Trẻ bị đuối nước và trách nhiệm

VHO- Mới chớm hè mà cái nắng, cái nóng hầm hập đã phủ kín hầu hết các vùng miền trên cả nước. Và như một sự “đến hẹn lại lên”, hè về đồng nghĩa với việc những vụ đuối nước trẻ em lại xảy đến. Năm nào vào dịp này, các phương tiện thông tin đại chúng cũng ra rả phát cảnh báo, khiến nhiều người phải sốt ruột mà rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, nhưng… nào đã thay đổi được gì?!

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 2 tháng vừa qua, các địa phương đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước. Gần đây nhất, trong dịp nghỉ lễ, ba em học sinh là anh em trong một gia đình ở xã Bình Khương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) rủ nhau lên đập chứa nước chơi. 
 Đến tận buổi chiều tối, bà của các em mới phát hiện ra cháu mình bị đuối nước và tri hô trong tuyệt vọng. Khi lực lượng chức năng đến nơi xảy ra vụ việc, tổ chức cứu vớt thì 3 nạn nhân đều đã tử vong. Vụ việc quá đau lòng khiến cha mẹ, ông bà và người thân của các em liên tục ngất xỉu…
Càng điểm ra lại càng thấy xót xa, nhưng không thể không nhắc lại, khi chưa hè nào tai nạn đuối nước trẻ em lại không trở thành vấn đề “nóng” trong dư luận, nóng như những ngọn gió Lào bỏng rát quét xuống dải đất hình chữ S. Mặc dù công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở lứa tuổi học sinh luôn được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm, nhưng nó vẫn như “bóng ma” lẩn khuất, chỉ trực chờ cơ hội là cuốn lấy những thân hình nhỏ bé. Theo kết quả điều tra của UNICEF, trung bình mỗi năm chúng ta có hàng nghìn trẻ bị đuối nước, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần so với những nước phát triển. Một con số biết nói đầy thương tâm!
Chiếm tới hơn một nửa các trường hợp đuối nước là do trẻ chơi gần ao, hồ, sông, kênh, mương… mà không có sự bảo vệ của người lớn. Một yếu tố quan trọng không kém là môi trường sống của trẻ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi còn tồn tại rủi ro quá lớn. Trong đó, một số địa phương có nhiều vùng nước sâu nguy hiểm nhưng không hề đặt bất cứ một biển cảnh báo nào! Chỉ cần vài phút bất cẩn của người lớn, cộng với sự hiếu động của trẻ, hậu quả sẽ khôn lường.
Trên diễn đàn nghị trường cũng không ít lần lên tiếng cần đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong học đường. Dù bơi lội vừa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, vừa là kỹ năng sinh tồn thiết yếu, nhưng cơ sở vật chất của chúng ta còn quá thiếu thốn và không thể đáp ứng, đặc biệt là tại những nơi vùng sâu, vùng xa. Vì thế, để phần nào giải quyết “vấn nạn” này, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, gắn trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức chính quyền, đoàn thể; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhà trường, các hộ gia đình quan tâm, giám sát con em mình; tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, hướng dẫn kỹ năng cứu đuối nước. Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa chữa, cắm biển báo tại những điểm thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; làm rào chắn tại ao hồ, lấp hố nước, đậy nắp giếng…; tạo cho trẻ thói quen sử dụng phao khi tắm biển, bơi lội hoặc khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi tự do trong môi trường nước.
Cũng cần phải nhắc lại, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bộ, ngành liên quan đã ban hành Công điện, chỉ thị nhằm tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em; trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền, nhất là cấp cơ sở. Tuy nhiên, với số vụ tử vong liên tục xảy ra trong thời gian qua, rõ ràng một số địa phương vẫn chưa thực sự coi trọng công tác này, và trách nhiệm thuộc về ai vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ! 

ĐỖ CAO HUYỀN 

Ý kiến bạn đọc