Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào: “Chúng tôi về đây đồng đội ơi!”

Thứ Năm 21/07/2022 | 19:42 GMT+7

VHO-Những ngày này, thời tiết tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào rất hanh khô và nắng gắt. Nhưng sự khắc nghiệt ấy vẫn không thể nào ngăn được  hàng vạn bước chân của dòng người đổ về “địa chỉ đỏ” thắp nén tâm nhang để tri ân các anh hùng, liệt sĩ. 

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào

Nằm sát quốc lộ 7 trên tuyến đường lên cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào), Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào tọa lạc yên bình giữa trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn (Nghệ An). Những ngày này, nghĩa trang luôn tấp nập người đến viếng, thắp nén tâm nhang tri ân những người con ưu tú của đất Việt từng làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Lào.

Thắm tình hữu nghị sắt son 

Đến Nghĩa trang có những CCB đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha và những đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc. Lặng lẽ đặt bó hoa trước Đài Tổ quốc ghi công rồi thành kính thắp nén nhang thơm lên những phần mộ Anh hùng liệt sĩ, CCB Vi Đức Cường, 76 tuổi, trú tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông (Nghệ An) mắt rơm rớm đứng rất lâu trò chuyện, nhắn nhủ: “Đồng đội ơi, chúng tôi về thăm các bạn đây, các đồng chí hãy yên lòng an nghỉ!”. 

Chiến sĩ Vi Đức Cường thuộc Đại đội 24, Trung đoàn độc lập 866, chiến đấu tại Lào từ năm 1965 đến tháng 5.1974. Thời kỳ ác liệt nhất là những năm 1969 - 1970, vào mùa mưa, ta không có đủ vũ khí đạn dược và lương thực thực phẩm, còn phía địch thì có trực thăng cứu tế và đổ bộ, nên lực lượng của ta hầu hết phải lui về tận biên giới Việt-Lào là Nọng Hét và Kỳ Sơn. Năm 1969, chúng điều động 50 tiểu đoàn đánh vào Cánh đồng Chum nên chính quyền Pa-thet Lào phải sơ tán nhân dân tỉnh Xiêng-khoảng về Nghệ An, chỉ có quân tình nguyện Việt Nam là bám trụ lại. Trong suốt các năm 1965 đến 1974, chiến sĩ Vi Đức Cường chủ yếu chiến đấu ở mặt trận Cánh đồng Chum Xiêng-khoảng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn 866 đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà nước Lào tặng Huân chương Ít xa la Hạng nhất. Đại đội Đặc công 24 và chiến sĩ Vi Đức Cường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

 Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào và chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt tại SVĐ huyện Anh Sơn

Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đội mưa luyện tập chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt tại Sân vận động huyện Anh Sơn (tối 21.7.2022). Ảnh: Nguyễn Hoàng Cầm

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022), Bộ VHTTDL phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ tưởng niệm, thắp nến tri ân và chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt vào tối 23.7 tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào và Sân vận động thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.

Tưởng nhớ đồng đội, CCB Vi Đức Cường đau đáu nói về “tâm nguyện đời người”, đó là tìm kiếm, quy tập hài cốt những đồng đội đang nằm dưới những khe núi, thung sâu, đã hòa mình vào mảnh đất bạn Lào. “Cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu với nhau nhưng mình may mắn còn sống mà đồng đội thì hy sinh. Nỗi đau đó như bản thân mất đi ngón tay, ngón chân. Xót thương vô cùng. Chưa khi nào chúng tôi nguôi quên đồng đội mình”, ông Cường day dứt. 

Trong các đoàn thăm viếng dịp này, đoàn của Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa Quân tình nguyện Việt Lào - Bộ đội Trường Sơn, ngoài đến nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những CCB còn mang theo lời ca tiếng hát để tri ân các đồng đội đang yên nghỉ. Đứng trước mộ hàng nghìn liệt sĩ, ca khúc “Tình Việt Lào” được cất lên từ CCB Trần Thị Tâm. Bà Tâm nghẹn ngào: “Đây là lần thứ hai tôi đến viếng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, nhưng cũng như lần trước, cảm xúc đều khó tả. Tôi rất xúc động và vinh dự khi được cất lời ca tiếng hát để kính dâng lên vong linh các anh hùng liệt sĩ. Các anh hy sinh xương máu của mình để đất nước có được ngày bình an, có được hòa bình như hôm nay”.

Tiếp nối truyền thống

Trong không gian trầm hùng với bạt ngàn khói hương nghi ngút và dòng người đến dâng hương, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào cho biết, Nghĩa trang được xây dựng trên diện tích gần 7 ha, là nơi yên nghỉ gần 11.000 anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, quê quán từ 47 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó có hơn 3.500 ngôi mộ xác định được tên, còn lại gần 7.000 ngôi mộ chưa xác định được tên. 

Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào

Nghĩa trang được xây dựng dựa trên tinh thần hữu nghị giữa hai dân tộc, hai quốc gia là Việt Nam và Lào, nơi quy tập mộ của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu và hy sinh tại nước bạn Lào. Nơi đây là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc. Tinh thần đó đã được khắc sâu vào văn bia dựng ở hai bên phải, trái ở sân đài chính, một bia chữ Việt, một bia chữ Lào. Hằng năm, Ban Quản lý Nghĩa trang đón tiếp hàng vạn khách đến thắp hương thăm viếng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho cả hai dân tộc.

Toàn thể kiến trúc nghĩa trang được xây dựng nghiêm trang, tạo cảm giác linh thiêng, thành kính, chia thành 10 hạng mục công trình với 19 khu ô mộ.  Trong nghĩa trang được đắp hai bức phù điêu mỗi bức cao gần 4m, dài 20m thể hiện hình ảnh của bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathét Lào dũng cảm, hiên ngang, kề vai sát cánh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù chung vì hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc của 2 dân tộc anh em. Đó còn là hình ảnh những người mẹ, người vợ tiễn con, tiễn chồng ra trận với ánh mắt dõi theo trìu mến, thân thương. 

Hằng năm, đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Quân khu IV tổ chức hàng chục đội quy tập trên khắp những ngả đường Trường Sơn, vùng thượng Lào, Savana khẹt,... Những con người một thời hy sinh cho đất Mẹ được trường tồn vĩnh cửu nay hòa tan vào đất Mẹ hay thấm vào nguồn nước của nước bạn Lào. Trong những ngôi mộ ấy có ngôi mộ có từ thời mới xây dựng nghĩa trang cho đến những ngôi mộ mới nhất, dấu sơn vẫn còn mới. Không biết được các anh là ai, nhưng các anh đã nghỉ lại đây, trên đất Mẹ thân thương. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, ngoài các liệt sĩ có quê từ Nghệ An, còn có rất nhiều các liệt sĩ khác quê ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang… Tất cả các anh đã cùng mang sức trẻ của mình cống hiến cho đất nước bạn cũng là một cách để bảo vệ đất nước mình.

Từ năm 1997 đến nay, vào dịp 27.7 hằng năm, tỉnh Nghệ An và huyện Anh Sơn tổ chức Lễ hội “Uống nước nhớ nguồn” tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Đây là một lễ hội đặc biệt, có ý nghĩa nhân văn cao cả, với tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa” và “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tưởng nhớ những người đã hy sinh để cho đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, ấm no, đã thu hút hàng vạn người từ cả nước và nước bạn Lào về dự. Năm nay, tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Lễ hội Uống nước nhớ nguồn, với nhiều hoạt động được tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào: Lễ tưởng niệm, thắp nến tri ân được tổ chức vào 18h45 ngày 23.7. Đặc biệt năm nay sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt”. 

Về công tác chuẩn bị lễ Thắp nến tri ân, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, Ban quản trang hiện có 7 người. Gắn bó ở đây cán bộ quản trang đã quen thuộc từng lối mộ, nắm rõ từng vị trí, số hiệu của từng phần mộ. Hàng ngày được chăm lo, bảo vệ từng phần mộ cho các liệt sĩ và đón tiếp các đoàn, thân nhân các gia đình liệt sĩ đến thăm viếng nghĩa trang là niềm vui của chúng tôi. Với những ngôi mộ chưa biết tên, không người thân thăm viếng thì đơn vị xem các anh như người thân, chăm sóc một cách chu đáo. Như công việc hằng ngày, chuẩn bị lễ tri ân thắp nến, các phần mộ nơi đây được ban quản trang lau dọn sạch sẽ. Hàng cây được cắt tỉa gọn gàng, các ngôi mộ được chăm sóc sạch sẽ. Đặc biệt, để chăm sóc mộ phần của liệt sĩ, học sinh của 7 trường THPT và THCS ở huyện Anh Sơn kết nghĩa với Ban quản lý nghĩa trang cũng đã thay phiên nhau đến lau dọn sạch sẽ khu mộ. Chính từ việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Việt-Lào, các em học sinh được giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình cảm thiêng liêng đối với người đã ngã xuống, lòng tự hào dân tộc và yêu hơn nước Việt thân yêu. 

“Với khẩu hiệu “khát vọng, nghị lực và cống hiến”, Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi nói riêng và thế hệ CCB chúng tôi luôn mong muốn các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, yêu lịch sử. Nếu không hiểu về quá khứ chúng ta khó có thể trưởng thành được. Lịch sử, trong đó có công lao mà cha ông ta đã gây dựng và hy sinh xương máu sẽ là bước đệm cho các em vững bước vào đời, xây dựng một tương lai giàu đẹp, tươi sáng hơn”, rời nghĩa trang, câu nói của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vi Đức Cường còn đọng lại như nhắn gửi với chúng tôi. 

PHẠM NGÂN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top