Nam sẽ bước vào những ngày tranh tài tại Đại hội thể thao lớn nhất khu vực - SEA Games 32. Sau một kỳ Đại hội thành công trên sân nhà, chúng ta chuẩn bị bước vào một kỳ Đại hội dự báo sẽ có nhiều khó khăn, đòi hỏi phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa.

Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32: Khó khăn và thách thức (Bài cuối): Phấn đấu hết mình vì màu cờ sắc áo - Anh 1

 Những môn có cơ hội giành huy chương tại SEA Games 32 sẽ được đầu tư trọng điểm Ảnh: TRẦN HUẤN

 Sức ép đến từ các đối thủ

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, tại SEA Games 32 nước chủ nhà không tổ chức một số môn thể thao Olympic như Bắn súng, Bắn cung, Đua thuyền (Rowing, Canoeing). Đây là những môn thể thao Olympic cơ bản và cũng là những môn trọng điểm, thế mạnh của Việt Nam. Chưa kể các môn Asian Games và các môn thuộc nhóm 3 theo điều luật của Hội đồng thể thao khu vực. Bên cạnh đó, nhiều nội dung thế mạnh của Thể thao Việt Nam bị loại, khống chế số lượng thi đấu.

Như Văn Hóa đã phân tích, sự thành công của SEA Games 31 đến từ một phần nguyên nhân là chúng ta sớm khống chế được đại dịch nên các VĐV có sự tập luyện, chuẩn bị tốt hơn các nước. Nhưng nay tình hình đã khác, các nước đều đã có sự chuẩn bị tốt cho Đại hội trong đó Indonesia xác định việc tham dự và giành thành tích cao tại các kỳ SEA Games là nhiệm vụ trọng tâm nên đã cử số lượng lớn VĐV. Trước đây, Campuchia chưa được lọt vào tốp các nước mạnh nhưng giờ với lợi thế sân nhà và chương trình thi đấu thuận lợi, họ đã có sự chuẩn bị tốt và đặt quyết tâm cao tại kỳ Đại hội này. Đó sẽ là khó khăn cho các nước muốn có mặt trong tốp đầu của Đại hội trong đó có Việt Nam.

Về mặt thành tích, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines mạnh về các môn Olympic, Asian Games. Họ từng có huy chương Olympic ở các môn: Boxing, Cử tạ, Cầu lông, Bơi, Taekwondo… Cùng với đó nhiều nước láng giềng có sự đầu tư cho các môn trọng điểm và hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ, chăm sóc y học, chữa trị và hồi phục chấn thương, chế độ dinh dưỡng, ứng dụng khoa học, chế độ đãi ngộ tốt hơn chúng ta… nên sự phát triển của thể thao các nước như Thái Lan, Singapore được đánh giá là bền vững hơn Thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, Thể thao Việt Nam cũng có những lợi thế tại kỳ SEA Games này. Đó là sự quan tâm ngày càng lớn của Chính phủ, các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là sau thành công của SEA Games 31. Hiện việc tập luyện của các vận động viên đang được kế thừa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của SEA Games 31 nên các điều kiện tốt hơn trước. Để chuẩn bị chu đáo nhất cho SEA Games 32, Tổng cục TDTT đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngay sau khi kết thúc SEA Games 31, thông qua việc xác định các môn, nội dung có khả giành huy chương, các bộ phận chuyên môn đã tiến hành tuyển chọn vận động viên, tìm các huấn luyện viên giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; thành lập Hội đồng tuyển chọn, kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn.

Tiến hành hàng loạt giải pháp đồng bộ

Chuẩn bị cho SEA Games 32 và những nhiệm vụ liên thông, các đội tuyển quốc gia đã được tập trung tại 5 địa điểm là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội với 800 vận động viên, 160 huấn luyện viên, 12 chuyên gia. Trung tâm HLTTQG TP.HCM 586 vận động viên, 121 huấn luyện viên, 2 chuyên gia. Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng 258 vận động viên, 58 huấn luyện viên, 2 chuyên gia. Trung tâm HLTTQG Cần Thơ 33 vận động viên, 9 huấn luyện viên, 1 chuyên gia. Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh 47 vận động viên, 10 huấn luyện viên.

Về tập huấn nước ngoài, các bộ môn cũng đã xây dựng kế hoạch, trong đó lựa chọn các nước có nền thể thao phát triển, có truyền thống và đảm bảo tốt mọi điều kiện cho các đội tuyển tập luyện nâng cao thành tích như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary. Nhằm tạo điều kiện cho các VĐV được thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn, có khoảng 200 cuộc thi đấu trong nước đã được tổ chức. Thể thao Việt Nam cũng lựa chọn và thuê chuyên gia có trình độ cao cho một số môn, nội dung có khả năng giành huy chương, nhất là huy chương vàng, như Bóng đá, Điền kinh, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Taekwondo, Boxing nữ, Karatedo, Đấu kiếm, Judo, Wushu... Và đặc biệt là ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện và đào tạo nhằm nâng cao thành tích cho VĐV như giải pháp về chuyên môn; giải pháp về y sinh học; giải pháp về tâm lý - giáo dục; giải pháp về hồi phục; giải pháp về dinh dưỡng; kỹ thuật; giải pháp về quản lý.

“Tổng cục TDTT cũng yêu cầu các Trung tâm HLTTQG tạo môi trường tốt nhất trong tập luyện và sinh hoạt, tạo bầu không khí thi đua hứng khởi để các VĐV tập luyện chuẩn bị cho Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực. Khó khăn của Đoàn thể thao Việt Nam cũng là khó khăn chung của các quốc gia tham dự vì vậy chúng tôi xác định sẽ nỗ lực vượt qua chính mình, phấn đấu đạt thành tích cao nhất, các VĐV cũng phải đặt mục tiêu cao nhất là cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Từ đó đóng góp vào thành công của Đại hội thể thao khu vực với mục tiêu là hướng tới sự hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực ASEAN”, ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I - Tổng cục TDTT Hoàng Quốc Vinh cho biết, để giúp các VĐV có thể làm quen được với khí hậu, thời tiết tại Campuchia, Tổng cục TDTT đưa các đội tuyển đi tập huấn tại các địa điểm có khí hậu tương tự như TP.HCM hay Mũi Né… “Còn hơn 2 tháng nữa là đến SEA Games 32. Trong khi đó đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho Asian Games, vòng loại Olympic. Vì vậy chúng tôi sẽ phải tính toán lực lượng sao cho có thể vừa làm nhiệm vụ tại Vòng loại Olympic vừa thi đấu tốt ở SEA Games. Muốn vậy ban huấn luyện các đội phải điều chỉnh điểm rơi phong độ của các VĐV sao cho có thể hoàn thành được cả hai nhiệm vụ. Đây cũng là việc không dễ trong công tác huấn luyện. Ngoài ra chúng ta phải tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm các chuyên gia trong công tác huấn luyện cũng như lên kế hoạch để các đội tập huấn nước ngoài tại những quốc gia mạnh. Hiện một số chuyên gia đang xây dựng kế hoạch tập huấn ngắn ngày như đội Judo tập huấn tại Mông Cổ khoảng 20 ngày, đội Taekwondo tập huấn tại Hàn Quốc khoảng 1 tháng. Chúng tôi cũng đã mời chuyên gia người Philippines cho đội Arnis. Khi chuyên gia sang sẽ mang thêm dụng cụ, trang thiết bị cho đội tập luyện. Ngoài ra chúng ta cũng chuẩn bị thật tốt cho các trọng tài quốc tế người Việt Nam được bạn mời sang làm việc, chuẩn bị các khâu về hậu cần, từ đường bay, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, chuyên gia phục hồi… đi theo Đoàn để chăm sóc các VĐV trong suốt quãng thời gian thi đấu tại Đại hội”, ông Vinh cho biết.

Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu đặt ra tại Đại hội với việc có mặt trong tốp 3 và giành khoảng 100 huy chương vàng, mang về niềm vui, lòng tự hào cho người hâm mộ. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc