Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Lý Sơn hút khách bằng nét riêng

Thứ Hai 08/05/2023 | 10:30 GMT+7

VHO- Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, hòn đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Đến với Lý Sơn là đến với một quần thể di tích thắng cảnh thiên nhiên và di sản văn hóa khá độc đáo, hiếm nơi nào ở nước ta có được.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra tại đình làng An Vĩnh, thu hút hàng ngàn người dân và du khách

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Sự phong phú về phong cảnh thiên nhiên và đa dạng về di sản lịch sử, văn hóa đã tạo nên một bản sắc Lý Sơn rất riêng. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái - một loại hình du lịch mới đang hút khách quốc tế. Đến Lý Sơn, du khách sẽ có dịp tìm hiểu rõ hơn về những di tích của đội Hoàng Sa. Đó là đình làng An Vĩnh - nơi ngày xưa đội hùng binh Hoàng Sa làm lễ tế thần trước khi xuất quân, miếu và đền thờ cai đội Phạm Quang Ảnh, dinh Ông Thắm thờ cai đội Võ Văn Khiết... Những di tích này đã góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay (ngày 5.5 tức 16.3 âm lịch) diễn ra tại đình làng An Vĩnh, thu hút hàng ngàn người dân và du khách. Sau phần lễ đã diễn ra Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Anh Nguyễn Tình, du khách đến từ Đà Nẵng bày tỏ: “Tôi cảm nhận được sự trang nghiêm của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và tấm lòng của người dân đất đảo đối với tiền nhân. Tại Lễ khao lề, những vật phẩm tế lễ, thuyền lễ và những hình nhân gợi một thời chưa xa, tưởng nhớ những người đã nằm lại với biển khơi vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi rất may mắn đến đảo vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi thấy rất ý nghĩa”.

Theo các tài liệu ghi chép lại, vào thế kỷ XVII, Hải đội hùng binh Hoàng Sa vâng lệnh triều đình vượt biển trên những chiếc thuyền để xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện các tộc họ trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.

Những ngày này, hoạt động trưng bày “Di sản văn hóa biển, đảo” tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã thu hút hàng trăm du khách, học sinh và người dân Lý Sơn đến tham quan, tìm hiểu. Hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về tín ngưỡng, văn hóa, lễ hội truyền thống, về chủ quyền biển, đảo Việt Nam và đội hùng binh Hoàng Sa được trưng bày... Ngoài ra, còn giới thiệu 50 hình ảnh về chủ đề “Lý Sơn - Di sản văn hóa biển, đảo” với các hình ảnh về lễ hội, di sản, di tích, văn hóa, danh lam thắng cảnh và một số tranh về biển đảo Lý Sơn. Chị Cao Thị An, du khách đến từ TP Hà Nội rất thích thú chụp ảnh tư liệu và kỷ niệm cùng bạn bè bên các hiện vật, tư liệu được trưng bày. “Đây là lần đầu tiên mình đến Lý Sơn. Lý Sơn không chỉ là hòn đảo đẹp hoang sơ, mà còn là địa phương giàu truyền thống văn hóa. Đến Lý Sơn du lịch đợt này đúng vào dịp huyện tổ chức nhiều hoạt động trong chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, kích cầu du lịch nên mình rất thích thú”, chị An chia sẻ.

 Hồ nước ngọt trên núi Thới Lới

Thiên đường giữa biển khơi

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận định, vùng biển, đảo Quảng Ngãi là “mảnh đất vàng” về di sản. Đảo Lý Sơn với diện tích chưa đầy 10 km2 nhưng có đến 50 di tích lịch sử, văn hóa. Nhà nghiên cứu văn hóa TS Nguyễn Đăng Vũ cho biết, những đợt phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm đã để lại cho đảo Lý Sơn 5 ngọn núi lửa đặc sắc. Trong đó, Giếng Tiền và Thới Lới còn hiện diện 2 lòng chảo khổng lồ. Đến Giếng Tiền, du khách được chiêm ngưỡng một “kiệt tác” do thiên nhiên ban tặng với hình thù giống như con rùa đang nghếch đầu về hướng đông bắc, mai rùa lõm xuống. Phần lõm còn một thảm thực vật đặc trưng, tựa như thảm thực vật tại lòng núi lửa ở tỉnh Jeju (Hàn Quốc) - một di sản thế giới. “Lý Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di chỉ khảo cổ, nhiều di tích kiến trúc, tín ngưỡng. Lý Sơn chính là di sản thế giới loại hình di sản hỗn hợp cả về thiên nhiên lẫn văn hóa”, TS Nguyễn Đăng Vũ khẳng định.

Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin, trải qua hàng trăm năm, Lý Sơn đã tích hợp và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như lễ hội, phong tục tập quán lâu đời như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, đua thuyền truyền thống tứ linh, lễ tế nữ thần thiên YANA, lễ cầu ngư… Cùng với đó là những giá trị đặc sắc về địa chất, địa mạo hiếm có. Hiện trên địa bàn huyện có 4 di tích cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh cùng hơn 50 đình, chùa, lân miếu gắn với đời sống sinh hoạt người dân trên đảo. Đây là nơi lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam… Lý Sơn thật sự là thiên đường giữa biển khơi, để du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. 

 NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top