Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Quốc hội kết thúc hai ngày thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội

Thứ Ba 09/11/2021 | 18:03 GMT+7

VHO-Chiều nay 9.11, sau hai ngày làm việc sôi nổi, Quốc hội đã kết thúc phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV...

Trong hai ngày thảo luận tại hội trường đã có 120 đại biểu thuộc 57 đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu. Có 2 đại biểu tham gia tranh luận. Các Bộ trưởng của 5 Bộ đã tham gia phát biểu giải trình thêm về một số vấn đề có liên quan.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Ảnh: TTXVN

“Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc đã thể hiện tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá.

Trong hai ngày thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ghi nhận sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Các đại biểu đã tập trung phát biểu về nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân và khôi phục kinh tế.

 “Nhiều ý kiến các đại biểu đã nêu về cân đối ngân sách về phát triển kinh tế - xã hội trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và những biến động khó lường của kinh tế thế giới. Nhiều đại biểu đề nghị cần có chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, khả thi với những giải pháp mạnh, đột phá, khắc phục được bất cập của thời gian qua. Chương trình cần có kịch bản cụ thể và chia giai đoạn phù hợp với thực tiễn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Trần Huấn

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đã có nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến bất cập, hạn chế cần được khắc phục. Những giải pháp cần được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và kiểm soát dịch Covid-19. Các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, thống nhất lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương để dành nguồn lực kiểm soát dịch và khôi phục kinh tế, cơ bản thống nhất tỷ lệ điều tiết ngân sách chỉ áp dụng riêng cho năm 2022 cho phù hợp với diễn biến phức tạp của tình hình thực tế.

Bắt đầu từ ngày mai 10.11, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo Tổng thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 10 đến hết sáng ngày 12.11. Sẽ có 4 nhóm vấn đề cử tri đang quan tâm để chất vấn, gồm y tế, lao động-thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giáo dục và đào tạo. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 4 thành viên Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn. Tiếp tục kế thừa cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã được thực hiện tại các kỳ chất vấn trước, tại kỳ họp này, mỗi lượt sẽ có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn. Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Về cách thức trả lời chất vấn, người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề chất vấn. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, làm cơ sở giám sát việc thực hiện.

THU SÂM

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top