Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Ngày hội lớn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam

Thứ Năm 03/12/2020 | 20:11 GMT+7

VHO-Sáng mai 4.12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) sẽ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020. Tham dự Lễ khai mạc có lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gần 1.600 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên cả nước.

Nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu các DTTS VN chiều 3.12

Với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, Đại hội là ngày hội lớn của cộng đồng các DTTS Việt Nam, là dịp để đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010 - 2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030; 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội lần thứ I năm 2010 và thông qua Quyết tâm thư của Đại hội lần thứ II; đồng thời tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân có tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến và các đại biểu dâng hương, chụp ảnh lưu niệm tại Đền Hùng, Phú Thọ sáng 3.12

Trước đó, sáng nay 3.12, đoàn đại biểu các DTTS Việt Nam do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đã dâng hương tưởng tưởng nhớ, tri ân trước anh linh các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. “Trước anh linh các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, đồng bào các dân tộc Việt Nam xin nguyện giữ gìn niềm tự hào, dòng dõi Tiên Rồng, ra sức rèn luyện, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng, phát huy ý chí, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên, bảo vệ vững chắc giang sơn bờ cõi. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa đất nước phát triển, làm rạng danh cơ đồ dân tộc, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó Thủ tướng kính cáo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn đại biểu các DTTS Việt Nam vào Lăng viếng Bác và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ

Sáng cùng ngày tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn đại biểu các DTTS Việt Nam đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đại biểu thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với công lao của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.

Chiều 3.12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thân mật tiếp Đoàn đại biểu 54 dân tộc tham dự Đại hội. Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020; lãnh đạo các Bộ, ngành cùng gần 100 đại biểu tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc tham dự Đại hội.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBND Hoàng Thị Hạnh với đồng bào DTTS trong Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2019

Trong không khí thân mật, ấm áp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề công tác dân tộc là sự quan tâm và dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Nhờ đó kết cấu hạ tầng được quan tâm, đầu tư, công cuộc xóa đói giảm nghèo có những chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, quốc phòng được quan tâm, vai trò già làng, trưởng bản, Người có uy tín, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy; niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước được củng cố và nâng cao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu cần tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân tích cực, gương mẫu, đi đầu, truyền cảm hứng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh. Trước mắt là chung sức, đồng lòng triển khai thật tốt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, góp phần giải quyết căn cơ nhu cầu của đồng bào DTTS, tạo sinh kế, tăng thu nhập, phấn đấu giảm dần, tiến tới không còn địa bàn ĐBKK vào năm 2030.

Chiều cùng ngày tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã diễn ra phiên trù bị của Đại hội. Báo cáo tổng hợp tại phiên trù bị cho biết,  51 tỉnh/thành phố và 55 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử đủ đại biểu đại diện cho 54 dân tộc tham dự Đại hội. Trong đó, các dân tộc có số lượng đại biểu đông nhất (có từ 100 đại biểu trở lên) gồm: Tày 225 người (chiếm 14,17%); Mường 176 người (chiếm 11,08%); Thái 142 người (chiếm 8,94%); Khmer 132 người (chiếm 8,31%), Mông 116 người (chiếm 7,3%). Các dân tộc có số lượng đại biểu ít nhất gồm 5 dân tộc: Chứt, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu (mỗi dân tộc 1 đại biểu). Đại biểu cao tuổi nhất là ông Huỳnh Phến, 91 tuổi, dân tộc Hoa, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; đại biểu trẻ tuổi nhất là em Nguyễn Đăng Lộc, 18 tuổi, dân tộc Tày, học sinh giỏi Trường chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước.

Trăn trở công tác bảo tồn văn hoá các DTTS

Đại diện duy nhất của dân tộc Chứt về dự Đại hội lần này, bà Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình bày tỏ niềm vinh dự được dự Đại hội, được gặp gỡ các dân tộc, được lắng nghe các chia sẻ của các dân tộc ở các vùng khác, học hỏi kinh nghiệm để làm việc tốt hơn ở địa phương mình. Là phụ nữ nhưng được bà con bầu làm trưởng bản trong nhiều năm, bà Lâm tự hào nhưng cũng day dứt khi bản sắc văn hoá dân tộc Chứt đã vơi đi ít nhiều. Trước đây, váy của người Chứt phải là váy xanh hoặc váy đen, dưới viền chân có màu đỏ hoặc trắng. Áo thêu hình núi trên cổ, trước ngực, nhưng giờ gần như không còn nữa.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Đông, dân tộc Mường ở huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ chia sẻ những khó khăn trong việc bảo tồn các giá trị dân tộc Mường. Tỷ lệ người dân tộc Mường ở huyện Thanh Thủy rất thấp, khoảng 12.000 người và sinh sống không ở tập trung, nằm rải rác các địa bàn khác nhau nên công tác bảo tồn văn hoá cũng hạn chế. “Cấp ủy và chính quyền cũng thành lập các câu lạc bộ nhằm giữ gìn phong tục tập quán của dân tộc Mường nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ngôn ngữ và văn hóa của người Mường đang mai một rất nhanh. Các thế hệ con cháu sinh từ sau năm 1985 cơ bản là không nói tiếng Mường”, ông Đông chia sẻ. 

Ông Lê Quang Nghìn, dân tộc Ngái, hộ nông dân sản xuất giỏi xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết “Hiện nay trên cả nước, người dân tộc Ngái còn tỷ lệ rất thấp, chỉ có dưới 1.000 người. Tại tỉnh Thái Nguyên có số người cao nhất với gần 500 nhân khẩu nhưng sống rải rác nhiều nơi. Do đó, tôi rất mong muốn sẽ sớm khôi phục được tiếng nói riêng và bản sắc của đồng bào dân tộc Ngái”.

Không chỉ mong muốn bảo tồn văn hoá truyền thống, các đại biểu cũng đề xuất thêm những chính sách, hỗ trợ mới giúp các dân tộc cùng phát triển trong sự phát triển chung của đất nước về đào tạo, vay vốn, nâng cao kiến thức...

“Con đường văn hoá” tái hiện đặc trưng văn hoá các dân tộc

Các nghệ sĩ trên “Con đường văn hoá”

Các đại biểu dự Đại hội sẽ được chào đón trên “Con đường văn hóa” do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc và Bộ VHTTDL.

NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Con đường văn hoá” tập hợp gần 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của cả nước nhằm tái hiện hành trình văn hoá các dân tộc từ Bắc vào Nam. Mỗi vùng, miền văn hoá được liên kết bằng các mô hình, các biểu tượng văn hoá đặc trưng như nhà sàn Bắc Bộ, cây nêu, nhà rông, tượng nhà mồ ở Tây Nguyên; chùa Khmer, tượng Chăm ở Nam Bộ...

Trong khuôn khổ Đại hội sẽ diễn nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như trình chiếu phim phóng sự về 54 dân tộc “Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hòa nhập cùng phát triển với đất nước” và phim “Khát vọng Đại đoàn kết”; đại hòa tấu nhạc cụ các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Âm vang đại ngàn”, dạ hội chào mừng thành công Đại hội với chủ đề “Tâm hồn Việt hướng tới di sản văn hóa thế giới”…

QUỲNH HOA - H. Quân; ảnh: TRẦN HUẤN-MINH THU

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top