Tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 62, nữ 60?

VH- Bộ LĐ,TB&XH vừa có Tờ trình dự thảo về sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó đã đề xuất hai phương án về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Phương án 1 (như hiện hành), tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

 Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1.1.2021 và theo lộ trình): Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1.1.2021 cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Một trong những lý do chính mà Bộ LÐ,TB&XH đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm bảo đảm cân đối Quỹ Hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế thì từ năm 2023, Quỹ Hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi trong năm, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp. Vì vậy, nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.

Hơn nữa, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2016 là 73,4 năm, trong đó nam là 70,8 năm, nữ là 76,1 năm; trong khi tuổi hưu trung bình của nam là 54,2 tuổi (Luật quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (Luật quy định là 55 tuổi). Có nghĩa là, thời gian hưởng lương hưu còn rất dài (trung bình là của nam là 16,6 năm; nữ là 23,5 năm). Mặt khác, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai thì lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động, góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi có trình độ, kinh nghiệm.

Bộ LÐ,TB&XH cũng đánh giá hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc