Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ký ức lịch sử qua những lá thư thời chiến

Chủ Nhật 30/04/2023 | 09:20 GMT+7

VHO- Những lá thư từng được đặt trên bàn thờ, tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể, những mảnh giấy được xé ra từ sổ, viết trên vỏ bao thuốc lá hay mảnh vải… đã được Đại tá, nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và ghi lại những câu chuyện xúc động phía sau để tạo nên cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam.

 Nhà văn Đặng Vương Hưng tại buổi giao lưu ra mắt sách vừa qua

 Thời chiến có vô vàn đường thư, có lá thư được mở ngoặc “Thư ra Bắc” hoặc “Thư vào Nam” để thay cho tem, lại có lá được quân bưu chuyển đi hoặc chuyền tay nhờ đồng đội mang về vào ngày nghỉ phép… Những lá thư khẩn trương như nhịp hành quân!

Hành trình tìm những lá thư

Ngày ấy, dường như ai cũng viết thư và ở đâu cũng viết thư được, gửi được hay không gửi cũng vẫn viết, thư từ tiền tuyến gửi ra hay từ hậu phương gửi vào đều thấm đượm tình cảm và tràn ngập tình yêu thương. Có thư viết vội gửi đi ngay đến tay người nhận, có thư viết đi viết lại và biền biệt không đến được nơi, có cặp thư đi thư lại đều đều và đằng đẵng suốt mấy chục năm dọc cuộc chiến, thay cho lứa đôi chung sống đời sống vợ chồng; có thư viết xong chưa kịp gửi thì người viết hy sinh, có thư viết mang theo trong người để sau chiến tranh trở thành di vật của liệt sĩ… Có những bức thư trải qua chặng đường hơn 30 năm mới đến được tay người nhận, để giờ đây, mỗi dòng thư tay ấy đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc, đánh dấu những trang sử vàng của đất nước.

“Nghề làm báo đã giúp tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều sự kiện và nhân chứng. Còn công việc viết văn giúp tôi ngộ ra rằng, đôi khi chính những trang thư, nhật ký, ghi chép… tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu. Với Những lá thư thời chiến, sẽ không có bút mực nào và cũng không có nhà văn nào viết được tác phẩm như thế, trừ những người trong cuộc viết ra trong một khoảnh khắc nào đó, đáp ứng nhu cầu của tình cảm riêng tư. Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời. Và cao hơn nữa là hơi thở của cả thời đại”, Đặng Vương Hưng chia sẻ về hành trình đến với Những lá thư thời chiến Việt Nam.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho biết: “Nhiều lá thư được giữ gìn qua nửa thế kỷ trong thời chiến tranh bom đạn là nhờ vào những người mẹ già ở quê. Các mẹ thường để thư của con trong chiếc mo cau, cất trên gác bếp để khói hun cho mối mọt không cắn phá. Mỗi khi bị đánh bom, điều đầu tiên họ làm trước khi chui xuống hầm tránh bom là ôm theo chiếc mo cau chứa đầy những lá thư quý giá đó, và cũng nhờ đó chúng ta mới có thể tiếp cận được với những lá thư ngày nay”.

Trong suốt hành trình gần 20 năm sưu tầm, biên soạn, nhà văn Đặng Vương Hưng vẫn nhớ như in những câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Và kỷ niệm làm ông ấn tượng nhất vẫn là cuộc gọi đến mình từ một bạn đọc, không phải là để gửi gắm những bức thư mà giọng một người đàn ông hào hứng: “Vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi chiến đấu ở tuyến lửa Khu IV. Từ đơn vị muốn ra bưu điện gần nhất phải đi bộ mất nửa ngày, lội suối, băng rừng và vượt qua những bãi bom… Lần đó, sau mấy tháng trời không nhận được tin nhà, sợ cha mẹ và vợ con lo lắng, tôi quyết định dành ngày Chủ nhật để đi bộ ra bưu điện. Đó là một ngày nắng, nóng, đường đất bụi mù, thỉnh thoảng máy bay địch gầm rú rẹt ngang bầu trời và thả bom… Tôi đến bưu điện đã quá trưa, vừa mệt, vừa khát và đói. Tôi xin chị nhân viên bưu điện cho đánh một bức điện khẩn về cho gia đình. Các anh chị biết nội dung bức điện ấy thế nào không? Tôi đã chẳng hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ, cũng không có thương nhớ cho vợ con, mà chỉ viết một dòng, vẻn vẹn đúng 8 chữ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”, rồi… ký tên và chấm hết. Sau đó, lại hớn hở đi bộ trở lại đơn vị”. Câu chuyện đã khiến đông đảo độc giả tại buổi giao lưu ra mắt sách được một phen cười, nhưng rồi cũng nghèn nghẹn vì 8 chữ ấy.

 Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”

Xúc động trên từng con chữ

Những dòng thư khi ấy không cần qua một lớp kính lọc văn chương nào mà hoàn toàn là những cảm xúc chân thực nhất trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, có sự phơi phới của niềm lạc quan chiến thắng, có ăm ắp nỗi nhớ niềm yêu, nhưng cũng có cả những phút giây buồn thương và đau đớn thay. Chính vì thế, cuốn sách luôn giữ nguyên tắc “tôn trọng tối đa văn bản gốc”, từ cách diễn đạt và câu chữ thường dùng của người viết, đến những từ địa phương và cả những chữ viết tắt. Thậm chí, giữ nguyên cả những chữ mà người viết đã cố ý viết hoa chữ cái đầu hay toàn bộ, như: Hòa bình, Thắng lợi, Tổ quốc, Chung thủy, HẠNH PHÚC, CHIẾN THẮNG, MẸ, TỔ QUỐC… “Bởi chúng tôi hiểu cách viết ấy rất có thể ghi dấu một hoàn cảnh, một tính cách, gửi gắm một ước vọng, một nỗi niềm và tâm trạng cụ thể. Vì thế, ở mỗi câu chữ như thế, chúng tôi sẽ có chú thích cụ thể để người đọc hiểu rõ hơn”, tác giả cho biết thêm.

Trải rộng trên những trang thư của các anh gửi về cho gia đình là nỗi lòng: “Con yêu làng quê non nước mình, con yêu hòa bình”; “Con chỉ muốn suốt đời bên mẹ”; “Anh chỉ muốn suốt đời bên em”; “Nhưng kẻ thù buộc chúng con phải cầm súng lên đường”… Như trong thư của liệt sĩ Vũ Xuân Trịnh: “Nhưng em ạ, ai lại muốn xa nhau, nhưng vì điều kiện hiện nay, máy bay Mỹ cứ hằng ngày ném bom ra bắn phá rồi làm cho mọi người chúng ta chết chóc đau thương. Như vậy thì vợ chồng chúng mình có ở nhà cũng không ngồi yên được”. Hay thư của anh Vũ Duy Kép: “Anh hỏi em có vui lòng một cách tự nhiên không thì em trả lời là có bởi vì em đã hiểu đi là gian khổ, thiếu thốn nhiều về tình cảm… Song nhìn vào tình trạng chung của đất nước, biết bao thằng trai chưa đầy 20 tuổi ngã xuống cho sự nghiệp hòa bình và biết bao tội ác mà kẻ thù gây ra đối với nhân dân mà em vui lòng nhận trách nhiệm của tuổi trẻ một cách tự nguyên chứ thực tế thì ai muốn khổ đâu anh”...

Có thể khẳng định rằng, cuốn sách thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các thế hệ cha anh đã vì mảnh đất Việt linh thiêng mà ngã xuống, đánh đổi máu xương vì sự thống nhất, phồn vinh của dân tộc. “Chiến tranh dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức ấy vẫn còn hiển hiện cùng thời gian. Nói về sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự gian khổ, hy sinh, chịu đựng của người lính nơi chiến trường, hiếm điều gì mô tả, tường thuật một cách chân thực như những lá thư thời chiến. Bởi những người lính viết những lá thư hay trang nhật ký ngay tại chiến trường, trong bom đạn, chết chóc, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình và quê hương họ”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết trong lời giới thiệu. 

 THẢO MY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top