Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính nhân - chân tu yêu thương con người cả sau khi mất

Thứ Hai 25/10/2021 | 10:22 GMT+7

VHO- Tin Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch gây chấn động trong giới Phật tử, lương dân và trí thức nước nhà. Đám tang ông không chỉ có giới tăng lữ về viếng mà Nhà nước vị Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đến đưa tiễn.

 Gần trăm năm Hòa thượng Thích Phổ Tuệ vẫn gắn bó với ngôi chùa làng Ảnh: VTV

 Rất nhiều người thương xót vị Cao tăng, dù ai cũng biết quy luật của tạo hóa: Sinh - lão - bệnh - tử; người dân, trong đó có tôi tiếc thương cho một người đức độ, suốt đời tu tập dấn thân cho chữ Thiện của cuộc sống trần gian. Ông có lẽ là người nghiêm cẩn nhất biến “Phật Pháp thiên kinh vạn quyển” thành những điều thực tế đơn giản nhất răn dạy chúng sinh, và không chỉ ở lý thuyết, cả cuộc đời ông cũng là sự nhuần nhuyễn giữa Pháp và Hành, trở thành một tấm gương lớn cho con người ta phải noi theo.

Hòa thượng viên tịch ở tuổi 105, so với tuổi thọ trung bình bây giờ, ông hưởng dương khá thọ. Bản thân ông cũng nói: “Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị con người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo”. Khi đã khá thọ, ông lấy gương của vua Trần xuất giá đi tu, tuổi thọ chỉ hơn 50 mà bao nhiêu công quả để lại cho đời. Những điều tưởng giản đơn ấy lại gói ghém một triết lý nhân sinh bao trùm cuộc sống, ấy là cuộc sống có thể ngắn hay dài, song không phải ý nghĩa ở sự ngắn hay dài của thể xác mà ở những gì làm cho cuộc sống này.

Xem ra, những bậc Chân tu và những Chính nhân trên thế giới và cả trong nước ta đều có chung một quan niệm ấy.

Tôi cũng làm bạn với một bậc chân tu bấy lâu nay. Ông Pháp danh là Thích Đạo Lý, ngụ tại chùa Thiên Bửu, Ninh Phụng, Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Một ngày sau tai nạn xe cộ lần thứ nhất của tôi, đầu bị đập xuống đường, gãy xương bả vai, mặt đầy thương tích, cả vài tháng đau đớn lắm. Chợt một hôm có tin nhắn của một vị sư. Sư thầy ấy nhắn rằng: “Thưa nhà văn, tôi đọc chú đã lâu và muốn làm bạn”. Thấy một độc giả tu hành nhớ nhiều bài viết của mình, đặc biệt quan tâm tới những bài về tình yêu đất nước, lòng đạo hiếu, sự biết ơn… tôi đồng ý kết bạn.

Rồi tôi bị tai nạn, cưa máy cắt đứt ba ngón tay, tuy được chắp nối nhưng rất đau đớn. Vị sư thầy thương xót lắm, ngày nào cũng thư, nhắn tin hỏi, lại thường cầu nguyện vào sớm và chiều, thỉnh cả hồng chung để mong cho tôi mau lành bệnh. Nhiều trao đổi ngắn bàn về thơ ca, về cả thiền học, sau tôi mới tường rằng sư thầy do động lòng thương xót một nhà văn nên đã cố gắng tìm hiểu để lựa chuyện, mong cho tôi qua đi những cơn đau, cả những vết thương chiến tranh khi trời trở gió.

Mùa xuân năm ngoái, sư thầy Đạo Lý bay ra Bắc. Chiều bay, tối đến, hẹn sớm sau cùng hai cụ già tu tại gia trò chuyện cùng tôi.

Cảm kích trước người bạn mới ra Hà Nội cốt để gặp nhau. Tôi chân thành kể cho thầy nghe về đời tôi, cả những băn khoăn diệt tập tính xấu ở “ngã”, mòn mỏi đấu tranh với chính mình suốt cả đời người. Sư thầy cũng vui mà kể ra tóm tắt những gì về thầy. Hóa ra chúng tôi có tiền duyên.

Chúng tôi từng học chung một trường thuộc hệ thống Vạn Hạnh ở hai đầu Nam - Bắc. Trường Vạn Hạnh xưa ở Hà Nội là trường tư, do các nhà sư trong Giáo hội Phật giáo lập nên, đối diện với Nhà thờ Hàm Long. Năm 1953, vì nghịch ngợm, cậu mợ bắt tôi đi học lớp năm (tức lớp một bây giờ) tại trường Tiểu trung học Vạn Hạnh. Trường này chuyển vào Nam và mở đến hệ đại học. Thầy Đạo Lý xuất gia từ nhỏ, sau tu nghiệp ở Đại học Vạn Hạnh.

Rồi sư thầy Đạo Lý đã rời ngôi chùa đầy đủ tiện nghi, vật chất ở Sài Gòn, xin về quê hương Khánh Hòa nhận coi sóc ngôi chùa cổ. Ông kể, việc ông làm hằng ngày là trông coi việc đạo, tự trồng lúa lấy gạo, trồng rau đậu để sinh sống, chăm sóc lương dân quanh vùng. Nhân dân cúng tiến, ông gom góp xây dựng, sửa chữa chùa.

Tháng 5.2020, tôi lại bị tai nạn nặng lần thứ ba. Tôi tự biết căn tính của bản thân nên lấy hội họa để dưỡng tâm, tránh những bất an do bản chất nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, thiếu kiềm chế có thể làm con người tôi xấu xa đi. Hội họa như thiền định, giúp người ta an tĩnh.

 Tăng ni, phật tử thành kính tiễn biệt Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Thầy Đạo Lý dường như biết trước các sự kiện, những khó khăn nảy sinh ở tâm hồn tôi nên sớm nào cũng liên lạc và tỏ ra rất lo lắng mỗi khi tôi quá đau buồn. Một nhà sư tuổi kém tôi hai mươi năm, bằng sự quán chiếu thông tuệ dường như hiểu thấu tình trạng rất kém của tôi mà ra sức động viên bằng niệm thiện, khích lệ tôi vượt qua bản ngã khi tôi cảm thấy rất tuyệt vọng. Ông luôn khích lệ tôi “năng cười, tha lượng để vượt qua được chính mình”. Cũng thông qua việc đàm đạo những triết lý cổ, ông trau dồi cho tôi thêm sâu kiến năng, cốt tự đào sâu thêm chính bản ngã của tôi, cố thoát ra khỏi cái vòng nghiệp sinh ra từ căn tính bất khuất lại nóng nảy của mình.

Thực ra, tôi có lo lắng riêng do hoàn cảnh cá nhân. Con trai tôi mới bảy tuổi mà sức khỏe tôi yếu đi từng ngày ở tuổi 70. Đoán chừng tâm lý, Tết Nguyên đán vừa qua, thầy Đạo Lý cầu xin Phật Tổ nhường năm năm tuổi sống cho tôi. Từ bàn cổ tới nay, chỉ cha mẹ, anh em ruột thịt mới có thể hy sinh tuổi thọ cho nhau như thế. Thầy cũng không chỉ ứng xử với riêng tôi như vậy. Ông dành nhiều thời gian, cả tinh thần và vật chất để cứu giúp nhiều người bạn, Phật tử, giúp họ vượt qua hoàn cảnh éo le. Trong những ngày dịch Covid hoành hành, thầy khoe với tôi mấy chồng gạo tự trồng cấy dành để phát cho ai thiếu đói quanh vùng. Những vật phẩm của nhà chùa, lương thực, hoa quả, thầy luôn kêu ai cần đều có thể mang về. Ông cũng kể việc ông giáo hóa Phật tử, lương dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước, tránh tụ tập đông người, góp phần vào an ninh chống dịch của vùng ông sống. Nhiều ngày, qua webcam FB, tôi tận mắt thấy ông trong ngôi chùa vắng, một mình thực hiện nghĩa vụ công dân với lao động mà luôn tươi cười lạc quan.

Tình bạn và sự chân thiện của nhà sư làm tôi càng cảm thấy cuộc đời này đáng sống hơn. Rằng người ta, mỗi người có thể tìm thấy hạnh phúc, bình an chính ngay cõi dương gian này mà không cần nhiều vật chất, danh vọng.

Đạo Phật đã thay đổi qua nhiều đời, ở nhiều nơi bị “biến báo” dưới nhiều hình thức, nhưng những vị chân tu nhập thế dù lặng lẽ, như sư thầy Đạo Lý bạn tôi, vẫn đang giúp đời hướng thiện. May mắn gặp họ, chúng ta được hướng về phần sáng của tâm hồn.

So với Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, về tuổi đời và tuổi tu, sư thầy Thích Đạo Lý chỉ ở hàng học trò. Nhưng họ giống nhau ở lối sống tránh xa vật chất, danh vọng, tôn trọng và lắng nghe nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình. Họ hiểu người, vận động mọi huệ năng của Nhà Phật để thấu hiểu từng người, bởi họ đều quan niệm rằng, có hiểu thì mới có thương yêu tha nhân trọn vẹn. Tinh thần Phật giáo được họ đem vào đời, dùng từ bi và sự quán chiếu minh triết sâu sắc để có thể giúp đỡ chúng sinh sao cho phù hợp hoàn cảnh từng người.

Đã lâu rồi, chúng ta mới được biết đến câu chuyện về lối sống dung dị và tuyệt đối thanh bần của một vị chân tu như Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Triết lý của ông không chỉ áp dụng với người tu: “Nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì mà dạy người? Lấy gì để mọi người noi theo?”.

Cuộc đời cá nhân các bậc chân tu không chỉ thực hành triết lý sống qua lý thuyết - Phật Pháp của Nhà Phật, mà còn hướng tha nhân đến lối sống tu chỉnh mình tốt đẹp hơn. “Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn”, Ngài di chúc, “đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của tăng ni, phật tử”. Điều này cũng giống lời dặn của nhiều vĩ nhân trong lịch sử đương đại của nước nhà. Những bậc triết nhân tiền cách mạng gọi chung là Chính Nhân.

Các bậc Chân Nhân và Chân Tu của đạo và đời gặp nhau ở lòng yêu thương tha thiết con người, họ đều nghĩ tới nhân dân cả sau khi mất. 

 Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top