Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Thứ Hai 17/12/2018 | 12:10 GMT+7

VHO- Sáng nay 17.12, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ Nguyễn Khoa Điềm; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu nguyên là lãnh đạo và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Ðồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908 ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), được tiếp xúc với nhiều người thầy tâm huyết giàu lòng yêu nước; được sống, tham gia hoạt động trong không khí đấu tranh cách mạng sôi sục của các tầng lớp nhân dân, thanh niên và học sinh sinh viên Huế thời bấy giờ. Năm 17 tuổi, ông theo học tại trường Quốc Học Huế, đến năm 19 tuổi thì bị đuổi học vì dám bộc lộ quan điểm chống chính quyền đô hộ Pháp. Từ đây, ông bắt đầu những ngày tháng hoạt động cách mạng sôi nổi và giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: S.T

Năm 1928 đồng chí tham gia Ủy viên kỳ bộ Tân Việt cách mạng Ðảng Trung kỳ. Năm 1929 đồng chí Nguyễn Chí Diểu được cử vào Sài Gòn hoạt động và sau đó trở thành Bí thư tỉnh ủy Gia Định. Ông đã chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm- Hóc Môn, khu vực “Mười tám thôn Vườn Trầu”- nơi có truyền thống yêu nước và sau này trở thành địa bàn đứng chân của Trung ương Đảng  và xứ ủy Nam Kỳ. 
Tháng 10.1930 đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt và giam và đến ngày 9.5.1933 ông bị địch kết án khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Ðảo. Tháng 6.1936, đồng chí trở về Huế và tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương Ðảng và được phân công phụ trách miền Trung. Với trình độ hiểu biết về văn hóa và báo chí, Nguyễn Chí Diểu đã sử dụng báo chí và phát huy vai trò to lớn của báo chí phục vụ nhiệm vụ của cách mạng một cách có hiệu quả. Đây là hình thức đấu tranh mới, nổi bật của Đảng trong giai đoạn 1936-1939. Ông đã tích cực chỉ đạo để cho ra đời tờ báo Nhành Lúa, là tờ báo hoạt động công khai của xứ ủy Trung kỳ lâm thời và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ. Cũng tại trụ sở của báo Nhành Lúa, Nguyễn Chí Diểu đã dựa vào ảnh hưởng của mình để triệu tập cuộc họp đại biểu các nhà báo của Thừa Thiên Huế bàn việc đón Godart- Đại sứ CH Pháp để trao bản "Dân nguyện". 

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm. Ảnh: S.T

Năm 1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chỉ đạo thành công Đại hội báo giới Trung Kỳ với sự tham dự của 70 nhà báo đại diện cho giới báo chí Trung Kỳ. Các đại biểu tham dự hội nghị kêu gọi thành lập một mặt trận thống nhất của những người làm báo ở Đông Dương, yêu cầu được tự do xuất bản và thành lập Hội ái hữu báo giới Trung Kỳ. Sự kiện này là một thắng lợi chính trị quan trọng của đường lối mặt trận do Đảng lãnh đạo. Ðồng chí Nguyễn Chí Diểu qua đời vào ngày 15.9.1939, lúc mới 31 tuổi. 

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: S.T

Ông Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu dâng hương tại Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu tại làng Thanh Tiên. Ảnh: Ngọc Kiêm

Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu mãi mãi là nét son trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đạo đức và phẩm chất cách mạng của ông mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư, chỉnh trang nhiều hạng mục thuộc di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tại làng Thanh Tiên. Nhà lưu niệm đã trở thành điểm thăm viếng, tham quan, học hỏi dành cho du khách gần xa; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho  thế hệ trẻ và người dân trong vùng. 

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: S.T

Ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mãi mãi khắc ghi công ơn của người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, tấm gương sáng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Học tập và noi theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Chí Diểu toàn thể cán bộ, Đảng viên, đồng bào,chíến sĩ trong toàn tỉnh, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đồng tâm hiệp lực nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh thi đua yêu nước, phẩn đấu đảy mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, góp phần cùng với cả nước  thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân chủ, công bằng văn minh.
Sáng cùng ngày ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu.

SƠN THÙY

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top