Quản lý chó, mèo tại Hải Phòng: Chủ yếu là nâng cao ý thức của chủ nuôi

VH- Sau khi Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15.9, nhiều tuyến đường, nhất là khu vực vùng ven, các tuyến đường trong khu dân cư ở Hải Phòng, tình trạng chó không rọ mõm, không xích thả rông vẫn diễn ra phổ biến.

Những con chó này khi thả rông ra đường không rọ mõm vừa gây nguy hiểm cho người, vật nuôi khác đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực tế ghi nhận nhiều vụ người dân gặp tai nạn thương tâm do bị chó cắn hoặc ngã xe do chó chạy rông ngoài đường.
Chủ tịch UBND phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) Nguyễn Văn Thạo cho biết, hằng năm, vào đợt cao điểm tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi, cán bộ thú y phối hợp với lãnh đạo các tổ dân phố thực hiện việc rà soát, lên danh sách vật nuôi và thực hiện tiêm phòng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Duy Hướng, cán bộ thú y phường Máy Tơ, tỷ lệ người dân đem chó, mèo nuôi lên phường tiêm phòng chỉ đạt 85-90%. Thống kê của Chi cục Thú y cho thấy, số lượng chó, mèo trong diện phải tiêm phòng của toàn thành phố là 140.573 con. Đến ngày 19.9.2017, số chó, mèo đã được tiêm phòng là 88.079 con, chiếm tỷ lệ 62,6%. Như vậy, còn tới gần 40% số chó, mèo chưa được tiêm phòng.
Qua ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương có thể thấy, hiện nay, việc quản lý đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn phường vẫn chủ yếu từ góc độ mỗi gia đình. Theo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) Trần Quốc Khánh, để hạn chế tình trạng thả rông chó, không rọ mõm, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nuôi chó trên địa bàn quan tâm nuôi nhốt, rọ mõm, sử dụng dây xích. Tuy nhiên, việc thực hiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân.
Từ ngày 15.9, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực. Hành vi thả rông chó không đeo rọ mõm, không có xích giữ hay người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ nuôi chó sẽ bị phạt tiền 600.000 đồng – 800.000 đồng. Trước đó, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 7.8.2017 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND các quận, huyện, xã, phường có trách nhiệm quy định vụ thể việc bắt giữ, thông báo và xử lý chó thả rông trên địa bàn quản lý; thành lập đội bắt chó thả rông, tăng cường tuần tra, bắt giữ và xử lý chó thả rông theo quy định. Tuy nhiên đến nay, các địa phương đều rất lúng túng trong việc triển khai nhiệm vụ này.
Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm Trần Quốc Khánh bộc bạch, không chỉ khó về nhân lực, chính quyền phường còn thực sự lúng túng về cách thức triển khai, việc bố trí địa điểm nuôi nhốt những con chó thả rông bị bắt về cũng như bảo đảm an toàn cho người đi thực hiện việc tuần tra, bắt giữ chó thả rông. Hiện nay, chính quyền phường chờ chỉ đạo từ UBND quận Lê Chân về nội dung này nên sẽ chưa thành lập đội bắt chó.
Còn theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Bùi Văn Luyện, kinh phí và nhân lực là vấn đề khó nhất đối với Chi cục nếu thực hiện chủ trương thành lập Đội bắt chó thả rông giống như mô hình của TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, để nâng cao chất lượng quản lý đàn chó, mèo nuôi, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh dại và các mối nguy khác, chính quyền các địa phương và ngành chức năng vẫn cần tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của các gia đình nuôi chó, mèo trong việc thực hiện tốt các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác rà soát, kịp thời tiêm phòng bổ sung để nâng cao tỷ lệ chó mèo được tiêm phòng dại, bảo đảm tỷ lệ miễn dịch quần thể theo quy định.

Song Lê

Ý kiến bạn đọc