Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Sách trong đời sống báo chí- xuất bản trước 1945:  “Chủ soái” Tự lực văn đoàn

Thứ Sáu 05/05/2023 | 09:55 GMT+7

VHO- Tự lực văn đoàn, đại diện cho khuynh hướng lãng mạn trong văn học thời kỳ 1930-1945, có thể xem là hiện tượng mới mẻ và đặc sắc trong sự phát triển theo hướng hiện đại hóa của văn học Việt Nam thế kỷ XX.

 Trang đầu của Phong Hóa số 14

 Người sáng lập và chủ soái của Tự lực văn đoàn là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Làn gió mới trong đời sống văn chương

Từ cuối những năm 1920, Nguyễn Tường Tam đã sớm nuôi dưỡng ý nguyện làm báo, viết văn với tư cách một trí thức tự do. Tốt nghiệp bậc Trung học, ông tạm xin vào làm công chức ở Sở Tài chính Đông Dương. Nơi đó, ông gặp Tú Mỡ, người sau này sẽ có cùng ông một tình bạn tin cậy và chung thủy. Mất một thời gian ngắn chờ đợi, Nhất Linh nhận được học bổng sang du học ở Pháp; rồi trở về nước với tấm bằng Cử nhân khoa học. Có bằng Cử nhân nhưng ông lại từ chối ghế Giáo sư trường Trung học Khải Định Huế để xin ra một tờ báo, lấy tên là Tiếng cười. Cái tên này được chọn không phải ngẫu nhiên, vì suốt những năm 1920, bầu không khí văn đàn không lúc nào không chan chứa những “khối sầu” và “bể thảm” (từ “khối sầu” của Tản Đà, “bể thảm” của Đoàn Như Khuê); và cũng lâm ly không kém là Giọt lệ thu khóc chồng của Tương Phố và Linh Phượng ký khóc vợ của Đông Hồ; không kể tiếng khóc của cặp tình nhân Tố Tâm - Đạm Thủy… Một Tiếng cười thật cần thiết để xua tan hoặc làm loãng nhạt bầu không khí sầu buồn đó.

Thế nhưng, Tiếng cười không xin được giấy phép.

Một dịp may kịp đến. Đó là số phận chết dở sống dở của một tờ báo - Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai. Nhất Linh đã khôn khéo mua được sự chuyển nhượng và thế là Phong Hóa trở thành tờ báo khởi nghiệp của Tự lực văn đoàn, ra số đầu vào tháng 7.1932. Phong Hóa ra đời đã thổi một làn gió mới vào không khí u sầu vẫn còn tiếp tục trong mở đầu những năm 1930, sau các cuộc khủng bố trắng của chính quyền thực dân đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Phong Hóa ra 8 trang cỡ lớn, sau ra 16 trang cỡ vừa. Nhằm mục tiêu gây cười trên Phong Hóa, và về sau là Ngày Nay, Tự lực văn đoàn đã lưu lại được 3 biếm họa rất ấn tượng là Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh. Lý Toét - chức sắc lý trưởng, hình thù cao gầy xương xẩu, luôn cặp kè cái ô đen ở nách và hấp háy cặp mắt toét trông rất mất vệ sinh. Xã Xệ là sự mon men của dân đen vào làng chức dịch hạng bét. Xệ béo lùn, ăn nói ngô nghê, không phải hạng dân đói. Bang Bạnh - chức bang tá ở hàng tỉnh cao hơn Lý, Xã, rủng rỉnh tiền của, nên có hai cái má rất bạnh. Xét theo nhận thức luận Mác - Lênin về nông thôn thì 3 biếm họa này không hướng về khía cạnh giai cấp và bóc lột, mà hướng về phía sinh hoạt hủ lậu trong phong tục, lối sống của nông thôn “bùn lầy nước đọng” nói chung, phù hợp với chủ trương chống luân lý - lễ giáo phong kiến của Tự lực văn đoàn.

Để nuôi sống và phát triển tờ báo, Nhất Linh tính kế hợp tác với nhà tư sản Luyện mở An Nam xuất bản cục. Nhưng thấy làm ăn với tư sản Luyện không có lãi, vì lãi chia theo số vốn, Nhất Linh bỏ Luyện và thành lập Tự lực văn đoàn theo nguyên tắc kinh doanh dựa vào sức mình.

Tự lực văn đoàn có tôn chỉ gồm 10 điểm, nêu rõ mục tiêu và phương thức hoạt động của các thành viên trong nhóm, ban đầu gồm 6 người là: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, Thạch Lam; sau bổ sung thêm Trần Tiêu, Xuân Diệu, để đủ “bát tú”.

Trong tôn chỉ 10 điểm, có 5 điểm quan trọng như sau: “Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam; Ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân, không có tính cách trưởng giả, quý phái; Trọng tự do cá nhân; Làm cho người ta biết rằng Đạo Khổng không hợp thời nữa; Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam” (Phong Hóa số 101; 8.6.1934).

Tự lực văn đoàn gọi góp cổ phần, mỗi cổ phần 500 đồng Đông Dương, để có vốn ra báo và lập Nhà xuất bản Đời Nay, chuyên đảm đương việc in ấn, xuất bản sách báo của các thành viên trong đoàn. Đón trước các tình huống bất trắc nên khi Phong Hóa còn thịnh, Nhất Linh đã kịp xin ra thêm tờ Ngày Nay. Cả hai cùng tồn tại bên nhau một thời gian cho đến 1936, khi Phong Hóa bị đóng cửa vì phóng sự Hậu Tây du thì Ngày nay đã có sẵn để thế chỗ.

Nhà xuất bản Đời Nay hoạt động trong suốt thời gian tồn tại của Tự lực văn đoàn. Sự kinh doanh in ấn từng có lúc rất phát đạt. Giám đốc xuất bản Hoàng Đạo là người có đầu óc tổ chức và sớm biết trang bị máy móc để có cơ sở in riêng. Ngày có máy in, báo Ngày nay ra vế đối: “Ngày nay ngày nay in nhà in nhà”. Sự nghiệp sáng tác của 8 thành viên trong nhóm cùng một số cộng sự thân cận, những người được giải Tự lực văn đoàn đều được in ở nhà xuất bản này. Suốt những năm 1930, đây là Nhà xuất bản được xem là sáng giá nhất, khiến nhiều người viết mơ ước.

Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam

Xét về giá trị văn chương của Tự lực văn đoàn cùng những người cộng tác gần gũi với họ, điều không thể phủ nhận là họ đã đem lại cho đời sống văn học những năm 1930 - kể từ năm 1933 là năm Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng ra đời, đến buổi đầu những năm 1940 với Đẹp của Khái Hưng, Bướm trắng của Nhất Linh là những năm tàn cuộc - những giá trị có ý nghĩa khẳng định và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Đóng góp của Tự lực văn đoàn là thuộc về 8 thành viên của nhóm, trong đó, rất nổi bật vị trí của hai nhà Thơ mới, một người khởi đầu tài hoa là Thế Lữ, một người đạt đỉnh cao mới nhất trong các nhà Thơ mới là Xuân Diệu. Một cây trào phúng xuất sắc, muốn là học trò Tú Xương nên chọn tên Tú Mỡ. Một cây truyện ngắn với giá trị rất bền vững là Thạch Lam. Một người viết truyện nông thôn phong tục sớm nhất là Trần Tiêu. Và, ở vai trò chủ chốt, đem lại những cách tân quan trọng cho văn xuôi và tiểu thuyết, đó là Khái Hưng và Nhất Linh.

Đóng góp của Tự lực văn đoàn còn cần được mở rộng thêm, qua các giải thưởng được họ chọn trao như Ba của Đỗ Đức Thu, Bóng mây chiều của Hàn Thế Du (giải năm 1935); Kim tiền của Vi Huyền Đắc, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Nỗi lòng của Nguyễn Khắc Mẫn, Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính (giải năm 1937); Làm lẽ của Mạnh Phú Tư, Cái nhà gạch của Kim Hà, Bức tranh quê của Anh Thơ, Nghẹn ngào (tức Hoa niên) của Tế Hanh (giải năm 1939). Điều đáng lưu ý là giải nhất Cái nhà gạch của Kim Hà không thấy in, và cái tên tác giả này đã mất tăm trong im lặng (sau này tôi được biết Cái nhà gạch đã được in năm 1940, 115 trang, dưới cái tên Tiếng còi nhà máy ở NXB Tân Việt, còn Kim Hà thì đã chết sớm vì bệnh tật sau khi sách ra).

Bên các giải thưởng còn phải kể đến các tác giả gần gũi với phong cách sáng tác của họ như Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn, Huyền Kiêu trong văn; Đoàn Phú Tứ trong kịch; Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân trong họa.

Bối cảnh xã hội thuộc địa trước 1945, sự cạnh tranh để giành ưu thế trên thị trường văn chương là điều tự nhiên. Nói vậy để thấy, có nhiều cuộc bút chiến đã diễn ra, trong đó Tự lực văn đoàn cũng từng gây chuyện hoặc góp chuyện. Ngôn ngữ đả kích của họ, và cách họ tạo uy thế nhằm hạ giá đồng nghiệp và tôn vinh giá trị của mình cũng nhiều khi “ác khẩu” lắm.

Vàng son tắt lặng

Từ sau 1940, vai trò của Tự lực văn đoàn mờ nhạt dần. Cũng không phải chờ đến sau 1940, mà ngay từ thời Mặt trận Dân chủ, Tự lực văn đoàn đã phải nhường dần vị trí cho văn học hiện thực, mà số lớn các cây bút tiêu biểu đều viết cho ông chủ Tân Dân Vũ Đình Long. Tự lực văn đoàn chính thức tan rã khi Nhất Linh cùng em trai là Hoàng Đạo tham gia vào các đảng phái chính trị để tranh giành ảnh hưởng, trong bối cảnh thời cuộc kề cận trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sau 1945 ở miền Nam, Nhất Linh hình như có nuôi ý định tái lập Tự lực văn đoàn. Nhưng tổ chức nhóm đã không còn, người cũ đã hết, thời cuộc đã khác và tư tưởng nghệ thuật của Nhất Linh đã không còn thích hợp với thời đại, nên không gây được ảnh hưởng gì đáng kể. Do bị ghép vào tội mưu toan đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 11.11.1960, Nhất Linh bị theo dõi và o ép rất ngặt nên phải uống thuốc ngủ để chết, đúng vào ngày 7.7.1963, trước hôm bị đòi ra tòa, như là một phản ứng quyết liệt với chính quyền Diệm. Chút dư âm Tự lực văn đoàn nơi ông chủ và người sáng lập ra nó đến lúc này là tắt hẳn.

Ở miền Bắc, ngay từ trước 1945, sau cái chết của Thạch Lam năm 1942, các thành viên của Tự lực văn đoàn như Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu đã cắt hẳn quan hệ với các ông chủ Nhất Linh, Hoàng Đạo. Những năm vào Cách mạng và kháng chiến chống Pháp, Tự lực văn đoàn cũng có lúc được nhắc đến trong chút ít ánh hào quang cũ; nhưng từ năm 1953, thì Tự lực văn đoàn hoàn toàn bị phủ nhận, đi kèm với sự tự phê phán quyết liệt của các thành viên. Riêng Tú Mỡ, năm 1968 có gửi đến Tòa soạn Tạp chí Văn học của Viện Văn học bài Trong bếp núc Tự lực văn đoàn. 20 năm sau, tức 12 năm sau ngày Tú Mỡ qua đời, bài này mới được đưa in trên Tạp chí Văn học số 5/6.1988. Đây là bài viết kỹ lưỡng của một người vốn chịu ơn Tự lực văn đoàn, trước hết là chịu ơn Nhất Linh, giúp soi sáng được nhiều điều “trong bếp núc” của một văn đoàn vàng son rực rỡ một thời, bỗng tắt lặng vì những người thủ xướng lao vào con đường hoạt động chính trị. 

GS PHONG LÊ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top