Sống mòn trong những biệt thự cũ ở Hà Nội (Bài 4); Gợi ý nào cho Hà Nội trong việc trùng tu, bảo tồn?

VHO- Tham gia cố vấn cho nhiều công trình trùng tu nhà kiến trúc Pháp tại Hà Nội nhưng lần đầu tiên ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình trùng tu từ khâu nghiên cứu đến khánh thành công trình tại biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dưới góc nhìn chuyên môn, ông Emmanuel Cerise đã đưa ra những nhận định và gợi ý cho Hà Nội để kho di sản đô thị trở thành tài sản và không chỉ còn là ký ức.

Sống mòn trong những biệt thự cũ ở Hà Nội (Bài 4); Gợi ý nào cho Hà Nội trong việc trùng tu, bảo tồn? - Anh 1

 Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội sau khi trùng tu gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận

 Cần phát huy hiệu quả về mặt kinh tế

Hoàn Kiếm là quận có mật độ đậm đặc các công trình kiến trúc Pháp, do đó TP Hà Nội và quận đã dành sự quan tâm đối với hệ thống công trình này. Nhiều công trình kiến trúc Pháp hay những công trình kiến trúc cũ của Việt Nam, đặc biệt trong khu phố cổ đã được trùng tu, tôn tạo. Rất nhiều những dự án sau khi được trùng tu, tôn tạo đã được đưa vào khai thác, nhưng phần lớn đều là những thiết chế văn hóa và trở thành nơi tổ chức hoạt động văn hóa. Về phát huy giá trị văn hóa, tôi thấy ổn. Tuy nhiên, có thể nhận ra rằng, các dự án bảo tồn di sản này chưa đạt được hiệu quả về việc thiết lập mô hình kinh tế.

Các công trình bảo tồn này khi đưa vào khai thác chưa tạo ra được nguồn thu bù lại kinh phí trùng tu hoặc nuôi sống được quá trình vận hành công trình đó. Cũng có một số dự án nhà tư nhân đã làm nhưng xu hướng đều chuyển thành nhà hàng. Tất nhiên nếu họ làm tốt, không làm mất đi những gì thuộc về giá trị di sản của công trình ấy thì chúng ta hoàn toàn ủng hộ. Còn những công trình có tính chất công sản thì thời gian tới chúng ta cần tiếp tục thảo luận để đi tìm cho nó một mô hình kinh tế, đảm bảo được tính bền vững của dự án trùng tu và phát huy giá trị.

Thực tế cho thấy, một số công trình tôn tạo thì hầu hết công năng gốc là thiết chế văn hóa hoặc không, nhưng sau khi trùng tu thì chúng được sử dụng như một thiết chế văn hóa. Điển hình và đầu tiên chính là Nhà hát Lớn Hà Nội, công năng gốc và hiện tại đều là Nhà hát. Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm trước là Hội quán của người Hoa, sau khi cải tạo thì cũng trở thành một trung tâm văn hóa. Xưởng in trên phố Tràng Tiền cũng vậy, trở thành một trung tâm văn hoá. Thông thường biến công trình thành một trung tâm văn hóa là cách làm dễ nhất, đơn giản nhất và dễ được tiếp nhận nhất, thế nhưng chúng ta cũng cần phải tính đến các chức năng khác nữa. Có lẽ cũng đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc đi tìm những công trình kiến trúc cũ mà sau khi trùng tu, tôn tạo có thể trở thành một công trình mang tính chất thương mại hoặc tính chất di sản công nghiệp.

Chính quyền + người dân + thợ am hiểu và lành nghề

Những người cư trú trong khu biệt thự là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về sự xuống cấp của công trình, bởi hầu hết những người được sống trong ngôi biệt thự đó đều có niềm tự hào nhất định, mặc dù họ phải cùng sống chung với nhiều gia đình khác. Trong quá trình sinh sống ở đó, nếu các hộ dân đồng thuận, có trách nhiệm và biết cách duy tu bảo dưỡng thì biệt thự ít bị xuống cấp hơn. Cũng có một bộ phận không nhỏ không quan tâm đến chuyện duy tu bảo dưỡng, coi đó là của chung thì chắc chắn ngôi nhà sẽ bị xuống cấp nhiều hơn.

Một dự án về bảo tồn, tôn tạo công trình thì bao giờ cũng bắt nguồn từ mong muốn và ngân sách. Cả hai yếu tố này liên quan đến người dân và chính quyền. Nếu người dân cư trú trong công trình đó mong muốn trùng tu, giữ gìn, họ cũng phải đóng góp vào quá trình đó; còn mong muốn của chính quyền thể hiện ở những chủ trương, chính sách để bảo vệ, kèm theo đó là huy động kinh phí để cùng với người dân bảo tồn.

Nhưng hai yếu tố trên cũng chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là thông tin, sự hiểu biết về công trình và trình độ tay nghề của người thợ tham gia bảo tồn. Khi người dân hay chính quyền có mong muốn tôn tạo công trình và huy động đủ nguồn kinh phí để thực hiện dự án nhưng không hiểu gì về lịch sử ngôi nhà đó, không hiểu được giá trị thực sự cần bảo tồn của ngôi nhà dẫn đến làm sai. Hoặc họ có mong muốn, có tiền, có kiến thức rồi nhưng lại mời một đội thợ không có tay nghề thì cũng dẫn đến những sai lệch, không đúng nguyên gốc của công trình cần bảo tồn.

Tôi nói nhiều về hai đối tượng chính là người chủ sở hữu và người cư trú trong ngôi nhà đó bởi vì khi hai đối tượng này kết hợp với nhau thì sẽ tạo ra một “công thức” để ra được những dự án trùng tu hiệu quả. Ví dụ như ở Pháp, hai đòn bẩy trong mọi dự án bảo tồn kiến trúc di sản là giảm thuế đất và thuế kinh doanh. Chính quyền có các văn bản pháp quy hoặc các quy định về bảo tồn di sản rất chặt chẽ, ví dụ trong phạm vi của khu nội đô thì họ khoanh vùng bảo tồn di sản cấp 1, cấp 2… Những ngôi nhà trong khu vực này được xếp hạng là một di sản kiến trúc thì khi cần cải tạo đương nhiên phải theo quy định. Nhưng được kèm theo biện pháp hỗ trợ về tài chính, trong đó, hỗ trợ bằng tiền mặt không nhiều mà thông qua chính sách thuế. Ở Việt Nam, chính sách thuế nhà đất không nhiều nên miễn giảm thuế đất không đáng bao nhiêu, nhưng ở Pháp nếu bạn sở hữu một ngôi nhà di sản trong trung tâm Paris thì thuế phải trả khá cao. Trong trường hợp trùng tu, chính quyền giảm hoặc miễn thuế là sự khuyến khích về mặt tài chính rất lớn. Mặt khác, nếu người chủ sử dụng dự kiến sau khi bảo tồn xong họ khai thác làm nhà hàng, khách sạn thì trong quá trình kinh doanh đó họ được giảm thuế. Người chủ biệt thự sẽ thấy họ có lợi khi tuân theo những quy định bắt buộc.

Một số thành phố thuộc nhóm đô thị châu Âu như Barcelona (Tây Ban Nha) hay Venice (Italia) thì áp dụng một loại thuế với du khách, tạm hiểu là thuế lưu trú. Ví dụ, khách sạn bình dân thì 1 euro/đêm, nhưng khách sạn lớn hơn thì 4 - 5 euro/đêm, đây cũng là nguồn thu quan trọng để tạo ra một nguồn quỹ hỗ trợ cho các dự án di sản. Người ta lập luận rằng, khách du lịch đến tham quan không gian đô thị của thành phố, có những công trình di sản để bảo tồn thì họ phải trả một khoản phí, họ đi bên ngoài đường ngắm nghía cũng phải trả phí, tính vào tiền lưu trú tại thành phố đó.

Không phải ai cũng hiểu về trùng tu, tôn tạo kiến trúc Pháp

Quay trở lại với dự án 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, đây là dự án mà chủ đầu tư là quận Hoàn Kiếm và chúng tôi được mời tham gia hỗ trợ về mặt chuyên môn từ lúc bắt đầu (cách đây gần 10 năm, từ lúc những hộ dân cơi nới xung quanh chưa bị giải tỏa) tới khi hoàn thành.

Về những phản ứng vừa qua, tôi khẳng định rằng đó chỉ là một bộ phận chứ không phải là toàn bộ. Có thể, khi có cái gì mới mẻ quá thì cũng gây cho người ta một phản ứng lạ lẫm và muốn chối bỏ nó. Họ phản ứng như thế bởi vì không biết công trình trước đây nguyên gốc như thế nào, nên khi chúng ta cố gắng khôi phục nguyên gốc thì một bộ phận cho rằng không thể chấp nhận được. Có điều, tôi cũng thấy lạ là tại sao người ta đổ xô vào phê phán về màu sơn trong khi ở Hà Nội thời gian gần đây có nhiều công trình xây mới nhái kiến trúc Pháp một cách rất tệ hại thì không thấy ai phản đối, hoặc có nhiều công trình kiến trúc Pháp đã bị âm thầm giật đổ xuống, cố tình làm cho hư hại, để phá đi xây một nhà mới thì chẳng thấy có ai giận dữ; thậm chí coi đó như là chuyện bình thường.

Sau đó lại dư luận lại quay sang soi xét về cái gờ mi cửa sổ. Đấy không phải là yếu tố gốc của kiến trúc Pháp, nó phá vỡ bố cục của phần ống thang; nên chúng tôi mới quyết định bỏ nó đi. Qua việc này chúng tôi thấy rằng, nhận thức, hiểu biết của một bộ phận người dân và cả một bộ phận KTS (Việt Nam ít KTS làm bảo tồn, chủ yếu là KTS thiết kế) về kiến trúc Pháp chưa đầy đủ.

Tôi không buồn về phản ứng của người dân về kết cấu, màu sắc nhưng tôi buồn khi họ đề cập đến con số hơn 14 tỉ đồng dành cho dự án trùng tu bảo tồn, vì họ so sánh con số này với một công trình xây mới một biệt tự theo kiến trúc “nhái” Pháp. Phải hiểu rằng một dự án trùng tu tốn kém hơn gấp rất nhiều lần so với một dự án xây mới bởi vì các công đoạn rất khắt khe, tốn kém về mặt nhân lực cũng như đi tìm các vật liệu đúng loại… Nếu một công trình này ở Pháp thì phải tốn đến vài chục tỉ đồng. 

Sống mòn trong những biệt thự cũ ở Hà Nội (Bài 4); Gợi ý nào cho Hà Nội trong việc trùng tu, bảo tồn? - Anh 2

 Một dự án về bảo tồn, tôn tạo công trình thì bao giờ cũng bắt nguồn từ mong muốn và ngân sách. Cả hai yếu tố này liên quan đến người dân và chính quyền. Nếu người dân cư trú trong công trình đó mong muốn trùng tu, giữ gìn, họ cũng phải đóng góp vào quá trình đó; còn mong muốn của chính quyền thể hiện ở những chủ trương, chính sách để bảo vệ, kèm theo đó là huy động kinh phí để cùng với người dân bảo tồn.

(Ông EMMANUEL CERISE, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam)

 

 QUỲNH HOA - THU TRANG (ghi)

Ý kiến bạn đọc