Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Về đất lửa Quảng Trị, nghe kể chuyện lãnh tụ Fidel Castro

Chủ Nhật 30/04/2023 | 07:00 GMT+7

VHO- 50 năm qua đi, nhưng chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị vẫn in dấu trong ký ức của nhiều người dân đất lửa. Hình ảnh vị lãnh tụ Cuba phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” trở thành huyền thoại, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt của hai quốc gia.

Chủ tịch Fidel Castro tại buổi mít tinh ở Cứ điểm 241 Tân Lâm (nay là Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Ảnh tư liệu

50 năm vẫn nguyên cảm xúc

Mấy ngày qua theo dõi chương trình thời sự về chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, ông Dương Tú Anh, 87 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cảm giác vui mừng và bồi hồi nhớ lại sự kiện lịch sử cách đây 50 năm, khi lãnh tụ Fidel Castro đã vượt nửa vòng trái đất đến thăm khu vực giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong ký ức không thể quên của ông Anh, người đàn ông cao lớn, dáng đi nhanh, dứt khoát, miệng nở nụ cười và hỏi thăm sức khỏe, động viên bà con, dân quân trên vùng đất lửa Quảng Trị tháng 9.1973. Đó chính là lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Ông Dương Tú Anh kể rằng: Khoảng 6 giờ chiều ngày 14.9.1973, những lãnh đạo cốt cán của các huyện tại Quảng Trị nhận được thông báo mật là sẽ tổ chức mít tinh tại Cam Lộ vào ngày 15.9.1973. Công tác an ninh và bảo mật được thực hiện chặt chẽ, phải đến sớm hôm sau thì mọi người mới được thông báo mít tinh tại Cứ điểm 241 và sẽ có sự tham gia của một “vị khách đặc biệt”. Hơn 800 anh chị em thuộc các lực lượng, đại diện của các huyện ở Quảng Trị đã đến Cứ điểm 241 và nhiều người rất bất ngờ, vui mừng khi được chào đón lãnh tụ Fidel Castro tại đây.

“Địa điểm mít tinh là một khu đất nằm cạnh bên phải Cứ điểm 241, bên cạnh có khe suối nhỏ gần cầu Đầu Mầu. Vị trí này có thế quân sự, nếu có sự cố thì đoàn tham gia mít tinh có thể di chuyển rời đi an toàn. Hình ảnh ông Fidel Castro chào hỏi, bắt tay và diễn thuyết trước hơn 800 anh chị em lúc đó rất cảm động”, ông Dương Tú Anh kể.

Theo sự nhớ lại của ông Dương Tú Anh, buổi mít tinh không được chuẩn bị băng-rôn, khẩu hiệu, nhưng những người tham dự đã mang theo cờ. Những lá cờ của quân giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trong buổi mít tinh càng khẳng định tinh thần yêu nước của quân và dân ta. Cứ điểm 241 vốn từng là căn cứ pháo của địch nên ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo nhưng Chủ tịch Fidel Castro vẫn bước hiên ngang, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Và tại đây, ông đã dõng dạc rằng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói đó đã đi vào lòng người, đi vào lịch sử, tiếp tục bồi đắp tình hữu nghị đặc biệt, anh em giữa hai đất nước Việt Nam và Cuba.

“Ông Fidel Castro đã phát biểu khoảng một giờ đồng hồ nhưng ông không cần nhìn bất cứ giấy tờ, tài liệu gì. Những câu nói của ông được phiên dịch lại, anh em chúng tôi lúc đó nghe rất xúc động, vui mừng. Bởi từ một đất nước cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, lại gần bên đế quốc nhưng vị lãnh tụ ấy lại rất can đảm đến với vùng giải phóng miền Nam Việt Nam với tinh thần quốc tế cộng sản, yêu chuộng hòa bình”, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ chia sẻ.

Trong thời gian chưa đầy 8 giờ đồng hồ, Chủ tịch Fidel Castro đến vùng giải phóng, ông Dương Tú Anh là một trong những người đi theo đoàn đón, chứng kiến buổi diễn thuyết cũng như hình ảnh vị lãnh tụ Cuba hiên ngang phất cao lá cờ giải phóng. Những hình ảnh trong chuyến thăm này của Chủ tịch Fidel Castro cũng đã được nhiếp ảnh gia Hồ Sỹ Sô (84 tuổi, hiện trú tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) ghi lại. Và những hình ảnh đó trở thành nguồn tư liệu quý giá.

 Tượng Chủ tịch Fidel Castro được đặt trang trọng tại Công viên Fidel ở TP Đông Hà

Lãnh tụ Fidel sống mãi trong trái tim người dân Quảng Trị, nhân dân Việt Nam

Chúng tôi trở về di tích quốc gia Cứ điểm 241 (nay là thôn Tân Phú, xã Cam Thành) vào dịp này, xung quanh là những khu đồi đã được phủ xanh rừng trồng cao su, tràm, hồ tiêu. Con đường từ Đường 9 dẫn đến Cứ điểm 241 cũng đã được mở rộng, nâng cấp; hai bên đường nhà dân san sát, xây dựng khang trang. Một vùng đất từng bị hoang tàn bởi chiến tranh, đồi núi gần như bị “cạo trọc”, cùng với đạn pháo còn sót lại, nhưng những nỗ lực của chính quyền và sự chịu thương chịu khó của người dân nơi đây đã “xanh hóa” núi đồi, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

 

 Ông Nguyễn Văn Thắng, 62 tuổi cho biết: Từ năm 1979, nhiều thanh niên ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã đến đây để làm việc cho Công ty hồ tiêu Tân Lâm. Sau đó, lập gia đình và xây dựng nhà cửa ở đây, rồi trồng rừng phát triển kinh tế. Khi mới đến, khu vực xung quanh Cứ điểm 241 gần như là đất trọc, nhưng bây giờ toàn màu xanh của rừng trồng, rồi nhà cửa mọc lên san sát. Vùng chiến trường xưa giờ đã thay da đổi thịt, hình ảnh về xe tăng, đán pháo, mùi thuốc súng đã “ngủ yên”.

 Ông Dương Tú Anh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ kể lại cho phóng viên những sự kiện khi Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng tại Quảng Trị

Trở lại buổi mít tinh ở Cứ điểm 241 cách đây gần tròn 50 năm, khoảng gần 10 giờ trưa ngày 15.9.1973, Chủ tịch Fidel Castro cũng đã đến thăm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (đóng tại thị trấn Cam Lộ). Tại đây, ông đã trò chuyện, thăm hỏi và ăn trưa cùng với cán bộ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Anh Hoàng Phước Lãm, cán bộ của Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Cam Lộ dẫn chúng tôi đến vị trí căn phòng, nơi mà Chủ tịch Fidel Castro từng nằm nghỉ trưa tại di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vốn dĩ, căn phòng đó đã từng bị bão cuốn sập vào năm 1985, mãi đến khoảng năm 2007, dãy nhà gồm 6 phòng dành cho Đại sứ các nước (trong đó có căn phòng mà Chủ tịch Fidel đã từng ở lại) ở di tích này mới được phục dựng lại. Đó cũng là một việc làm ý nghĩa để lưu giữ sự kiện lịch sử khi vị lãnh tụ Cuba đến vùng giải phóng.

“Thời gian qua, khách tham quan đến di tích quốc gia Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không nhiều, phần lớn là khách đoàn nội địa, các đoàn công tác từ tỉnh, thành, các ngành. Những tháng đầu năm nay, lượng khách tăng hơn cùng kỳ, bởi cũng thông tin nhân chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng đất lửa Quảng Trị”, anh Hoàng Phước Lãm thông tin.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ nói rằng: Cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cam Lộ cảm thấy rất vinh dự, vui mừng, cảm xúc khi chuẩn bị kỷ niệm 50 năm sự kiện Chủ tịch Fidel Castro đến thăm Quảng Trị. Cam Lộ là nơi mà Chủ tịch Fidel Castro đến thăm và có những hoạt động ý nghĩa.

“Lãnh tụ của một đất nước đến với vùng đất vừa mới giải phóng, đối diện với bao nguy hiểm, chông gai nhưng Chủ tịch Fidel Castro vẫn quyết ghé thăm. Đây là niềm động viên rất lớn đối với nhân dân, cán bộ, đảng viên, không chỉ Quảng Trị mà cả Việt Nam, tiếp thêm nghị lực cho quân và dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Lãnh tụ Phidel Castro sống mãi trong trái tim người dân Quảng Trị và nhân dân Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Bắc chia sẻ.

Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã khánh thành Công viên Fidel tại trung tâm TP Đông Hà. Công viên mở với diện tích rộng hơn 16,1 ha cùng hệ thống cây xanh, các khu vui chơi, đường dạo bộ, hồ phun nước… Bên trong khuôn viên, bức tượng của cố Chủ tịch Fidel Castro được đặt ngay vị trí trung tâm cùng với dòng chữ ghi lại câu nói nổi tiếng của ông: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Thời gian qua, công viên đã thu hút đông đảo cộng đồng nhân dân địa phương và du khách đã thường xuyên đến trải nghiệm dạo bộ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, cũng như lưu giữ những bức ảnh kỷ niệm.

 UBND tỉnh Quảng Trị vừa làm việc với Bộ Ngoại giao về xây dựng kế hoạch các chương trình, hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tới vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị (9.1973 - 9.2023). UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam và các Bộ, ngành trung ương tổ chức sự kiện cấp nhà nước tại Quảng Trị trong thời gian từ ngày 14-15.9.2023.

SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top