Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hoá xã: Thay đổi nhận thức cộng đồng

Thứ Sáu 30/11/2018 | 09:52 GMT+7

VHO- Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐVHX) giai đoạn 2013 - 2020 đã diễn ra sáng qua 29.11 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã chỉ đạo Hội nghị.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng trao bằng khen cho các đơn vị thực hiện tốt Chương trình 430

 Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của hai Bộ, các tỉnh, thành đã tiến hành tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Sở VHTTDL, Sở VHTT và Sở TTTT; đồng thời tổ chức ký kết Quy chế luân chuyển sách, báo giữa Thư viện tỉnh, thành với Bưu điện tỉnh, thành. Theo báo cáo của các địa phương, cho đến nay đã có 62 tỉnh, thành tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai ngành, đạt tỷ lệ 98,4% (một tỉnh không ký kết là Hòa Bình).

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), qua 5 năm thực hiện Chương trình, BĐVHX đã từng bước trở thành điểm cung cấp thông tin, văn hóa ở địa phương. Trong tổng số 62 tỉnh, thành ký kết chương trình phối hợp công tác, có 57 tỉnh, thành đã thực hiện luân chuyển sách, báo giữa thư viện cấp tỉnh, huyện và điểm BĐVHX. Tần suất luân chuyển, tuỳ theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương nhìn chung là 3 - 6 tháng/lần. Số lượng điểm BĐVHX tiếp nhận sách từ thư viện có tăng lên hằng năm nhưng không nhiều. Đến thời điểm này mới có 1.731 điểm BĐVHX có tham gia nhận sách từ thư viện trên tổng số hơn 8.000 điểm BĐVHX trên toàn quốc. Số lượng bản sách luân chuyển/lần chưa nhiều, nội dung sách còn nghèo nàn, cũ và thực sự chưa phù hợp, đáp ứng với nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi và các sách thiết yếu khác...

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho biết: “Kết quả lớn nhất của Chương trình 430 là đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng. Sách không nằm ở thư viện tỉnh, huyện nữa mà đã thực sự đến được với cộng đồng, với từng gia đình, dòng họ, từng cá nhân. Đã có lần chúng tôi đi kiểm tra tại một thư viện ở huyện, tôi đã nhìn thấy một em tới BĐVHX để đọc sách và khi hỏi cán bộ thư viện thì chúng tôi được biết em bé này thường xuyên đến thư viện để đọc sách. Đây là một hình ảnh rất quý, vì thế chúng tôi thiết tha đề nghị cả hai Bộ nên có chính sách thiết thực làm sao để chương trình như một cú hích, để văn hóa đọc ngày càng phát triển”. Bà Phạm Thị Kim, đại diện của tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, hiện các điểm BĐVHX ở Đắk Lắk đã mở cửa phục vụ thường xuyên các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi ngày bình quân phục vụ 4 tiếng, số lượng khách đến đọc sách và giao dịch hằng ngày trung bình từ 10 - 20 người. Việc luân chuyển sách được thực hiện định kỳ 6 tháng một lần, mỗi lần từ 150 bản sách trở lên.

Bên cạnh những thành công, Chương trình 430 cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế: Một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình; Số lượng bản sách luân chuyển/lần chưa nhiều, nội dung sách còn nghèo nàn, cũ và thực sự chưa phù hợp, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi. Tình trạng mất mát sách, báo trong quá trình luân chuyển, phục vụ vẫn tiếp tục gia tăng; cơ chế hỗ trợ (phụ cấp thêm) cho nhân viên điểm BĐVHX cho việc kiêm nhiệm thêm hoạt động phục vụ sách báo hầu như chưa được chính quyền địa phương các cấp quan tâm...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Chương trình 430 đã đạt được kết quả hết sức quan trọng, đặc biệt là đã đưa tri thức, văn hóa đến với cộng đồng. Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu tiếp cận của người dân với sách báo là rất lớn, trong thời gian tới Thứ trưởng Thuỷ mong các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện. Đề nghị Vụ Thư viện phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện VN phát huy những gì đã làm tốt và có những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm BĐVHX (phụ cấp cho nhân viên, kinh phí bổ sung vốn sách báo luân chuyển, tỷ lệ hao hụt sách mất mát trong quá trình luân chuyển, phục vụ...) để bảo đảm tính bền vững của Chương trình.

 THANH NGỌC

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top