Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tôi được sống – những điều bình dị thiêng liêng

Thứ Hai 24/04/2023 | 23:41 GMT+7

VHO- Sáng ngày 24.4, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi ra mắt và tọa đàm về tác phẩm Tôi được sống của đạo diễn, thương binh Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hiến tại buổi giao lưu

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến  tên thường gọi trong chiến trường miền Nam là Tư Diệu), sinh ngày 1.4.1942 tại xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông có nhiều năm làm giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Ngoài một số phim truyện như Người trong cuộc, Biển sáng hoặc Thiên đường cho cô gái nhảy, đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến rất được đồng nghiệp nể trọng ở mảng phim tài liệu. Và sở trường làm phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến được thể hiện rất rõ trong 300 trang sách của tập Tôi được sống do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến cho biết, ông không có ý định trở thành một tác giả văn chương, nhưng cuộc đời ông đã chính là một tác phẩm văn chương và Tôi được sống là những quan sát tinh tế, những dữ kiện cụ thể và những chi tiết chắt lọc của Nguyễn Ngọc Hiến.

Theo đó, cuốn sách Tôi được sống gồm 3 phần: Ký - gồm 10 bút ký đầy chi tiết sinh tử ở chiến trường những năm tháng khốc liệt, đặc biệt ở vùng Củ Chi “đất thép” với nhiều chi tiết sống động; Truyện - gồm 3 truyện ngắn nói về những hy sinh, nghĩa tình đồng đội, phảng phất tình yêu trong trẻo của những thanh xuân chiến trường, nghĩa tình đồng bào vì sự nghiệp chung mà hy sinh cả ngôi nhà của mình, gian lao mà đầy lạc quan, vững niềm tin vào ngày chiến thắng…; Hồi ức về học sinh miền Nam - gồm 5 câu chuyện và trích đoạn Nhật ký vượt Trường Sơn, một bài thơ Hãy kể mãi về Trường Sơn; Và rất nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, những bức ảnh có thể nói như tư liệu bảo tàng về chiến tranh.

Tác phẩm Tôi được sống

Tại buổi giao lưu, tác giả Nguyễn Ngọc Hiến chia sẻ: “Những năm tháng công tác và chiến đấu ở chiến trường gian khổ ác liệt tôi được chứng kiến và được trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của chiến sĩ và nhân dân Việt Nam. Hàng ngàn chiến sĩ du kích cán bộ và nhân dân đã hy sinh. Đội du kích xã An Tịnh thời kỳ năm 1970 lúc tôi về đó viết bài đã hy sinh hết, không còn một ai. Đặc biệt là chúng tôi được nhân dân che chở để bám trụ và cứu sống khi bị thương. Công ơn trời biển và thầm lặng đó của các mẹ, các chị, của chiến sĩ và nhân dân miền Nam ngày nay có nguy cơ dần bị lãng quên”.

Theo nhà văn Võ Thu Hương, xuyên suốt tác phẩm truyện và ký Tôi được sống của tác giả Nguyễn Ngọc Hiến, lối viết thật thà cùng những góc nhìn bao quát, sinh động đầy kinh nghiệm của một đạo diễn có tiếng, thêm những tư liệu hình ảnh quý mà anh giữ được đã làm nên hồn cốt cho tác phẩm. “Đọc Tôi được sống, có thể nhìn thấy sau những trang sách là những tư liệu quý như kỷ vật, có sức sống vượt thời gian. Sẽ không quá lời khi ví Tôi được sống như một không gian bảo tàng về những tháng năm khốc liệt được dựng bằng chữ và hình ảnh mà đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến tạo dựng theo cách của mình”, nhà văn Thu Hương nhấn mạnh. Còn theo nhà văn Lê Thiếu Nhơn, anh cho biết: “Tôi được sống có thể xem là một minh chứng nữa về sức hấp dẫn của thể loại văn chương tự sự. Tôi được sống có thể là một sự may mắn thượng đế ban tặng, thì “tôi được nhớ”, “tôi được kể” và “tôi được viết” là một thái độ do chính con người quyết định theo cách sòng phẳng và văn minh".

Có thể thấy, bằng lối viết khá mộc mạc, chân phương, cách kể rất giản dị, có gì nói đó rất thật, không hoa mỹ, không phóng tác, vì ngay chính tác giả cũng nhận mình không phải nhà văn chuyên nghiệp, nhưng với  “nghề” làm đạo diễn phim, nhất là phim tài liệu điện ảnh đã cho Nguyễn Ngọc Hiến với Tôi được sống mang chất liệu tư liệu bảo tàng rất “sống” và “nóng”. Có thể thấy được qua tác phẩm ngồn ngộn chi tiết về một góc cuộc chiến cam go khốc liệt ở vùng đất thép Củ Chi trong chiến tranh chống Mỹ, mà lâu nay rất ít tác phẩm đề cập, cảm giác không phải đọc sách mà đang xem những thước phim tài liệu còn khét lẹt mùi thuốc súng và thấm đẫm mồ hôi, xương máu của chính ông và đồng đội. Tác phẩm Tôi được sống của Nguyễn Ngọc Hiến ra mắt bạn đọc rất ý nghĩa trong những ngày tháng tư lịch sử hào hùng này. Tác giả cuốn sách tâm sự: “Tôi thật sự hạnh phúc khi được chia sẻ những hồi ức của mình đến bạn đọc”. Hy vọng rằng cuốn Ký - Truyện Tôi được sống của ông - một nhân chứng lịch sử chiến tranh, sẽ được lan tỏa để không một ai, không một việc gì bị lãng quên, mà thay vào đó là lòng biết ơn, mà mãi ghi nhớ.

BÁ TRƯỜNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top