Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm 80 năm Nhật ký trong tù (1943 - 2023): Nhân cách văn hóa của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh lao tù

Thứ Hai 01/05/2023 | 09:23 GMT+7

VHO- Năm 1943, trên đường đi công tác sang Trung Quốc, đến Quảng Tây bất ngờ và vô cớ Người bị bắt và bị giam hãm. Từ đây, trong cảnh “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” và suốt trong 388 ngày đêm bị cầm tù và áp giải đi hầu hết các huyện của tỉnh Quảng Tây, Người đã viết bài thơ Nhập lao Tĩnh Tây với nhiều cảm xúc đặc biệt: Trong lao tù cũ đón tù mới/ Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa/ Mây mưa mây tạnh bay đi hết/ Còn lại trong tù khách tự do.

 Nhà văn, giáo sư Đặng Thai Mai chú ý đến tình trạng bất công giữa thiên nhiên tự do phóng khoáng “Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa”, còn con người lại rơi vào cảnh tù đầy. Nhà thơ Hoàng Trung Thông lại cho rằng, tâm điểm của bài thơ là câu thứ tư, câu kết “Còn lại trong tù khách tự do”. Ngoài khẳng định tư cách khách tự do trong hoàn cảnh mất tự do, tập thơ rất nhiều lần nhắc đến hai chữ “tự do”. Khát vọng tự do thể hiện trong nhân cách văn hóa luôn làm chủ bản thân mình không một áp lực nào có thể khuất phục được ý chí, tư tưởng của người chiến sĩ cách mạng. Trong tù, từ miếng ăn chỗ ngũ thiếu thốn cho đến mọi hoạt động sinh hoạt đều thấp kém, đầy đọa và không mang tính người. Chống lại cảnh ấy là khát vọng tự do, tình cảm nhớ nước thương nhà, kiên tâm rèn luyện: “Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Thời gian từng ngày là một thử thách. Hai mốc thời gian được nhắc đến trong tù là các bài Bốn tháng rồi và một năm bị giam hãm. 4 tháng thời gian tuy không thật dài nhưng đủ sức vật ngã người tù trong đau khổ vật chất và tinh thần tàn tạ có thể: “Răng rụng mất một chiếc/ Tóc bạc thêm mấy phần/ Gầy đen như quỷ đói/ Ghẻ lở mọc đầy thân/ Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần”.

Bốn tháng, thời gian bước đầu thử thách nhưng vẫn giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, người khách tự do. Chưa hết, phải kể đến những chặng đường áp giải. Mưa nắng - dãi dầu. Trưa hè đổ lửa, bắt gặp một quán cháo ven đường núp dưới hàng cây: Một túp lều tranh quán rượu đây/ Chỉ có cháo hoa và nước trắng/ Đường xa khách tạm nghỉ nơi này. Nhà thơ Lưu Trọng Lư nhận xét: “Không phải quán rượu của kẻ giàu có mà là quán cháo cho kẻ bần hàn. Tình người làm dịu cơn khát”.

Một ngày vất vả mưa nắng, đến nhà tù mới lại không có chỗ ngủ, phải ngồi trong nhà xí chờ trời sáng: Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ/ Ngồi trên hố xí đợi ngày mai. Chế Lan Viên cũng nhận xét: Đó là hai cực đối nhau giữa cảnh một nơi tăm tối nhất và trước mắt là mơ ước về một ngày mai.

Thời gian cứ thế trôi qua, một năm là cái mốc xót xa, đau khổ trong cảnh ngục tù. Nghĩ đến quê hương đất nước đang mong chờ, nghĩ đến thân phận mà đau lòng: Ngàn dặm bâng khuâng hồn nước cũ/ Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay/ Ở tù nằm trọn thân vô tội/ Hòa lệ thành thơ tả nỗi này.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng, người dịch bài thơ, đã tâm sự về lầm lỗi của mình khi dùng chữ thân làm yếu ý chí người tù mà trong thực tế như lời thơ của Bác: Phạm tội gì đây ta thử hỏi/ Tội trung với nước với dân à?

Song trong cảnh lao tù, người chiến sĩ cách mạng đã có những suy nghĩ sâu sắc về đời tù và thân phận con người, rồi rút ra nhiều nhận xét có tính chất triết lý. Nhật ký trong tù dày đặc những triết lý sâu xa với tầm nhìn xa trông rộng, đúc kết trực tiếp, gián tiếp thành quy luật, kinh nghiệm như một chân lý của đời sống và của văn hóa nghệ thuật. Có những chuyện đi đường tưởng như là chuyện vui, chuyện thường gặp nhưng lại hàm triết lý sâu xa: Đi khắp đèo cao khắp núi cao/ Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao/ Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao.

Trong cuộc sống có những bất ngờ không định trước. Gặp khó khăn, nếu biết đề phòng thì vô sự; nếu chủ quan thì dù cho hoàn cảnh thuận lợi cũng không dễ thành công. Mục đích của người đi đường phải đi đến đích. Dù phải trải qua nhiều vất vả, gian lao nhưng đến đích niềm vui được thụ hưởng thật lớn lao, trên tầm cao của non nước: Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Một trong những bài học sâu sắc nhất, là triết lý về rèn luyện tu thân. Chuyện tù đầy gian khổ, thiếu ăn, thiếu ngủ, áp giải đường xa, nếu không có bản lĩnh thấu hiểu đường đời và sự rèn luyện tu thân thì mới thành công: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công. Nhà thơ Hoàng Trung Thông nhận xét, bài thơ kết hợp lý trí và cảm xúc với những hình ảnh xúc động.

Trong cảnh tù đày với cuộc sống tầm thường lẫn lộn, đau khổ, tủi nhục, Người vẫn nhận ra cái đáng sợ nhất là mất tự do: Trên đời nghìn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do.

Trong những người tù bị giam hãm, có người vô tội nhưng cũng có kẻ lầm lỗi không dễ nhận ra. Khi vào giấc ngủ, thường khuôn mặt ai trông cũng lương thiện, đau đớn, nhọc nhằn. Người đã phát hiện và nhận ra điều đó qua nét mặt của những người bạn tù: Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền/ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên. Nhận xét quan trọng thứ hai là sự quan tâm đến giáo dục, đến hoàn cảnh xã hội tác động đến mỗi người. Nhớ câu nói quen thuộc “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Ở tuổi ấu thơ, bản chất ai cũng là lương thiện, sự giáo dục và hoàn cảnh riêng của từng cuộc đời với nhiều cảnh ngộ phức tạp, vất vả, khó khăn hoặc tốt đẹp, bình yên đã tạo nên ở mỗi cuộc đời những đức tính và tính cách riêng.

Nhân cách văn hóa của người chiến sĩ cách mạng thể hiện rõ rệt qua văn hóa ứng xử. Trên đường áp giải, thấy phu làm đường vất vả dãi nắng dầm mưa, Người tỏ lòng thương cảm: Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/ Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Ngựa xe hành khách thường qua lại/ Biết cảm ơn anh được mấy người?

Sống trong xã hội, mỗi người đều phải chịu ơn những chiến binh bảo vệ non sông đất nước, những người lao động vất vả đầm mình trong những công việc nặng nhọc - không phải thương hại như một số người giàu có vô tâm, vô tình, mà phải có thái độ ứng xử đúng mực, gần gũi, trân trọng. Sống trong cảnh lao tù, ở nơi tăm tối ấy, Người vẫn có những suy nghĩ nhân ái về cuộc đời. Cao đẹp trong suy nghĩ, cảm xúc đã tạo nên những vần thơ sâu sắc nhân văn. Và đêm nay, vầng trăng đã hiển hiện ngoài trời. Người làm thơ nhưng không nhận mình là thi sĩ: Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng rồi trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Ham muốn tột bậc của Người là hoạt động cách mạng, mong muốn cho đất nước độc lập, nhân dân hạnh phúc. Tuy nhiên, trước cảnh đẹp của vầng trăng đã có sự đồng cảm và Người cũng tự nhận mình là nhà thơ: Trong tù không rượu cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Cái đẹp, cái hay tầm cao, tầm xa của thơ đã nâng Người lên tầm vóc của một thi nhân vĩ đại. Nhìn lại thơ xưa và sứ mệnh của thơ nay, Người đã tổng kết đánh giá trong hai mươi tám chữ vàng: Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây gió trăng hoa tuyết núi sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Đây là ý tưởng mới, quan niệm mới mẻ, đột phá, khẳng định trách nhiệm của thơ với đời và trách nhiệm của nhà thơ phải hiểu rõ sứ mệnh của người chiến sĩ tham gia cải tạo, xây dựng cuộc sống. Xưa nay, nói đến thơ, thường người ta hay liên hệ tới các nghệ thuật gần gũi như âm nhạc, hội họa. Quan niệm Thi trung hữu hoa, Thi trung hữu nhạc là rất phổ biến. Nhiều bài thơ đẹp về lời, về cảnh như một bức tranh hoặc ngân vang qua vần điệu như một bản nhạc, điều đó là cần nhưng chưa đủ, chưa có tác dụng xã hội. 133 bài thơ trong Nhật ký trong tù đều có thép, có lửa. Nhà thơ Quách Mạt Nhược cũng cho rằng bài nào cũng có thép và có lửa. Cuốn Nhật ký trong tù được xuất bản năm 1960 nhanh chóng được nhiều nước trên thế giới dịch và giới thiệu. Các nhà thơ Trung Quốc xem đó là báu vật quốc gia của Việt Nam. Nhiều nước ở châu Phi, châu Á xem đây là cuốn “thánh kinh” của cuộc sống.

Giá trị lớn lao của Nhật ký trong tù đã được các nhà thơ, nhà văn các nước Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh, Triều Tiên, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào khẳng định. Đây là công trình nghệ thuật có giá trị cao về văn hóa. Cái gốc sáng tạo ra tác phẩm là một chủ thể văn hóa luôn thể hiện nhân cách văn hóa trong hoàn cảnh lao tù, thiếu tình người. Điều thú vị và bất ngờ là trong bản thảo Nhật ký trong tù, ngoài 133 bài thơ, có một trang văn bàn về văn hóa. Đó là một định nghĩa về văn hóa. Lúc này, ở trong nước, bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam được ban hành. Văn hóa là một mặt trận, văn hóa là chìa khóa để mở cánh cửa các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Vậy thì văn hóa là gì? Chưa có một định nghĩa chuẩn mực về văn hóa. Một định nghĩa ngắn gọn đầy đủ, chính xác:

“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, con người sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, văn học; những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày ăn, mặc, ở; những phương tiện, phương thức sử dụng, toàn bộ những sáng tạo đó là văn hóa. Văn hóa sử dụng tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, thích ứng với những nhu cầu của đời sống, những đòi hỏi của sự sinh tồn. Như thế văn hóa là tổng hợp của các sáng tạo vật thể và phi vật thể”.

Điều trùng hợp kỳ lạ là 59 năm sau (2002), UNESCO cũng ban hành một định nghĩa về văn hóa về cơ bản trùng với định nghĩa của Người: “Văn hóa nên được đề cập tới như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay của một nhóm người mà nó chứa đựng, ngoài văn học nghệ thuật, nó chứa đựng cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị truyền thống và đức tin”.

Trân trọng, yêu quý văn hóa, người ta xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt của dân tộc. Cần soi vào định nghĩa của Người để hiểu thêm bản chất và giá trị đích thực của văn hóa. 

 GS.HÀ MINH ĐỨC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top