Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

21 năm chờ con giữa cánh đồng hoang

Thứ Sáu 28/04/2023 | 09:51 GMT+7

VHO- Sau ngày đất nước giải phóng, có một người lính biên phòng gò lưng trên chiếc xe đạp sườn ngang, chạy từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi để thắp hương cho mẹ là bà Phạm Thị Chừ. Bà Chừ đã dựng một túp lều giữa cánh đồng để chờ những tấm thiếp từ Bắc gửi vào Nam trong suốt 21 năm. Bà là một trong hàng trăm ngàn người phụ nữ Việt Nam điển hình của thời kỳ hai miền còn chia cắt.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoa

 Ngày nay, nếu hỏi “tấm thiếp” trong thời chiến tranh ở Việt Nam là gì? Chắc có lẽ nhiều người không biết. Trước năm 1975, những người dân miền Nam tập kết ra Bắc thường nghe bài hát Tình trong lá thiếp: “Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam/ Từ xa muôn trùng, lòng em vẫn hát bài ca…”. Thiếp là một lá thư nhưng không được bỏ vào phong bì, nội dung do những người miền Nam tập kết ra Bắc viết rồi gửi vào công khai, được chuyển giao tại cầu Hiền Lương. Nội dung lá thiếp rất đơn giản, hỏi thăm sức khỏe người thân, hoặc trong gia đình có ai còn sống hay đã chết.

Tấm thiếp 2 miền

Năm 1954, Hiệp định tạm đình chiến giữa hai miền Nam - Bắc được ký kết. Chàng thiếu niên Nguyễn Văn Hoa năm đó 12 tuổi, tạm biệt mẹ để theo cha ra Bắc. Đất nước bị chia cắt tại Vĩ tuyến 17 và mọi người đều tin sẽ sớm được thống nhất. Hai cha con Hoa không ngờ rằng, người mẹ đã phải chờ đợi suốt mấy chục năm trên cánh đồng quê và mùa xuân nào cũng mỏi mòn đợi chờ cánh thiếp.

Hoa ra miền Bắc và học văn hóa ở Trường học sinh miền Nam 25 (Hà Đông, nay thuộc TP Hà Nội). Vì hai miền cách trở, nên các cậu chỉ biết thăm hỏi người thân trong Nam bằng những lá thiếp gởi đi, nhưng chỉ có số ít trong số đó được hồi âm. Hoa cũng như các bạn, thường xuyên viết thư thăm mẹ trên trang giấy học trò: “Mẹ có khỏe không, ba công tác ở Phú Thọ nên mấy năm cha con mới gặp nhau một lần, tình hình con và ba vẫn khỏe…”.

Cuộc chiến tranh trên dải đất hình chữ S mỗi ngày một thêm nóng bỏng. Tháng 4 năm 1964, Trường học sinh miền Nam đón Thiếu tướng Phạm Kiệt, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang đến thăm. Năm đó, Hoa đã là một thanh niên trưởng thành ở tuổi 22. Các bạn học sinh trong trường phấn khởi khi nghe Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang nói chuyện về cuộc chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt và cách mạng giành nhiều chiến thắng. Còn cậu thì tự hào vì tướng Kiệt là người quê ở Quảng Ngãi, rồi nghe ông hứa hai miền sẽ thống nhất sớm thôi.

Kết thúc buổi nói chuyện, Thiếu tướng Phạm Kiệt hỏi: “Bây giờ tình hình đất nước như vậy, cháu nào đi Công an nhân dân vũ trang thì xung phong?”. Sau lời kêu gọi đó, cả trường đều giơ tay và ai cũng cố giơ thật cao, vì đoàn chỉ chọn 30 em tiêu biểu. Có em cố gắng thể hiện quyết tâm để được nhập ngũ và quay trở vào miền Nam bằng cách cắn ngón tay, sau đó viết luôn vài chữ bằng máu lên tấm khăn và nhờ thầy giáo chạy lên nộp cho Ban tổ chức. Cuối cùng, số học sinh được lựa chọn dựa trên tiêu chí là Đoàn viên đã học cảm tình Đảng, đoàn viên ưu tú, có sức khỏe tốt, ngoại hình theo tiêu chuẩn…

Trong thời chiến, việc tuyển quân diễn ra nhanh gọn, được tiến hành tại chỗ và Ban tổ chức cũng không cần phải đánh quyết định hoặc thông qua danh sách. Các em được lựa chọn mang hành lý theo đoàn công tác về ngay đơn vị mới. Thiếu tướng Phạm Kiệt vẫy tay chào và nói: “Cảm ơn các cháu đã có tinh thần xung phong. Mong các cháu nhận nhiệm vụ mới thì cố gắng chiến đấu tới cùng”.

 Ông Hoa bên bàn thờ mẹ, bà mất năm 1990 Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thống nhất 30.4.1975

Suốt thời điểm hai miền chia cắt, tại một xóm nhỏ ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có một người đàn bà luôn ngóng chờ tin con trong túp lều rách nát giữa cánh đồng hoang. Đêm nào cũng có tiếng súng rộ lên và sáng ra lại có tin bắt bớ, chết chóc, sau đó là tiếng lách cách của súng đạn. Người đàn bà đó là bà Phạm Thị Chừ. Bà vẫn lặng lẽ chờ tin tức người thân, nhưng không hề nhận được một lá thiếp nào vì tất cả thư từ đều bị thất lạc trên đường đi.

Từ năm 1969, Hoa không còn viết thiếp gửi vào Nam nữa, vì nghe tin mẹ đã mất ở quê nhà. Cha anh là ông Nguyễn Trung Tiên ở ngoài Bắc lập bàn thờ không có di ảnh. Do không biết rõ ngày bà mất, nên ông Tiên chọn một ngày cuối năm để giỗ vợ.

Ngày 29.3.1975, thành phố Đà Nẵng giải phóng, Nguyễn Văn Hoa theo đoàn quân tiến vào Nam và tiếp quản Đà Nẵng vào ngày 8.4.1975. Sau khi sắp xếp được công việc và kết hợp với chuyến công tác, anh đạp xe về thăm quê và tìm mộ mẹ. Về đến xã Nghĩa Lâm, anh không thể xác định được con đường dẫn vào xóm, vì toàn bộ làng quê đều bị san phẳng như vùng bình địa. Khắp lối đi rải rác vỏ đạn, những ngôi nhà tranh đổ sập hoặc cháy dở. Khung cảnh làng quê rợp bóng cây giờ đã trở thành một vùng tiêu điều, đổ nát và nóng bỏng.

Khi đến một cánh đồng trống, anh dựng xe bước vào túp lều hình như mới được dựng lại. Trước mắt anh là một bà già gày gò đang ngồi xoay lưng ra cửa. Hoa đánh tiếng hỏi: “Bác ơi có biết nhà bà Vân ở đâu không?”. Bà từ từ quay lại với ánh mắt đã bàng bạc, nhưng vẫn trông rõ người trước mặt. Bà thốt lên: “Thằng Hoa hả con?”. Anh lặng người đi vì hóa ra mẹ của mình còn sống. Bà một mình cắm lều giữa cánh đồng hoang để chờ những cánh thiệp từ miền Bắc gửi vào.

Sau ngày về thăm mẹ, anh tiếp tục đạp xe quay ra huyện Núi Thành, rồi lần lượt đi ngược ra để tiến hành chỉ đạo công tác xây dựng và thành lập các Đồn biên phòng tuyến biển phía Nam của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Suốt chặng đường dài đó, có lúc anh gò lưng đạp xe, có khi dắt bộ qua những cồn cát nắng cháy. Và sau lần gặp mẹ, anh thường về thăm bà vào những ngày xuân, chia sẻ kỷ niệm 21 năm ở miền Bắc.

Cứ đến tháng 4, đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoa lại kể câu chuyện hồi ức về người mẹ của mình. Năm 1990, bà Chừ qua đời. Bà nằm lại trên cánh đồng mà suốt 21 năm bà đã đằng đẵng chờ đợi tin tức chồng con. 

LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top