Để văn hóa ứng xử của nghệ sĩ  xứng với niềm tin, kỳ vọng

VHO- Hội thảo với chủ đề “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng” của Hội Sân khấu Hà Nội vừa diễn ra tại Hà Nội đã ghi nhận nhiều chia sẻ tâm huyết nhằm tìm ra các giải pháp xây dựng hình ảnh đẹp của nghệ sĩ, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của công chúng.

Để văn hóa ứng xử của nghệ sĩ  xứng với niềm tin, kỳ vọng - Anh 1

 Nghệ sĩ là chiến sĩ, sân bệnh viện dã chiến là sân khấu - hình ảnh đẹp của các nghệ sĩ biểu diễn cổ vũ y, bác sĩ và bệnh nhân Covid-19 tại khu Bệnh viện Dã chiến số 3 và số 6 thành phố Thủ Đức, TP.HCM (tháng 8.2021) Ảnh: N.K

Lợi dụng danh tiếng bất chấp tai tiếng

Để xây dựng hình ảnh một người nghệ sĩ tài năng, chân chính không phải trong phút chốc mà đó là cả một chặng đường dài. Nghệ sĩ nổi tiếng đồng nghĩa với việc số lượng người hâm mộ lớn, tầm ảnh hưởng xã hội sâu rộng. Khán giả sẵn sàng tin tưởng vào những thông tin, sản phẩm do nghệ sĩ chia sẻ. Đây là vinh dự, sự tự hào về vị trí người nghệ sĩ trong lòng khán giả nhưng đồng thời cũng là áp lực để họ luôn đặt trách nghiệm với mỗi hành động của mình. Nhiều nghệ sĩ chỉ một vài lần đem đến cho khán giả trải nghiệm thất vọng, hình ảnh gây dựng trước giờ sẽ bỗng “bay hơi”.

Nhà văn Nguyễn Hiếu chua xót khi danh xưng nghệ sĩ thường gắn với ốm đau, sầu não, bệnh tật. Bởi vậy mà một bài báo đưa khá hài hước: “Có nghệ sĩ mặt hồng hào, tươi tắn nhưng buổi sáng thì nhăn nhó vì quảng cáo thuốc trĩ, đến chiều lại chớp chớp mắt quảng cáo thuốc đau mắt. Mà thuốc nào nghệ sĩ này quảng cáo cũng cam đoan chỉ một liệu trình là khỏi hẳn”. Tác giả Nguyễn Minh Nguyệt chia sẻ: “Một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ, diễn viên, người đẹp, ca sĩ còn dùng danh tiếng của mình để quảng cáo sản phẩm. Trang cá nhân của các nghệ sĩ được biến thành nơi bán hàng, quảng cáo sản phẩm giảm cân, dưỡng da, dưỡng tóc, phẫu thuật thẩm mỹ,.. với những lời cam kết chất lượng “chắc như đinh đóng cột” trong khi chất lượng không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng. Chỉ đến khi các nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi thì dư luận mới “té ngửa” về chất lượng sản phẩm, “tiền mất, tật mang”.

Người nghệ sĩ kiếm tiền bằng chính sự nổi tiếng của mình không sai bởi đó là mồ hôi, công sức gây dựng của họ qua nhiều năm. Nhưng không thể chấp nhận vì tiền mà quảng cáo các sản phẩm không đúng sự thật. TS. Cao Ngọc nhận định: “Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, là hành vi lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Những nghệ sĩ này vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông”.

Nghệ sĩ và những phát ngôn “lệch chuẩn”

Nhiều nghệ sĩ đã từng “vạ miệng” khi phát ngôn về một vấn đề nào đó không phải một vấn đề mới mà nó đã tồn tại từ lâu. Nhưng thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, chuyện phát ngôn gây “sốc” của giới nghệ sĩ một lần nữa lại “bùng nổ”. Bàn về nguyên nhân khiến người nghệ sĩ mắc bệnh “ngôi sao”, có những lời nói “lệch chuẩn”, tác giả Hoàng Thanh Du bày tỏ: “Có 3 nguyên nhân nổi bật. Thứ nhất, xuất phát từ bản tính nghệ sĩ. Cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ rất lớn, và điều này đôi khi dẫn đến việc họ thể hiện bản thân mình nhiều hơn. Thứ hai, xuất phát từ việc nghệ sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử trên môi trường xã hội, quên hoặc không học đại cương “đạo đức diễn viên”, chưa quán triệt, thậm chí chưa đọc Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ VHTTDL đã ban hành. Thứ ba, một số rất ít nghệ sĩ muốn lợi dụng câu chuyện này để tạo ra sự quan tâm, gây chú ý nhiều hơn. Họ muốn gây dựng tên tuổi bằng scandal, phát ngôn gây sốc…”.

NSND Thanh Trầm cho rằng với nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường như một status, comment, hình ảnh đăng tải trên trang cá nhân, có thể tạo ra hiệu ứng xã hội rất lớn. Chỉ vì “lỡ lời”, “vạ miệng”, viết những câu từ thiếu văn hóa, đụng chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, cộng đồng mạng sẵn sàng “dậy sóng”, tẩy chay nghệ sĩ. Những lời bình luận có nội dung thô tục của một người nghệ sĩ gạo cội trên Facebook cá nhân thời gian qua không chỉ gây bức xúc xã hội mà hậu quả của nó là đánh mất niềm tin của công chúng vào những giá trị họ vốn tôn thờ.

Cần có những hình thức xử lý với nghệ sĩ “lệch chuẩn”

Tác giả Hoàng Thanh Du đặt vấn đề: “Chúng ta cần phải cụ thể hóa hơn nữa, không chỉ các tiêu chí xét tặng mà còn phải có chế tài quy định kỷ luật tước danh hiệu nghệ sĩ. Chúng ta đã có một Hội đồng xét tặng từ cấp cơ sở thì sao không có một Hội đồng kỷ luật cũng từ cấp cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ?”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các nghệ sĩ cũng phải tự ý thức, không ngừng trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người nghệ sĩ. Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đây là cơ sở để các nghệ sĩ tự soi, tự sửa. Mặt khác, các ban, ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn từ trung ương tới các địa phương cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chương trình biểu diễn, kịp thời chấn chỉnh những hiện tượng “lệch chuẩn”.

Nghệ sĩ hài Kim Xuyến có phần tiếc nuối khi cho rằng các gương mặt tham dự hội thảo đều là những nghệ sĩ được coi là “chuẩn mực” không xảy ra những vụ scandal, giá như hội thảo tập hợp được nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia thì hiệu quả và mức độ lan toả sẽ còn gia tăng khi đối tượng cần nghe hơn cả chính là lớp nghệ sĩ trẻ, họ cần có nhận thức đúng về trách nhiệm trước công chúng.

Nghệ sĩ là những “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Cũng bởi thế để tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trau dồi và hoàn thiện bản thân; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết. Đó là những giải pháp đã được nhiều đại biểu đề xuất trong hội thảo.

Trong bối cảnh mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với những người hâm mộ. “Nghệ sĩ có một vai trò rất quan trọng trong đời sống nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm. Mỗi nghệ sĩ phải biết cân bằng giữa cảm xúc và bản lĩnh thì mới chịu được áp lực và làm tròn trách nhiệm của mình” - NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định.

Để văn hóa ứng xử của nghệ sĩ  xứng với niềm tin, kỳ vọng - Anh 2

Toàn cảnh Hội thảo


NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng: Mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lý, nhu cầu của công chúng.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của một người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội; gương mẫu thực hiện tốt hai bộ Quy tắc ứng xử.

Với các Bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở T.Ư và địa phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ; làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ.

Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra. 

 Chúng ta đã có một Hội đồng xét tặng từ cấp cơ sở thì sao không có một Hội đồng kỷ luật cũng từ cấp cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ?.

(Tác giả HOÀNG THANH DU)

 Bản thân các nghệ sĩ cũng phải tự ý thức, không ngừng trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người nghệ sĩ. Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đây là cơ sở để các nghệ sĩ tự soi, tự sửa. Mặt khác, các ban, ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn từ trung ương tới các địa phương cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chương trình biểu diễn, kịp thời chấn chỉnh những hiện tượng “lệch chuẩn”.

 

 HIỀN LƯƠNG - THANH MAI

Ý kiến bạn đọc