Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dự án Luật Thư viện: Nhà nước cần dành nguồn kinh phí để xây dựng thiết chế văn hóa này

Thứ Sáu 24/05/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Trong phiên thảo luận ở tổ vào chiều qua 23.5 về dự án Luật Thư viện, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Luật cần thiết phải được ban hành để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

 Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện trước Quốc hội

Nhất trí với nội dung Tờ trình mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, Luật cần phải được ban hành để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới sau 18 năm triển khai việc thực hiện Pháp lệnh Thư viện.

Luật cần được xây dựng theo hướng mở

Đại biểu Tạo cũng cho biết ông quan tâm đến 2 vấn đề. Thứ nhất, việc phải đầu tư tương đối tốt cho hệ thống thư viện trung tâm ở các đô thị lớn, các tỉnh, Luật không nên vươn cánh tay dài xuống tới cấp huyện, xã. “Qua thực tế hiện nay, những người làm công tác quản lý nhà nước nhiều năm nhận thức được rằng nên đầu tư tập trung cho các thư viện lớn, chuyên ngành, các trường của hệ thống giáo dục và đặc biệt là các thư viện trung tâm. Sự đầu tư đó phải thỏa đáng hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển, nghiên cứu, học tập, khuyến khích sự phát triển của xã hội, có đông đảo thành phần tham gia”. Điều quan tâm thứ hai của đại biểu Tạo là thư viện cộng đồng. Cần phải làm rõ hơn khái niệm về loại hình thư viện này để có sự đầu tư, quan tâm trong việc kêu gọi xã hội hoá để thư viện cộng đồng phát triển, phục vụ cho đông đảo người dân.

Đại biểu Ngyễn Thị Phúc (Hưng Yên) lại đề cập đến việc phải quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hệ thống thư viện ở khối các trường phổ thông, cần phải có qui định rõ về nguồn đầu tư cho loại hình thư viện này để phục vụ tốt hơn cho thế hệ tương lai của đất nước, có nhu cầu học tập, tìm hiểu tri thức rất lớn. Đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng khi xây dựng, Luật Thư viện phải theo hướng mở với các chế định phải thông thoáng.

“Luật Thư viện tuy tác động không lớn nhưng khi có Luật Thư viện, tất cả người dân đều được hưởng lợi. Vì thế quan điểm Luật này phải được xây dựng theo 2 hướng. Một là qui định trách nhiệm của Nhà nước là phải dành một nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống thư viện phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay và Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý thật tốt để phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện nhằm bảo tồn các tài liệu quí, giá trị văn hóa tinh thần của nhân loại, tạo môi trường học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, hình thành kỹ năng cho người đọc. Thứ hai, đối với xã hội, đối với cộng đồng, chúng ta làm sao có những chính sách thu hút khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực thư viện mạnh hơn nữa để phát huy hệ thống thư viện, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, mọi cá nhân tham gia, đóng góp”, đại biểu Công nói.

Khẳng định vai trò của thư viện đối với sự phát triển văn hóa, con người

Trước phiên thảo luận ở tổ, chiều qua 23.5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện. Theo Bộ trưởng, Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

“Về quan điểm, dự án Luật Thư viện được xây dựng sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thiện và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế; khẳng định vai trò của thư viện đối với sự phát triển văn hóa, con người, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam; mở rộng chức năng và hoạt động để tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công song hành với tăng cường tính tự chủ của thư viện”, Bộ trưởng Thiện nói và cho biết dự thảo Luật Thư viện kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung 18 điều, quy định mới 33 điều so với Pháp lệnh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật. “Hồ sơ Dự án Luật Thư viện đã được chuẩn bị đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng Dự thảo Luật; hoàn thiện và trình dự thảo văn bản quy định chi tiết cùng với Dự án Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, Ủy ban nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật và có góp ý cụ thể. Chẳng hạn như về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, Ủy ban đề nghị quy định cụ thể hơn việc ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện; phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển thư viện. Một số chính sách như nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động thư viện, hợp tác quốc tế cần được cân nhắc đưa lên mức Nhà nước ưu tiên đầu tư thay vì hỗ trợ để tăng hiệu lực. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đặc thù thư viện trung tâm có vai trò quan trọng, vai trò và trách nhiệm của các thư viện này ngay tại Luật để đảm bảo tính khả thi…

 ... Quy định trách nhiệm của Nhà nước là phải dành một nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống thư viện phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay và Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý thật tốt để phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện nhằm bảo tồn các tài liệu quý, giá trị văn hóa tinh thần của nhân loại, tạo môi trường học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, hình thành kỹ năng cho người đọc.

(Đại biểu LƯU THÀNH CÔNG - Vĩnh Long)

 

 THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top