Tưởng niệm 43 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng

VHO - Ngày 30.3, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức họp mặt nhân tưởng niệm 43 năm Ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (30.3.1980-30.3.2023). Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các sở, ban ngành TP.HCM đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Buổi họp mặt còn có gia quyến Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đại diện các cơ quan, đơn vị, ngôi trường mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tưởng niệm 43 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Anh 1

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Tại lễ tưởng niệm, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ông Phạm Thành Nam nhấn mạnh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dành trọn cuộc đời mình đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân. Tưởng niệm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính tưởng nhớ công lao của Bác Tôn đối với quê hương đất nước và cũng là dịp để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục phấn đấu, ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu theo tình hình mới, ngày 12.10.2020, dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng được khởi công theo quyết định của UBND TP.HCM. Trong giai đoạn thi công xây dựng mới, phòng tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được cung thỉnh và an vị tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM. Tại đây, một phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bố trí bên cạnh phòng tưởng niệm Bác Tôn để phục vụ công chúng, các đoàn khách đến tham quan, dâng hoa, dâng hương.

Được biết, dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng có quy mô hơn 2.000m², trong đó phần diện tích trưng bày phải đáp ứng yêu cầu chuyển tải 5 chủ đề trưng bày thường xuyên, các trưng bày ngắn hạn, cũng như các hoạt động trải nghiệm. Khi hoàn thành, Bảo tàng sẽ có đầy đủ các khu chức năng, không gian trưng bày, kho hiện vật, phòng xử lý kỹ thuật phim ảnh, không gian làm việc,… Dự kiến công trình sẽ được bàn giao vào ngày 30.6.2023.

Tưởng niệm 43 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Anh 2

Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận tham quan, trao đổi các nội dung về cải tiến chất lượng và các hoạt động chuyên môn tại phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận bày tỏ, xuất thân từ một miền quê giàu truyền thống yêu nước, từ một người thợ, người thanh niên Tôn Đức Thắng đã trở thành chiến sĩ cách mạng. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là người bạn, người đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng gương mẫu, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ra đi vào ngày 30.3.1980, nhưng Người luôn sống mãi trong mỗi chúng ta. Bác Tôn đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng, đạo đức và tác phong. Đó là tính hào sảng của người dân Nam Bộ, chất nhân đạo, chất kiên cường và tài năng, sáng tạo, chất cách mạng của người yêu nước, đức chí công vô tư, sự khiêm tốn, giản dị và trong sáng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng của sự nghiệp đại đoàn kết đồng bảo, đồng chí đoàn kết anh em, bạn bè quốc tế. Từ cuộc sống người thợ, rồi chốn lao tù đến khi giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí, sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người.

Ông Trần Thế Thuận đề nghị trong tương lai, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần tăng cường chất lượng hoạt động, đưa Bảo tàng trở thành một thiết chế văn hóa động, không ngừng cải tiến về chất lượng trưng bày và các hoạt động chuyên môn khác, đáp ứng yêu cầu thu hút công chúng, khách tham quan đến với Bảo tàng và kết nối bền vững với cộng đồng. “Để đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, Bảo tàng cần tập trung hiện đại hóa hoạt động công tác chuyên môn, từ trưng bày, thuyết minh, kiểm kê, bảo quản hiện vật, giáo dục và truyền thông; đa dạng hóa các hoạt động để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt chức năng nghiên cứu và giáo dục. Bảo tàng cũng cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan, doanh nghiệp ngành du lịch để phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến với công chúng và mọi tầng lớp nhân dân”, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh.

Tưởng niệm 43 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Anh 3

Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng trao thư cám ơn tác giả Nguyễn Văn Lãm

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tiếp nhận 20 bài ca cổ do tác giả Nguyễn Văn Lãm sáng tác, ca ngợi về Bác Tôn và quê hương An Giang. Tác giả Nguyễn Văn Lãm (Viết Lãm), hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Thoại Sơn, An Giang, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật huyện Thoại Sơn, An Giang. Năm 2022, tác giả Nguyễn Văn Lãm cũng đã trao tặng Bảo tàng Tôn Đức Thắng bài ca cổ Huyền thoại Mỹ Hòa Hưng do ông sáng tác, để tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc và bài ca cổ nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, do Sở VHTTDL phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang tổ chức.

Bảo tàng cũng tổ chức trao giải 5 cá nhân đạt giải cao trong tổng số gần 20.000 người tham gia thi trực tuyến tìm hiểu về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng”.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc