Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Quảng Nam: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng cao

Thứ Tư 10/05/2023 | 10:02 GMT+7

VHO- Nhiều sự kiện văn hóa- du lịch, lễ hội sẽ diễn ra tại các huyện miền núi Quảng Nam nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của vùng cao xứ Quảng. Qua đó,  góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. 

Trình diễn nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào vùng cao Quảng Nam 

Sắc màu văn hóa Bhnong- Điểm hẹn mới 
Ngày hội văn hóa truyền thống người Bhnong lần đầu tiên sẽ chính thức khai mạc vào ngày 12.5 tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam với chủ đề “Sắc màu văn hóa Bh’noong - điểm hẹn mới”.  
Người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ-triêng) là nhóm dân tộc định cư lâu đời tại huyện Phước Sơn và hiện chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện. Người Bhnong ở Phước Sơn còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó ẩm thực, cồng chiêng, điệu múa truyền thống… là tiêu biểu nhất. Địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Bhnong. 
Đây cũng là sự kiện văn hóa cộng đồng đầu tiên của đồng bào Bhnong được huyện miền núi Phước Sơn tổ chức từ sau đại dịch Covid-19 với kỳ vọng sẽ quảng bá, mời gọi du khách đến khám phá và có nhiều trải nghiệm mới mẻ với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc nơi đây. Đồng thời cũng hướng đến mục tiêu bảo tồn văn hóa Bhnong, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của vùng đất này. 
Chương trình ngày hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 – 14.5 với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo kết hợp không gian trình diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian cộng đồng miền núi như: Trình diễn, tái hiện nghi thức truyền thống như lễ hội cúng thần linh, tái hiện các hoạt động Tết mùa, nghi  thức hứa hôn trong truyền thống của đồng Bhnong. Các hoạt động trình diễn nghệ thuật, đánh múa cồng chiêng, trình diễn nghề truyền thống, các trò chơi dân gian, không gian trưng bày hiện vật lịch sử, hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu sản phẩm, ẩm thực đặc trưng của vùng cao Phước Sơn. 
Liên hoan nghệ thuật quần chúng với sự tham gia của cộng đồng, nghệ nhân kết hợp trình diễn, tái hiện nghi thức lễ hội truyền thống với câu chuyện văn hóa- lịch sự của vùng đất, đồng bào Bhnong. 
Đặc biệt, chương trình khai mạc sẽ có các hoạt động diễu hành kết hợp nghệ thuật đánh - múa cồng chiêng của nghệ nhân Bh’noong thuộc 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó còn có các hoạt động thi đấu thể thao với các môn như đẩy gậy, bắn ná,…qua đó tuyển chọn lực lượng tham gia Ngày hội văn hóa thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023, dự kiến diễn ra vào tháng 8 này. 

Khám phá vùng đất “Cao Sơn Ngọc Quế” Bắc Trà My 
Tiếp đến, từ ngày 5-6.7, tại huyện miền núi Bắc Trà My sẽ diễn ra lễ hội Quế Trà My năm 2023 với rất nhiều hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái của địa phương này. 

Thưởng thức ẩm thực tại phố đi bộ Bắc Trà My

Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, với chủ đề “Trà My - Cao Sơn Ngọc Quế”, lễ hội được tổ chức  nhằm mục đích quảng bá cây quế và sản phẩm từ cây quế Trà My đến với người dân trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn và phát triển loại cây đặc sản này, tiếp tục xây dựng và khẳng định giá trị thương hiệu quế Trà My; đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc huyện Bắc Trà My, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển du lịch giải quyết việc làm cho người dân.

Theo ông Vũ, thời gian qua,  huyện Bắc Trà My đã tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ đậm màu sắc vùng “cao sơn ngọc quế”, giới thiệu văn hóa địa phương,  trưng bày sản phẩm quế Trà My, sản phẩm OCOP,… tại phố đi bộ và khu ẩm thực thị trấn Trà My thu hút khá đông sự tham gia của người dân và du khách. 
Trong khuôn khổ lễ hội lần này, địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động quy mô, chất lượng như: Tái hiện không gian sinh hoạt, lao động sản xuất  của các dân tộc (trong đó có các hoạt động liên quan đến cây quế Trà My) tại 05 các nhà truyền thống của người Kinh, Cadong, Cor, Xơ đăng, Mơ nông, các trò chơi dân gian, trải nghiệm văn hóa các dân tộc như múa sạp và ném còn dân tộc Mường; trình diễn đấu chiêng dân tộc Cor; múa trống chiêng, hát dân ca, hát k’cheo dân tộc Cadong
Hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Quế Trà My, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo và hàng nông sản đặc trưng của các địa phương. Dự kiến sẽ có 35 gian hàng của người dân, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia.
Diễn đàn khởi nghiệp Quảng Nam với chủ đề Quế Trà My - Cao Sơn Ngọc Quế: Mang hương rừng ra phố - 2023 giới thiệu quá trình hình thành và phát triển cây quế Trà My, các sản phẩm quế Trà My trên thị thường hiện nay. Đồng thời bàn về cơ chế, chính sách phát triển cây quế, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên địa bàn huyện; trao đổi các kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát triển và đề xuất các giải pháp tổ chức trong công tác bảo tồn và phát triển quế Trà My.
Quảng bá, giới thiệu và tổ chức các tour du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp tại các điểm du lịch tiềm năng, tham quan các mô hình trồng quế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quế trên địa bàn huyện. 
Bên cạnh tìm hiểu văn hóa, ẩm thực địa phương, đến Bắc Trà My dịp này, du khách sẽ có cơ hội khám phá, tham quan các điểm đến ấn tượng như Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa – căn cứ cách mạng khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; Ngắm cảnh và trải nghiệm các hoạt động thú vị trên lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2; trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), Nóc Xa Rơ (xã Trà Bui), Làng Mường (xã Trà Giang); hòa mình vào thiên nhiên bên dòng thác Nước Ví, thác Năm Tầng, hang Nai… mát mẻ, trong lành.

Vui hội vùng cao 

Quế Trà My được biết đến với cái tên “Cao sơn Ngọc quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng nên có giá trị cao so với các loại quế khác. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm Quế Trà My của tỉnh Quảng Nam. Huyện Bắc Trà My xác định quế Trà My là sản phẩm chủ lực OCOP của địa phương, hiện toàn địa bàn đã có trên 1.500 ha quế, phấn đấu đến năm 2025 diện tích quế trồng mới đạt 2.500 ha. 
Không chỉ là sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, quế Trà My còn là biểu tượng của cuộc sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Bắc Trà My nói riêng, được coi như là một tài sản lớn trong gia đình của đồng bào dân tộc miền núi. 

KHÁNH CHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top