Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Người nuôi yến và du khách về Cù Lao Chàm giỗ tổ nghề yến

Thứ Bảy 29/04/2023 | 16:33 GMT+7

VHO- Ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân Cù Lao Chàm tổ chức lễ giỗ tổ nghề yến nhằm tưởng nhớ đến tổ nghề, các vị thần bảo trợ và những vị tiền nhân đã sáng tạo và phát triển nghề khai thác yến sào Thanh Châu nổi tiếng của Hội An từ mấy trăm năm trước. 

Thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống tại miếu tổ nghề yến

Giỗ tổ nghề yến năm nay nhằm ngày 29.4, từ sáng sớm, hàng ngàn du khách, người nuôi chim yến đã cùng về Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam thành kính cùng tham gia lễ giỗ tổ nghề yến do Đội Quản lý khai thác yến sào Cù Lao Chàm và người dân xã đảo Tân Hiệp cùng phối hợp tổ chức. 

Các bậc cao niên cùng người dân tham gia chuẩn bị lễ thức

Nghề khai thác yến sào Thanh Châu là làng nghề khai thác tổ chim yến hay còn gọi là yến sào trong các hang đá ở đảo Cù Lao Chàm, có lịch sự ra đời từ thế kỷ XVI dưới thời chúa Nguyễn với sự tham gia của nhiều tộc họ trong và ngoài thành phố Hội An. Các bậc tiền nhân nơi đây không những đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý trong bảo tồn và phát triển đàn yến tự nhiên để truyền lại cho thế hệ mai sau mà còn có công trong bảo vệ quốc phòng an ninh biển đảo.

Đầu năm 2017, Bộ VHTTDL đã chính thức công nhận nghề khai thác yến sào Thanh Châu - Hội An là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ tế tổ

Lễ giỗ tổ nghề yến được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3  âm lịch hằng năm tại miếu tổ nghề yến ở Bãi Hương - Cù Lao Chàm nhằm tưởng nhớ đến tổ nghề, các vị thần bảo trợ và những vị tiền nhân đã sáng tạo và phát triển nghề khai thác yến sào nổi tiếng của Hội An, xứ Quảng từ mấy trăm năm trước.
Lễ thức đầu tiên tại miếu tổ nghề là lễ cúng âm binh, diễn ra theo đúng trình tự các nghi thức truyền thống. Sau lễ tế âm binh là lễ tế tổ. Nội dung văn tế tổ ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân sáng tạo mở nghiệp, các bậc thánh thần bảo trợ cho nghề được bền lâu, cầu cho nghề nghiệp phát triển, thôn xóm bình yên, người dân khoẻ mạnh,… 

Dâng hương tưởng nhớ tổ nghề yến sào

Lễ giỗ tổ nghề yến là lễ hội dân gian, văn hóa-tâm linh nhằm tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề khai thác yến, đồng thời cầu an đầu năm cho cộng đồng cư dân, nâng cao niềm tự hào và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo. 
Những năm gần đây, lễ giỗ Tổ nghề yến còn được kết hợp tổ chức các chương trình văn hóa - du lịch như hô hát bài chòi, chợ ẩm thực “món ngon miền biển”,… Lễ giỗ tổ nghề yến là một điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa và sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Với ngư dân xứ đảo, giỗ tổ nghề yến còn là cơ hội nhằm giới thiệu và quảng bá nghề truyền thống đặc trưng gắn với thể hiện bản sắc văn hóa ẩm thực của cư dân Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Qua đó nâng cao thêm ý thức, chung tay bảo vệ những sản vật quý hiếm, góp phần tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa và sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An

Người nuôi yến về viếng miếu tổ nghề yến tại Bãi Hương - Cù Lao Chàm

Năm nay, có gần 300 người làm nghề nuôi yến sào nhiều nơi trên cả nước cũng về lăng tổ nghề yến để tham gia, viếng hương nhân ngày tổ nghề. 
Anh Đỗ Xuân Hùng, giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú- Yến sào Cung đình tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Với những người nuôi yến sào, lễ giỗ tổ nghề là nghi thức văn hóa tâm linh rất quan trọng. Dù công việc có bề bộn đến đâu chúng tôi cũng sắp xếp để về đây dâng nén hương ngưỡng vọng đến tổ nghề, những bậc tiền nhân đã có công khai khẩn rồi truyền lại cho hậu thế. Dịp này cũng là để những người cùng làm nghề gặp gỡ, chia sẻ, trao dồi kỹ thuật, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để cùng nhau phát triển sản phẩm mạnh hơn. 

Chim yến bay lượn trước cửa hang Khô- Cù Lao Chàm

Nghề khai thác yến sào Thanh Châu là làng nghề khai thác tổ chim yến hay còn gọi là yến sào trong các hang đá ở đảo Cù Lao Chàm, ra đời từ thế kỷ XVI dưới thời chúa Nguyễn. Qua một số tư liệu Hán Nôm hiện lưu giữ tại gia đình con cháu của tộc Trần và tộc Hồ ở Cẩm Thanh, cũng như một số tư liệu văn bia liên quan, cho biết trong lịch sử hai tộc Trần và Hồ ở làng Thanh Châu giữ vai trò chủ yếu trong nghề khai thác tổ chim yến. 
Yến sào là sản vật không những có giá trị kinh tế rất cao,  được ví là “vàng trắng”, chứa những giá trị dinh dưỡng và y dược cực kỳ lớn. Dưới thời phong kiến, đặc sản yến sào được xếp ở vị thứ đầu tiên trong “bát trân” theo thực đơn của các vua, chúa. Việc thu mua thuộc độc quyền của triều đình. 
Từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1975, việc khai thác yến ở Cù Lao Chàm được chính quyền giao cho các công ty, hiệu buôn lớn của người Hoa đấu thầu, thời hạn từ 3- 5 năm. Cư dân làng Thanh Châu trở thành người thợ làm công. 
Từ năm 1975 đến nay, việc khai thác, chế biến, và tiêu thụ yến sào được UBND thành phố Hội An quản lý thông qua Đội quản lý và khai thác yến sào. 

Dựng giàn thu tổ yến tại hang Tò Vò

Quy trình khai thác tổ yến ở Cù Lao Chàm được thực hiện qua các bước: Thăm hang, làm giàn, phun nước, khai thác, sơ chế. Khi đi thăm hang, thấy tổ yến đã đến lúc có thể khai thác được thì bắt đầu dựng giàn để khai thác. Trong quá trình khai thác phải giăng lưới ở gần nền hang để hứng tổ yến rơi không bị vỡ. Dụng cụ khai thác yến chủ yếu là những sào chĩa…
 Kế thừa nghề cổ truyền của tiền nhân, những người thợ khai thác yến sào cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm, cải tiến trong việc nuôi dưỡng đàn chim yến và khai thác yến, tạo nên sự phong phú của nghề và làng nghề xứ Quảng. Chính quyền thành phố Hội An với những chính sách quản lý đúng đắn đã bảo tồn và phát triển được đàn chim yến.

KHÁNH CHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top